Công nhân xa quê và nỗi niềm những ngày cuối năm
Du lịch - Ẩm thực - Ngày đăng : 15:50, 07/01/2022
Trò chuyện cùng những công nhân lao động hiện đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô, mặc dù Tết đang cận kề nhưng họ chưa nghĩ nhiều đến chuyện về quê đón Tết, trong họ vẫn canh cánh nỗi lo về công việc, thu nhập...
Với họ, tháng cuối năm mọi thứ trở nên bộn bề, nhiều lo toan hơn. Suốt hơn một năm qua, dịch Covid-19 khiến đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn, không ít người đã phải bỏ việc về quê sinh sống. Vài tháng trở lại đây, nhiều nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp rơi vào cảnh đìu hiu vì không có công nhân thuê.
Rời quê lên Thủ đô làm việc hầu hết các công nhân lao động thuê những phòng trọ nhỏ để tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình. |
Những công nhân còn ở lại Thủ đô, những ngày cuối năm họ tranh thủ nhận tăng ca hoặc tìm những công việc làm thêm khác như chạy xe ôm, nhận làm đồ trang trí Tết… để kiếm thêm thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Sung (công nhân khu công nghiệp Phú Nghĩa) cho biết, chị vào công ty làm việc được gần 3 năm. Cuộc sống xa nhà, chị phải chi tiêu tằn tiện để tích cóp tiền gửi về quê cho gia đình. Năm vừa qua ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thời gian chị phải nghỉ làm không lương, thu nhập giảm đi rất nhiều trong khi chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, tiền điện, nước, ăn học của các con ngày càng nhiều khiến cuộc sống của gia đình chị thêm bội phần khó khăn.
Mấy tháng qua, bước vào giai đoạn bình thường mới, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Công ty chị Sung làm việc đã khôi phục sản xuất và cho người lao động đi làm lại. Gần Tết đơn hàng của Công ty nhiều hơn, chị và các đồng nghiệp tăng ca để kịp hoàn thành các đơn hàng, kiếm thêm thu nhập.
Khi nhắc đến Tết, chị Sung thoáng nỗi buồn. Chị bộc bạch: “Dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, số ca bệnh đang tăng nhanh nên chưa nói trước được điều gì. Tết này tôi chỉ mong cả gia đình mạnh khỏe, bình an là vui lắm rồi. Mọi năm tầm này là háo hức, đếm từng ngày để trở về quê đón Tết bên người thân nhưng năm nay tôi chưa biết Tết này sẽ ra sao. Kinh tế không dư dả, tôi sẽ cắt giảm nhiều khoản chi tiêu trong dịp Tết sắp tới”.
Cùng tâm trạng, anh Trần Khả Thư (quê Thiệu Sơn, Thanh Hóa) cũng canh cánh trong lòng những nỗi lo kinh tế, nhất là khi Tết đang cận kề. 13 năm làm công nhân ở Thủ đô, mỗi năm anh đều dành dụm tiền gửi về biếu bố mẹ ở quê. Năm nay, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những tháng cuối năm, anh Thư tập trung, cố gắng tranh thủ làm thêm để có khoản tiền dư dả hơn gửi về cho bố mẹ sắm sửa đồ dùng trong gia đình.
Nhắc đến chuyện về quê đón Tết, anh Thư chia sẻ: “Đợt dịch vừa qua, thực hiện giãn cách xã hội, tôi nghỉ làm, do đó mọi khoản tiết kiệm cũng đã tiêu hết, cuối năm tôi đăng ký làm tăng ca để có thêm thu nhập. Năm nay Công ty khó khăn, lương, thưởng Tết dự kiến cũng sẽ ít hơn các năm trước, Tết đến nhiều chi phí phát sinh, dịch bệnh còn khó lường nên tôi chưa đặt vé xe về quê. Nếu không về quê đón Tết cùng người thân, ở lại tôi sẽ tìm việc làm thêm trong mấy ngày để tăng thu nhập”.
Tương tự, ảnh hưởng của dịch bệnh gia đình chị Nguyễn Như Trang (công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam) càng thêm khó khăn. Suốt nửa năm qua chồng chị phải nghỉ việc, gia đình 4 người, các con đang tuổi ăn tuổi học khiến chi phí sinh hoạt phải xoay xở đủ bề.
“Nguồn thu của 2 vợ chồng hụt đi nhiều, bây giờ tôi vẫn chưa dám nghĩ đến các khoản chi tiêu Tết. Kinh tế khó khăn cùng với dịch bệnh vẫn còn phức tạp, công nhân chúng tôi chẳng ai còn tâm trí nghĩ đến Tết, chỉ mong bình yên là tốt lắm rồi. Tôi cũng rất mong mỏi, Tết này Công ty và công đoàn các cấp sẽ có chính sách hỗ trợ, thưởng Tết cho công nhân. Với tình hình khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh thì tôi cũng không kỳ vọng nhiều”, chị Trang tâm sự...
Tết Nguyên đán đang tới rất gần, nỗi niềm của chị Sung, chị Trang, anh Thư cũng là nỗi niềm chung của hàng trăm, hàng nghìn công nhân lao động khác. Mong rằng dịch bệnh sớm được kiểm soát để những người lao động ổn định với công việc, thu nhập được tăng hơn giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.