Đảm bảo thực phẩm an toàn cho người dân Thủ đô
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:18, 07/06/2018
Trước những vấn đề nóng về vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cùng các đơn vị chuyên ngành đã tiến hành rà soát, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên toàn thành phố cũng như đẩy mạnh sản xuất tại chỗ, tiếp tục kết nối với 21 tỉnh, thành phố tiêu thụ nông sản an toàn. Đây cũng là những việc làm sát sao, hữu hiệu của thành phố với mong muốn đảm bảo cung ứng cho người dân Thủ đô nguồn thực phẩm an toàn.
Tích cực thanh kiểm tra
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội vừa đánh giá kết quả sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn TP. Hà Nội. Qua rà soát, TP. Hà Nội có 188.600ha đất nông nghiệp, chiếm 56,34% tổng diện tích đất tự nhiên. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 271.161ha. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đến nay đạt 25%. Trên địa bàn thành phố có 17.011 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Nguồn thực thẩm được sản xuất tại chỗ đó đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của người dân Thủ đô. Điển hình như sản phẩm thịt lợn, thịt gà cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Các mặt hàng như: gạo đáp ứng đủ 35%, thịt bò khoảng 15%, thủy hải sản khoảng 3%, thực phẩm chế biến 25%, rau, củ 65%, trái cây an toàn, truy xuất nguồn gốc đáp ứng được 30% nhu cầu.
Vùng rau an toàn ở xã Tiền Lệ, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Ảnh: Trần Thanh Giang
Trong khi đó, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng vừa rà soát công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Theo đó, tổng số thanh, kiểm tra do các chi cục quản lý chuyên ngành, Thanh tra Sở thực hiện tại 385 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và đã phát hiện 11 cơ sở vi phạm, chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; người sản xuất, kinh doanh không có giấy khám sức khỏe, xác nhận kiến thức; không đảm bảo điều kiện bảo quản, vận chuyển. Ngoài ra, đoàn còn tiến hành lấy 2.741 mẫu nông lâm thủy sản. Trong đó, phát hiện 124 mẫu vi phạm, chiếm 4,5% và giảm dần so với năm 2016 là 4,6%, năm 2015 là 5,28%, năm 2014 là 6,07%. Các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện kiểm nghiệm nhanh trên xe ô tô chuyên dùng. Qua việc kiểm tra nhanh 1.071 mẫu thực phẩm, đoàn đã phát hiện 2 mẫu giò sống dương tính với hàn the.
Kết nối và đẩy mạnh sản xuất tại chỗ
Trước thực tế thu nhận được, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã định hình nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn với kế hoạch sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, chương trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, đề án phát triển chăn nuôi, chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản... đã được hình thành. Ngoài ra, các vùng sản xuất chất lượng, chuyên canh tập trung được phát triển như: 157 cánh đồng mẫu lớn; vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành; diện tích rau an toàn được quản lý, chỉ đạo đạt hơn 5.000ha.
Thành phố cũng đã hình thành 76 xã chăn nuôi trọng điểm và khoảng 4.000 trại quy mô hơn ngoài khu dân cư, 26 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Toàn thành phố có 105 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó: 65 mô hình ứng dụng công nghệ cao về trồng trọt, 34 mô hình ứng dụng công nghệ cao về chăn nuôi, 4 mô hình ứng dụng công nghệ cao về thủy sản và 2 mô hình ứng dụng công nghệ cao về bảo quản chế biến.
Bên cạnh đó, đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc trong việc xây dựng, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt đảm bảo an toàn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Riêng năm 2017, thành phố đã kết nối một số sản phẩm chủ lực của các tỉnh như: Tuyên Quang, Sơn La, Nam Định, Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, TP. Hải Phòng được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Kênh tiêu thụ chủ yếu tại hệ thống siêu thị Fivimart, Vinmart, Metro, Big C, hệ thống cửa hàng kinh doanh an toàn Biggreen, Bác Tôm... và các chợ đấu mối, bếp ăn tập thể, nhà hàng... Đến nay, thành phố đã xây dựng 377 chuỗi, trong đó: 182 chuỗi đã được xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Nhiều doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ cho vùng nguyên liệu và tham gia các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông sản cung cấp cho thị truờng Hà Nội như: chuỗi sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Sơn La, chuỗi thịt gà Dabaco Bắc Ninh, chuỗi thịt lợn tỉnh Hòa Bình, chuỗi rau Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng...
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm đầu ra cho nông sản, ngành nông nghiệp Hà Nội đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đáng chú ý là việc ngành sẽ đẩy mạnh triển khai đồng bộ các quy hoạch; tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô tập trung; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất di chuyển vào vùng quy hoạch để phát triển lâu dài, bền vững và có lượng hàng hóa lớn; khuyến khích, tạo cơ chế hỗ trợ hình thành các tổ chức dịch vụ gồm: tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nông thôn...