Quyển tập đen ngày xưa

Truyện - Ngày đăng : 08:44, 03/05/2018

Hôm dọn lại mớ sách báo cũ trong kho, tình cờ tôi phát hiện quyển vở đen nằm trong lòng tờ tạp chí. Dù đã bị mối mọt gặm nhấm từng mảng nhưng tôi vẫn còn nhận ra nét chữ thời phổ thông của mình. Những dòng chữ hồn nhiên được viết bằng mực tím vẫn chưa phai nhạt, dù đã trôi qua hơn 15 năm.
Quyển tập đen ngày xưa

Hồi đó, lứa tuổi 8X như chúng tôi đều sử dụng vở đen để học tập. Những nhà nào giàu lắm mới cho con cái dùng tập Vĩnh Tiến có hình chú nai với chiếc lá đang rơi. Trẻ em nghèo như tôi buộc phải mua tập đen hiệu Bãi Bằng có hình chú mục đồng vắt vẻo lưng trâu học bài. Đó là sự chọn lựa hàng đầu của bậc cha mẹ khi chuẩn bị năm học mới cho con cái.

Quyển tập cũng giống như con người, cần có những chiếc áo tinh tươm. Vì thế mẹ tôi thường ra chợ mua các tờ tạp chí cũ hoặc xin của người quen trên Sài Gòn gửi về. Những tờ báo nước ngoài nhiều hình hơn chữ thường là tiêu chí để tôi chọn vở vì chúng đẹp. Tôi thích kiến trúc nên bao giờ cũng chọn những tòa nhà cao tầng với nhiều màu sắc sặc sỡ. Thời điểm này không có bìa bao nhựa nên học trò phải giữ gìn vệ sinh tập hết sức cẩn thận. Nếu thầy cô kiểm tra phát hiện tập bẩn là có nguy cơ “xơi trứng ngỗng” như chơi. Để tăng thêm sự “sang trọng” cho quyển vở đen của mình, tôi và bọn bạn thường treo lên cây hoa sứ trước cổng trường để hái hoa ép vào lòng tập. Chỉ độ vài ngày thôi, hoa tỏa hương cả quyền vở, làm cho cảm giác say mê học tập được kích thích gấp đôi.

Bút máy hiệu Trường Sơn ngày trước rất thịnh hành, thường có 3 màu chủ đạo là: đen tuyền, đỏ gạch và xanh lam. Cứ gần đến ngày khai giảng là mẹ dắt tôi đi chợ để mua dụng cụ học tập. Tôi được quyền tùy chọn, nhưng trong khả năng kinh tế của gia đình. Bởi chỉ có tôi mới rành chiếc bút nào phù hợp. Do tập đen thường kén bút nên trước khi mua tôi phải thử đi thử lại nhiều lần. Ngòi bút nào viết lên giấy có cảm giác rè, ngòi chẻ rộng thì không nên mua. Chỉ chọn những cây bút đều mực, có cảm giác êm mềm khi viết lên giấy. Ấy thế mà đôi khi vẫn bị nhầm. Cách chữa viết hỏng là mài ngòi viết vào thanh kim loại. Khi viết nghẽn mực thì dùng sợi tóc chẻ vào rãnh của ngòi để đẩy chất cặn ra. Ngoài ra tôi còn được mẹ mua thêm cây bút bi màu đỏ để viết tựa đề hoặc gạch dưới dòng những câu quan trọng trong vở. 

Tôi nhớ hồi năm lớp 5, học lực của tôi nằm trong top 5, được nhận phần thưởng. Hôm bế giảng, tôi được mẹ cho mặc quần áo đẹp để đi dự lễ. Nào ngờ, tên tôi không được xướng lên. Tuổi nhỏ ngây ngô, tôi giận dỗi bỏ ra về. Bởi bao nhiêu niềm háo hức tột đỉnh giờ bị đánh bật bởi nỗi hụt hẫng ê chề. Cô giáo chủ nhiệm phải chạy theo năn nỉ, trao phần quà ấy bởi do sự sơ suất của ban giám hiệu. Dù giận nhưng cầm 3 quyển tập đen trên tay, tôi mừng như bắt được vàng. Phần thưởng quý giá ấy cùng tờ giấy khen được tôi cất kỹ lưỡng. Rồi theo thời gian, chúng xỉn màu hơn, nhưng vẫn được tôi trân trọng, nâng niu. Mãi cho đến khi không còn tập để làm bài nháp, tôi mới lấy ra dùng dần. 

Giờ thì học sinh nào cũng sử dụng vở trắng để học tập. Thậm chí là những quyển vở thơm mùi hoa cỏ, dày và bìa được in những nhân vật hoạt hình dễ thương. Tập vở đen ngủ yên mãi mãi như là cách chia tay với thời cơ cực. Dù vậy, đối với những ai yêu mái trường trong ký ức, yêu thời gian khó cũng đôi lần nghĩ đến. Để rồi bất giác thấy nhớ, thấy thương làm sao cái tuổi học trò! 

Đặng Chung Thành