Phố Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 08:03, 08/06/2018
Phố Phan Đình Phùng dài 1412m, rộng 10m.
Đây nguyên là dãy hào chạy phía ngoài bức tường phía bắc của thành Thăng Long đời Nguyễn, đồng thời lại là một đoạn của sông Tô Lịch cũ. Tại phố này còn sót lại cửa “Chính Bắc môn” với dấu vết mấy phát đạn đại bác do giặc Pháp bắn vào ngày 25/4/1882 (Di tích đã được xếp hạnh năm 1999).
Thời Pháp thuộc là đường A (voie A), năm 1901 đổi thành đại lộ Các-nô (boulevard Carnot). Sau cách mạng đổi tên như hiện nay.
Tên Phan Đình Phùng còn được đặt cho một ngõ ở quãng giữa hai phố Nguyễn Biểu và Đặng Tất.
Phan Đình Phùng (1847-1895) người làng Đông Thái, nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ đình nguyên tiến sĩ năm 1877, được bổ Tri huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình). Sau về kinh đô Huế giữ chức Ngự sử. Tính ông cương trực khảng khái. Năm 1883, Tôn Thất Thuyết họp đình thần để ông bố việc phế bỏ Dục Đức, lập Hiệp Hòa. Không ai dám nói năng gì. Chỉ có ông là đứng lên chỉ trích, vì thế ông bị cách chức. Nhưng hai năm sau, khi Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lánh ra Hà Tĩnh, ông lại triệu Phan Đình Phùng ra và cử giữ chức Hiệp thống quân vụ, lãnh đạo các đạo quân Cần vương chống Pháp tại ba khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Bản thân Phan Đình Phùng cũng tổ chức khởi nghĩa ở vùng núi thuộc hai huyện Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh). Năm 1887, ông ra bắc bàn bạc với các lãnh tụ Cần vương khác, giao quyền chỉ huy lại cho Cao Thắng. Năm 1889 ông trở về tổ chức lại đội ngũ, gây cho địch nhiều tổn thất. Về sau, mặc dù có thắng được vài trận khá quan trọng như trận Vụ Quang (cuối năm 1894) song do lương thực và vũ khí gặp nhiều khó khan, các tướng giỏi như Nguyễn Chanh, Cao Thắng lại bị chết trận, nghĩa quân lâm vào thế suy yếu. Đến ngày 13 tháng Mười một năm Ất Mùi (28/12/1895), do bị bệnh Phan Đình Phùng đã qua đời tại bản doanh ở núi Quạt trong dãy Trường Sơn.