Người thầy cũ và hàng cây kỷ luật
Tản văn - Ngày đăng : 13:42, 13/01/2022
Hôm ấy, vào giờ tập viết, thầy Ngoạn cho chúng tôi viết dòng chữ “Lân cho gà ăn tấm”. Đó là vào năm 1964, chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ đã giội bom xuống các làng mạc. Đang trong giờ tập viết thì có báo động máy bay Mỹ oanh tạc. Theo lệnh của thầy, cả lớp chạy ra hầm trú ẩn. Hôm ấy, bom Mỹ đánh vào một xưởng quân khí đóng gần xã tôi... Khi báo yên thì trời đã đổ chiều. Thầy Ngoạn cho chúng tôi mang về nhà viết hôm sau nộp cho thầy. Việc ấy với tôi quá đơn giản. Viết xong, gấp vở lại, tôi phốc ra ngõ nhập vào bọn trẻ trong làng với biết bao trò thú vị đang đợi.
Hôm sau, thầy Ngoạn bảo chúng tôi nộp vở đề thầy kiểm tra. Tôi giật thót mình khi thầy gọi đến tên. Thầy lừ mắt: “Viết thế này à? Đưa tay đây!”. Rồi thầy buông một câu gỏn lọn: “Về chỗ viết lại!”. Về chỗ ngồi, tôi ren rén giở bài ra xem. Trời ơi! Chữ “â” của vần “Lân” trong câu “Lân cho gà ăn tấm” tôi đã nhầm sang chữ “ô”... Cuối buổi học, thầy gọi tôi xuống văn phòng. Chỉ vào cái thuổng, thầy bảo: “Thầy kỷ luật em bằng cách phải trồng một cái cây”.
Xoay xở cái thuổng trong đôi tay của đứa trẻ học lớp Một là việc khó, tôi không thể hiểu làm thế nào hôm đó vẫn trồng cái cây ngay ngắn được. Ngồi bên cạnh, thầy Ngoạn không hề giúp đỡ dù chỉ là một việc nhỏ. Thỉnh thoảng thầy lại hỏi: “Bàn tay bị thầy phạt có đau không?”. Trồng xong, thầy lại giao nhiệm vụ cho tôi phải chăm sóc cái cây đó, nếu không thầy phạt tiếp...
Đúng là “nhất quỷ, nhì ma...”. Trong những năm thầy Ngoạn đứng lớp, một hàng cây dài được trồng trước sân trường. Tạm biệt mái trường cấp I, chúng tôi lên cấp II. Nhiều bạn không theo học tiếp nữa nhưng mỗi khi có dịp qua đây, nhìn hàng cây xanh tốt mọi người đều nhớ lại thời đi học của mình, nhớ đến thầy Ngoạn... Chẳng biết người khác trồng cây gì, riêng tôi hôm đó thầy bắt trồng cây phượng vĩ. Sau ngày tốt nghiệp cấp III, chúng tôi ra đi. Tạm biệt quê hương, điều còn lại là cái cây tôi đã trồng hồi lớp Một. Tôi qua trường. Hôm đó là một buổi sáng mùa hè, những chùm hoa phượng đỏ rực rỡ trên những vòm lá xanh. Tôi thì thầm gọi: “Thầy ơi!”.
Ngày tôi trở về, thầy Ngoạn không còn nữa. Tôi tìm hiểu về thầy, thông tin quá ít ỏi so với những gì thầy để lại. Tôi hỏi mọi người về thầy Ngoạn, không nhiều người còn nhớ được ngoài mấy thông tin ngắn ngủi: Thầy Ngoạn tên đầy đủ là Trương Đức Ngoạn, quê mãi tận đằng xuôi. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (năm 1946), thầy tham gia dạy “bình dân học vụ”. Trong kháng chiến chống Pháp, thầy Ngoạn tham gia kháng chiến ở An toàn khu Ba Vì. Sau hòa bình lập lại (1954) cho đến cuối đời, thầy Trương Đức Ngoạn chỉ dạy lớp Một. Cả cuộc đời thầy không có một mái nhà riêng cho mình (thầy không có vợ con). Trong thời kỳ dạy học ở Đường Lâm, thầy Ngoạn ở nhờ một gia đình bên làng Đông Sàng (xã Đường Lâm). Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, bên cạnh thầy chỉ có Hội đồng Giáo chức xã. Hôm đưa tang thầy, xã tôi chưa bao giờ có một đám tang to như thế. Học trò nhiều thế hệ để tang thầy như thân nhân của mình.
Mấy chục năm qua đi, không riêng gì tôi mà tất cả mọi người đều lưu giữ hình ảnh một ông giáo già người gầy nhỏ, suốt đời đi bộ trên con đường làng đến trường. Trên đầu thầy đội một chiếc mũ cát trắng vành rộng, cắp bên mình một chiếc cặp da sờn bốn góc. Bốn mùa, thầy chỉ có bộ quần áo gụ tươi màu. Rất nhiều năm như thế, thầy dìu dắt bao thế hệ học trò những bước chập chững đầu tiên vào đời.
Tôi ra nghĩa trang nhân dân, mộ thầy Trương Đức Ngoạn nằm bình dị như bao ngôi mộ khác. Thời tiết đã vào đông, gió bấc thổi vi vút trên bầu trời tháng Chạp. Vẫn miên man một loài dã cúc nở xòe năm cánh đơn. Bất chợt, tôi nhận ra rằng: Hoa nào cũng đẹp, đã là hoa thì đẹp. Có thứ hoa cứ vô tư nở giữa khô cằn sỏi đá mà không có ý định dành cho ai cả... Và đó chính là sự giản dị vĩ đại của tự nhiên!