Về làng lụa quê tôi
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:34, 14/05/2018
Từ trung tâm quận Hà Đông, rẽ vào lối Cầu Am, đi chừng vài ba trăm mét là đến cổng làng Vạn Phúc. Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc vốn đã nổi tiếng nay lại được nhiều người biết đến, khách trong nước và nước ngoài đến tham quan làng ngày một đông hơn.
Cửa hàng bán lụa ở làng Vạn Phúc. Ảnh: Giang Nguyên Thái
Tiếng thoi đưa lách cách, nhịp nhàng từ những khung cửi trong xưởng dệt từ đầu làng đến ngõ xóm - đó là những âm thanh rất đỗi thân quen của người làng Vạn Phúc. Tùy từng sản phẩm dệt mà tiếng thoi đưa, tiếng máy kéo go xà, go võng và tiếng cữ dập cũng có âm thanh khác biệt. Tiếng thoi của cha cũng khác tiếng thoi của bà, của mẹ. Tiếng thoi của cha nghe khỏe khoắn mạch lạc còn tiếng thoi của bà, của mẹ lại khoan nhặt dịu dàng. Nếu là người làng, nghe quen tai thì khi đi qua nhà nào là biết ngay nhà đó đang dệt mặt hàng gì. Thường nhà nào cũng có ít nhất vài ba khung dệt, có gia đình đông con thì phải tới năm bảy khung. Vạn Phúc chủ yếu là dệt lụa Vân, ngoài ra còn có Sa, The, Đũi… được dệt bằng chất liệu tơ tằm truyền thống.
Khung cửi để dệt các mặt hàng này cao tận nóc nhà, vì nó cõng trên lung cả cỗ máy đồ sộ để kéo go xà và trục các tông. Từng lớp hoa bóng hoa mờ cứ dần dần hiện hình trên mặt lụa bóng nõn nà qua tiếng thoi đưa.
Để có được những tấm lụa đẹp mắt làm say lòng du khách, người làm canh cửi phải trải qua nhiều công đoạn. Từ khâu chọn tơ cũng có nguyên tắc riêng, tơ dọc, tơ ngang cũng khác nhau. Tơ dọc thì sợi to dày dặn chắc chắn, tơ ngang để cải hoa thì mềm mỏng mượt mà. Tơ dọc thì phải hồ, công đoạn này cũng thật vất vả. Khung hồ dài bằng cả 5 gian nhà. Sợi tơ được nhấn trong nước hồ bằng gạo xay nhuyễn và nấu chín. Bởi vậy sợi tơ sau khi được hồ, quạt khô sẽ trở nên dai và săn chắc hơn.
Muốn có được những tấm lụa tơ tằm với hoa văn cầu kỳ và tinh xảo như Lan Mai Trúc Điệp, Hoa Cúc Thọ hay Song Hỷ… thì phải kể đến công đoạn làm go và đục lỗ các tông theo mẫu cho từng loại hoa văn. Các mẫu này còn có thể thay đổi theo sự sáng tạo của những người thợ tài hoa lành nghề và khéo léo. Đây là công việc cực kỳ quan trọng, chỉ có số ít thợ có kỹ thuật cao đảm nhiệm và thường là cha truyền con nối.
Bà tôi kể rằng, con gái Vạn Phúc xưa vụng lắm, không giỏi nội trợ đâu. Việc nấu nướng là của bà hay mẹ, còn con gái sáng sớm ra là đã ngồi vào khung cửi. Dệt từ sáng tới trưa, rồi lại từ trưa đến tối. Khi nào chuẩn bị lấy chồng, lúc ấy mẹ mới dạy con gái làm nội trợ và các việc nữ công gia chánh. Chả thế mà chị nào đi lấy chồng thiên hạ, thì sớm muộn cũng thuyết phục bằng được chồng về Vạn Phúc ở rể, chứ các cô chả chịu làm dâu. Con gái làng Vạn Phúc, gót đỏ như son, lại được cái nết na, chăm chỉ, hiền lành và đôn hậu.
Ở làng Vạn Phúc có nhiều nhà còn giữ nguyên truyền thống, chỉ bán lụa do người làng Vạn Phúc làm ra, nhưng đa phần là bán thêm một số mặt hàng nhập ngoại, màu sắc, hoa văn tuy bắt mắt, giá thành lại rẻ nhưng độ bền kém. Nhưng những vị khách cầu kỳ, kỹ tính, họ phải mua bằng được món hàng bằng tơ tằm được dệt bằng kỹ thuật thủ công của những người thợ quê hương Vạn Phúc.
Tiếng tăm của lụa tơ tằm Vạn Phúc từ lâu đã vượt qua biên giới. Du khách quốc tế đến đây rất ưa chuộng những tấm lụa mềm mại, mượt mà, óng ả, cầm vào là mát rượi tay. Và không chỉ tự hào bởi những sản phẩm trang nhã, tinh tế mà độc đáo được làm bằng tơ tằm chính hiệu từ những đôi bàn tay khéo léo do những người thợ thủ công truyền thống của làng nghề, những người dân quê tôi còn luôn tự hào vì những giá trị văn hóa lịch sử đã được gìn giữ vun đắp qua bao thế hệ.