Phố Phan Huy Chú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:31, 08/06/2018
Phố Phan Huy Chú dài 380m, rộng 7,5m.
Đây nguyên là đất thôn Hữu Vọng, tổng Hậu Nghiêm (sau đổi là tổng Thanh Nhàn) huyện Thọ Xương cũ. So vào bản đồ Hà Nội 1831 thì phần phố này nằm trong lòng hồ Hữu Vọng. Thực ra, mãi tới những năm 1915-1920, khu vực này phần lớn vẫn là ao hồ. Sau thực dân Pháp mới lấp đi, mở ra các phố Phan Huy Chú, Phan Chu Trinh, Hàng Chuối….
Thời Pháp thuộc trước năm 1919 có tên là phố Trường Y (rue Ecole de Médecine) đến năm 1919 đổi tên thành phố Ra-phơ-nen (rue Raffenel). Sau cách mạng đẫ đổi ra tên hiện nay.
Nay thuộc phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm.
Ngoài ra, Phan Huy Chú còn là tên một ngõ ở bên dãy số lẻ của phố này, thời Pháp thuộc gọi là ngõ Véc-đông (impasse Verdun).
Phan Huy Chú (1782-1840) còn có tên là Hạo, con trai thứ ba của Phan Huy Ích, người làng Thụy Khuê, tức làng Thầy, nay thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Nổi tiếng hay chữ, nhưng hai lần đi thi đều chỉ đỗ sinh đồ (tức tú tài) nên Phan Huy Chú ở nhà dạy học và soạn sách. Năm 1821, vua Minh Mạng cho gọi ông vào Huế, bổ làm Biên tu ở Quốc Tử Giám. Năm 1824, ông đã đi sứ nhà Thanh. Năm 1830 lại đi sứ lần thứ hai. Nhưng lần này khi về nước thì cả sứ bộ bị cách chức vì tội “lộng quyền”! Năm 1832 được đi công cán sang Giang-lưu-ba (thuộc In-đô-bê-xi-a) để lập công. Khi trở về, được bổ làm Tư vụ Công, nhưng ông vin cớ đau yếu, xin từ chức, về sống ở quê làng Thầy. Ông biên soạn nhiều sách giá trị. Nổi tiếng nhất là bộ Lịch triều hiến chương loại chí gồm 40 quyển chia ra làm 10 phần, soạn trong 10 năm, từ 1809 đến 1819. Đây là pho sách có tính bách khoa đã tổng hợp được tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử, địa lý… nước ta từ đời Lê trở về trước.