Phố Nguyễn Khắc Cần, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 13:53, 13/04/2018

Phố Nguyễn Khắc Cần, bắt đầu từ phố Tràng Tiền đến phố Lý Thường Kiệt cắt ngang qua phố Hai Bà Trưng và phố Phạm Sư Mạnh.

Phố Nguyễn Khắc Cần dài 292m, rộng 6m.

Phố Nguyễn Khắc Cần, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đây nguyên là phần đất trong khu vực Tràng đúc tiền (Bảo tuyền cục) hồi đầu đời Nguyễn. So vào bản đồ Hà Nội 1831 thì Tràng đúc tiền này là một khu vực hình chữ nhật mà bốn bề là các phố Phan Chu Trinh, Tràng Tiền, Nguyễn Khắc Cần, Phạm Sư Mạnh ngày nay (xem thêm mục Tràng Tiền).

Thời Pháp thuộc, phố này có tên là phố Đuy-tơ-rơi đê Ranh (rue Dutreuil des Rhins). Năm 1945 đổi thành phố Yên Đổ, năm 1949 đổi là phố Nguyễn Khuyến. Từ tháng 6/1964, đổi tên là Nguyễn Khắc Cần.

Nay thuộc phố Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm.

Nguyễn Khắc Cần (1875-1913) quê ở thôn Yên Viên, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Ông từng đỗ nhị trường, có làm nghề dạy học một thời gian. Ông tham dự phong trào Đông du, gia nhập Việt Nam Quang phục hội, có sang Trung Quốc cùng Phan Bội Châu. Năm 1912, ông cùng Phạm Văn Tráng nhận nhiệm vụ đem tạc đạn về nước để trừng trị mấy tên Việt gian và thực dân. Ông Tráng đã dùng một phần trong số các tạc đạn đó để diệt tên tuần phủ Nguyễn Duy Hàn ở Thái Bình ngày 12/4/1913. Sau đó mươi ngày, vào tối thứ bảy 26/4/1913 tạc đạn lại được ném vào “Hanoi Hotel” (ở số nhà 29 phố Tràng Tiền, tức cũng là số 2 phố Nguyễn Khắc Cần ngày nay) giết chết hai sĩ quan Pháp là Mông-grăng và Sa-puy. Có thể Nguyễn Khắc Cần không phải là người trực tiếp ném tạc đạn ấy (người đó là Hán Minh Nguyễn văn Túy) nhưng sau này, khi bị bắt - trong lúc vượt biên giới ở Lạng Sơn - Nguyễn Khắc đã nhận mình là người đã gây ra vụ nổ đó để Hán Minh thoát nạn. Và thế là tại phiên tòa ngày 5/8/1913, Nguyễn Khắc Cần (cùng 6 người khác) bị kết án tử hình, đến ngày 24/9/1913 thì thi hành án.