Nhìn từ liên hoan sân khấu kịch nói

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:40, 14/05/2018

Lại một kỳ liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc vừa khép lại. Không thể không vui khi liên hoan quy tụ được nhiều đơn vị sân khấu xã hội hóa tham gia và có những gương mặt nghệ sĩ trẻ tài năng đắm say với nghề. Nhưng cũng từ cuộc liên hoan này người làm nghề không khỏi trăn trở trước những chuyện rất cũ của sân khấu bao năm: thiếu kịch bản và không nhiều tác phẩm hay.
Những niềm vui

Ngay trước thềm liên hoan, giới truyền thông đã rất hoan hỉ loan tin rằng liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm nay sẽ có nhiều điểm mới. Sở dĩ số đơn vị ngoài công lập tích cực tham gia liên hoan năm nay (13/22 đơn vị), ngoài vì “địa lợi” liên hoan được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh – cái nôi của kịch xã hội hóa thì còn vì liên hoan khuyến khích các sáng tạo mang tính thời sự, phản ánh đa chiều đời sống, chấp nhận các thể nghiệm trong phong cách và hình thức… Cùng với đó, việc đổi mới về ban giám khảo với những thành viên không liên quan đến bất cứ yếu tố sáng tạo của vở diễn mà theo như trưởng ban giám khảo – tác giả Lê Quý Hiền thì “sẽ là một liên hoan sân khấu trở về với những giá trị đích thực của nghệ thuật sân khấu, trở về những giá trị cũ đã từng một thời vinh danh sân khấu Việt Nam, nhưng dưới màu sắc tươi mới của năm 2018”. Bởi vậy, ngoài một đại diện xã hội hóa duy nhất của sân khấu phía Bắc là CLB Sân khấu thử nghiệm (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) với vở “Dưới ánh đèn” thì ở phương Nam có đến 12 đơn vị xã hội hóa tham gia liên hoan, gồm: Nhà hát Thế giới trẻ với “Yêu là thoát tội”, Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần với “Gương mặt kẻ khác”, Cty Cổ phần SK & ĐA Vân Tuấn với hai vở “Đàn bà dễ có mấy tay”, “Châu về hợp phố”, Cty TNHH Dịch vụ giải trí sân khấu Buffalo với “Hiu hiu gió bấc”, Cty TNHH MTV Xúc tiến thương mại và Tổ chức biểu diễn TKC với “Rặng trâm bầu”, Cty TNHH giải trí Minh Nhí với “Tiếng vạc sành”, Cty CP TTQC Sài Gòn phẳng với “Mua chồng 30 vạn”, Cty TNHH Nụ cười mới với “Đám cưới chùm”, Cty TNHH SK-ĐA Gia đình với “Lũ quỷ sống”, Cty TNHH Giải trí Hero film (Ước mơ xanh) với “Tiếng giầy đêm”, Cty CP Công nghệ giải trí Hồng Hạc với “Thiên thần nhỏ của tôi”, Cty CP Đầu tư giải trí Phước Sang (SK kịch Sài Gòn) với “Oan hồn”. Có thể thấy, bên cạnh những đơn vị công lập, các đơn vị xã hội hóa này đã đem đến cho liên hoan màu sắc tươi mới với nhiều loại hình thể nghiệm cũng như sẻ chia câu chuyện: dựng kịch để bán được vé chứ không phải dựng kịch hoàn thành theo chỉ tiêu được giao hàng năm. Cũng phải mở ngoặc rằng, nếu liên hoan mà không giới hạn thời gian vở diễn (không quá 120 phút) hay quy định “tuổi” đơn vị (tối thiểu được thành lập một năm) thì có lẽ số đơn vị xã hội hóa tham gia còn đông đảo hơn khi ở thành phố Hồ Chí Minh còn có sân khấu kịch Idecaf, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh hay phía Bắc còn có Luc Team của NSƯT Trần Lực… 

Nhìn từ liên hoan sân khấu kịch nói
Vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của Nhà hát Tuổi trẻ giành Huy chương vàng tại liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2018. Ảnh: HA
Một niềm vui nữa thấy được ở liên hoan này là giữa thời sân khấu rớt giá song trên sàn diễn vẫn có những gương mặt nghệ sĩ trẻ tài năng bền bỉ bám trụ. Nhất là, với sân khấu kịch phía Bắc, khi “thế hệ vàng” của các nhà hát mấy mươi năm cặm cụi giữ như NSND Lê Khanh, NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương, NSND Hương “bông”, NSND Minh Hòa, NSƯT Ngọc Huyền, NSND Tiến Đạt, NSND Lệ Ngọc… đang dần chia tay sàn diễn (nghỉ hưu) từ hai năm qua và đặc biệt đến năm 2019 thì gần như nghỉ chế độ hàng loạt thì thật đáng mừng khi ở mỗi nhà hát xuất hiện những gương mặt trẻ đã được sân khấu “thử lửa” đang say mê bám trụ đáng được chờ đợi – theo như cách nói của ông Trương Nhuận – nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Ở Nhà hát Tuổi trẻ có thể nhắc tên: Thu Trang, Thanh Sơn, Chí Huy, Thu Quỳnh… Tại Nhà hát Kịch Việt Nam có thể nhắc đến: Tô Dũng, Diễm Hương, Quỳnh Hoa… hay ở Nhà hát Kịch Hà Nội có thể nhắc đến Hồng Đăng, Chí Nhân, Thanh Hương… Đây là những gương mặt trẻ đã và đang tạo ấn tượng trong mỗi vai diễn cả ở sân khấu kịch và trên màn ảnh nhỏ. Điều đáng quý hơn là, với những nghệ sĩ trẻ này trước rất nhiều cơ hội có thể “đổi đời” vậy nhưng họ vẫn từ chối để bền bỉ “quay quắt” cùng sàn diễn. Trong khi đó, để trang trải cuộc sống, họ đã làm đủ việc như kinh doanh, dựng kịch, làm MC… “Thật đáng quý khi các bạn ấy biết cách thỏa được niềm đam mê cùng sân khấu mà vẫn lo được chuyện cơm áo gạo tiền cho mình và gia đình. Tất nhiên, với nhà hát, chúng tôi luôn tạo mọi cơ hội để các bạn trẻ được cống hiến và tỏa sáng.” – Nghệ sĩ Sĩ Tiến – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói. Hay tác giả Lê Quý Hiền – Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan đã vui mừng bày tỏ, đáng mừng và ghi nhận là lực lượng trẻ trong các thành phần vở diễn từ tác giả, đạo diễn, diễn viên và các thành phần sáng tạo khác đã xuất hiện đông đảo hơn trong sự nối tiếp của dòng chảy sân khấu nước nhà. 

Trăn trở đôi điều

27 vở diễn tham gia liên hoan là 27 câu chuyện của hôm qua và hôm nay được kể dưới ánh đèn sân khấu. Trong đó, một số vở diễn đã được các đơn vị đầu tư công phu và để lại nhiều ấn tượng như “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của Nhà hát Tuổi trẻ, “Bão tố Trường Sơn” của Nhà hát Kịch Việt Nam, “Vùng lạnh” của Nhà hát Kịch Hà Nội, “Yêu là thoát tội” của Nhà hát Thế giới trẻ, “Tiếng giầy đêm” của Cty TNHH Giải trí Hero film (Ước mơ xanh), “Hiu hiu gió bấc” của Cty TNHH Dịch vụ giải trí sân khấu Buffalo… Tuy nhiên, vẻ đẹp lung linh từ các vở diễn không nhiều khi một số vở diễn của sân khấu phía Bắc còn khô cứng, khiên cưỡng cả về diễn xuất lẫn nội dung và một số vở diễn phía Nam thì dễ dãi với hài nhảm, kinh dị và sự non nớt trong nghề của diễn viên. Với sân khấu phía Nam có thể kể đến vở diễn “Đám cưới chùm” của Sân khấu Nụ cười mới không để lại dấu ấn vì kịch bản không có nút thắt, xử lý trong diễn xuất của nghệ sĩ thiếu tinh tế... Với sân khấu phía Bắc thì có thể nhắc đến vở “Kiều” của Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn được truyền thông khen ngợi là có nhiều thử nghiệm khi kết hợp ca kịch. Nhưng nếu công tâm mà nói thì dường như cách kết hợp này không đạt được hiệu quả nghệ thuật cao khi gần như nghệ sĩ hát nhép những câu Kiều và để minh họa, khỏa lấp cho hành động, tâm trạng. Chính vì thế vở diễn trở nên khiên cưỡng, nhạt nhòa, gần như chỉ là diễn xuôi lại tác phẩm văn học bất hủ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Hay như vở “Dưới ánh đèn” của CLB Sân khấu thử nghiệm (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) đã khiến nhiều người thất vọng với lối diễn cường điệu và cách kể chuyện như là hô khẩu hiệu. Còn với những vở của các đoàn tỉnh như “Thiên đường” (Đoàn kịch nói Hải Phòng), “Tình đồng đội” (Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn), “Bản tình ca viết dở” (Đoàn kịch nói Nam Định) đã không thể giữ chân khán giả suốt buổi diễn vì cách dựng cũ kỹ, câu chuyện kể không có gì mới mẻ…

Nhìn từ liên hoan sân khấu kịch nói
Vở kịch “Đám cưới chùm” của Sân khấu Nụ cười mới nhạt nhòa tại liên hoan.
Bên cạnh đó, ai cũng nhận thấy, liên hoan lần này có khá nhiều vở diễn được dàn dựng từ kịch bản của mấy chục năm trước. Điển hình như vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” được dàn dựng từ kịch bản văn học của cố tác giả Lưu Quang Vũ viết cách đây hơn 30 năm. Hay như vở “Yêu là thoát tội” cũng là kịch bản đã được nhiều nhà hát dàn dựng; vở “Tiếng giầy đêm” được dựng lại sau hơn 20 năm... Dù những vở kịch này đã được ê kíp sáng tạo làm mới khá thú vị vẫn chuyển tải được những thông điệp hôm nay song vẫn không thể phủ nhận được thực tế là sân khấu nước nhà đã và đang thiếu kịch bản hay một cách trầm trọng. Khi được hỏi chuyện này, lãnh đạo nhiều nhà hát chia sẻ rằng, đây là nỗi đau đầu của tất cả các nhà hát. Dù rằng hầu như năm nào các hội sân khấu địa phương và trung ương đều mở trại sáng tác, nghiệm thu hàng chục kịch bản nhưng để chọn ra được kịch bản hay vẫn vô cùng khó. 

Và, nỗi trăn trở hậu liên hoan thêm một lần nữa đang được đặt ra một cách bức thiết khi các nhà hát công lập đang bước vào lộ trình xã hội hóa. Liệu rằng, khi bước vào xã hội hóa, tự chủ tài chính, các nhà hát có thể giữ mãi cách dựng vở gần như chỉ để tham dự liên hoan, công diễn báo cáo rồi cất kho như bao năm qua hay còn phải tính đến cả yếu tố thị trường để tồn tại? Đúng như cách nói của NSƯT Trần Lực, liên hoan phải lan tỏa đến công chúng để từ đó các vở diễn được đặt hàng thì mới có giá trị chứ đừng chỉ để người trong nghề tự xem và tự khen lẫn nhau... 

Hoàng Anh