Đường Nguyễn Đức Thuận, huyện Gia Lâm, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 16:59, 11/04/2018
Đường Nguyễn Đức Thuận dài 3.000m, rộng 25m.
Tên đường mới đặt tháng 8/2005.
Nguyễn Đức Thuận (1916-1985) tên thật là Bùi Phong Tư, quê xã Bản Ngữ, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, lớn lên ra Hà Nội tham gia phong trào công nhân. Từ năm 1937, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương là bí thư chị bộ, Thành ủy viên Thành ủy Hà Nội, đặc trách phong trào công nhân. Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta. Cuối năm 1940, ông bị địch bắt, kết án khổ sai và bị đày đi nhà tù Sơn La, Côn Đảo. Cách mạng tháng Tám thành công (năm 1945), ông cùng một số cán bộ kháng chiến khác được trở về đất liền. Sau đó, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thù Dầu Một, rồi tham gia Xứ ủy Nam Bộ.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông kiêm giữ chức Bí thư Khu ủy khu VII, Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Trưởng ban Mặt trận của Xứ ủy, Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Nam Bộ. Từ năm 1951-1955, ông hoạt động bí mật trong vùng Sài Gòn - Chợ Lớn; tháng 7/1956 bị Mỹ - ngụy bắt giam và đày ra Côn Đảo. Kẻ thù đã dùng nhiều phương tiện tra khảo rất dã man, nhưng trước sau ông vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản chân chính và bảo vệ được cơ sở Đảng. Năm 1964, ra tù, ông được tổ chức bố trí đưa ra vùng tự do, được phân công nhiều công tác quan trọng của Đảng, Mặt trận, Công Đoàn.
Từ 1980-1985, ông là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Ông còn là đại biểu Quốc hội từ khóa IV đến khóa VII, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VI, Ủy viên Hội đồng nhà nước, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam của hai kỳ Đại hội IV (12/1976) và V (3/1982). Nguyễn Đức Thuận là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất, một nhà hoạt động công đoàn ưu tú và hết sức trung thành vì sự nghiệp cách mạng của giai cấp nông dân và công nhân Việt Nam.