Đình làng Tư Can
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 06:28, 13/07/2018
Tư Can xưa thuộc huyện Phù Lưu thời Trần - Hồ (thế kỷ XIII). Đến năm 1402 - 1428 đổi thành huyện Phù Vân thuộc phủ Thường Tín, trấn Nam Sơn. Niên hiệu Quang Thiệu (1516 - 1522) đổi thành Phú Nguyên. Do kiêng tên húy vua Mạc Phúc Nguyên nên đổi thành Phú Xuyên từ giữa thế kỷ XVI cho đến nay. Nay Tư Can thuộc xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội. Đình thờ Hùng Trấn Dực Bảo Trung Hưng Đông Bảng tôn thần làm Thành hoàng làng. Đình đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia ngày 17/7/2008.
Đông Bảng họ Trương là con của Lạc Hầu tướng Trương Công Khoa. Ông kết duyên với bà Phạm Thị Hòa, đã 30 tuổi mà chưa có con trai nối dõi. Hai ông bà vốn hay làm điều nhân đức, làm phúc cứu giúp những cảnh đời khốn khó khắp nơi… Tháng Giêng năm Bính Tuất, bà Phạm Thị Hòa đến chùa trên núi Yên Tử dâng lễ cầu Phật, và các nơi linh thiêng. Năm sau bà lại đến lễ ở chùa Thầy. Bỗng nhiên lúc đó trời mây u ám, nước sôi réo ầm ầm như sấm động. Giao long, ba ba, thuồng luồng, cá sấu nổi lên ùn ùn trên mặt nước làm nổi lên các lớp sóng dâng trào. Có một con giao long dài quấn quanh mình bà ba vòng, toàn thân bà sực nức mùi nước thơm. Bà Phạm Thị Hòa bàng hoàng sợ hãi. Một lát sau trời quang mây tạnh. Trở về nhà, bà thuật lại sự việc với chồng. Lạc Hầu tướng biết là điềm trời báo, liền lập đàn bái yết trời đất và thần linh suốt ba ngày. Đêm đến ông nằm mộng thấy một người mặc áo vàng, tay cầm cờ trắng, lưng mang áo giáp, miệng cười tỏa sáng hào quang, bảo ông rằng: Trời đã sai hoàng tử đầu thai làm con hai người, sau này lớn lên sẽ đánh giặc bảo vệ đất nước. Nói xong thì biến mất. Lạc Hầu cũng tỉnh dậy. Sau đó vợ ông mang thai được một năm. Ngày 12 tháng 5 năm Kỷ Sửu bà sinh hạ được một con trai, diện mạo phi thường, dáng vẻ cao quý. Khi còn nhỏ chỉ ở trong nhà học chữ đọc sách, không đợi người khác chỉ bảo, có tài chơi đàn thổi sáo, tinh thông âm luật, phẩm chất hơn người. Đến khi trưởng thành, là một chàng trai thông minh, văn võ song toàn, nổi tiếng trong vùng.
Đình làng Tư Can
Thời đó, dưới triều vua Hùng, giặc Ân kéo đến xâm lược, hùng binh có tới mấy vạn, vũ khí rợp trời. Nhà vua rất lo lắng liền lập đàn, trai giới làm lễ cầu đảo, quần thần đều có mặt. Sau ba ngày, mưa to gió lớn, bỗng thấy một ông già thân cao 7 tấc, râu, tóc bạc phơ. Ông ngồi giữa đường cười nói, nhảy múa. Mọi người thấy lạ, liền tâu vua. Vua đích thân đón ông vào đàn hỏi: Nay có giặc đến xâm lược, việc thắng bại ra sao, xin được nghe chỉ giáo. Ông lão trầm ngâm một lúc rồi lấy quẻ ra xem và nói rằng: Nếu nhà vua tìm được người tài thì sẽ dẹp tan được giặc. Nói xong ông biến mất. Vua biết đấy là lời dạy của Lạc Long Quân, lập tức sai người đi tìm kiếm khắp thiên hạ. Đến làng Phù Đổng, trấn Vũ Ninh, có một phú gia tuổi đã 79, vợ 59 tuổi sinh hạ được người con trai, ông bà dưỡng dục đã 3 năm, đặt tên là Thiết Xung Thần Vương. Nằm trên giường nghe tiếng sứ giả, cậu bé ngồi dậy đòi mẹ mời sứ giả vào và nói: Sứ giả về tâu vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một chiếc búa sắt, một áo giáp sắt dài 3 thước mang đến đây, nhà vua chớ có lo. Sứ giả về tâu vua. Nhà vua rất mừng, lệnh cho đem 500 cân sắt để luyện thành ngựa sắt, búa, áo giáp sắt. Nhà vua cũng phong cậu bé làm Đại vương Tiết Chế, đem 10 vạn hùng binh đi dẹp giặc. Ngựa, búa, giáp sắt đưa lên làng Phù Đổng. Cậu bé nhận các vật và nói: Nhất định vận nước sẽ lâu dài, giặc Ân sẽ đại bại. Một ngày ra giúp nước, thiên cổ sẽ rạng danh.
Nói xong cậu nhảy lên ngựa sắt thét vang như sấm: Ta là thiên tướng thần vương. Ngựa phi như bay vượt qua vùng núi Vũ Ninh, đánh với Thạch Linh thần tướng ở bên núi. Giặc Ân thua to phải bỏ chạy. Phù Đổng vương bắt được Thạch Linh, đem chém đầu. Sau đó lên thẳng núi Sóc Trang Vệ Linh thuộc huyện Kim Hoa, cởi bỏ áo Vạn hoa, cưỡi ngựa bay lên trời hóa. Dấu chân ngựa của Phù Đổng ngày nay vẫn còn.
Giặc Ân vẫn chưa hết, Đông Bảng Đại vương đem quân đi truy lùng. Đến trấn Sơn Nam Thượng quét sạch bọn giặc. Đại vương đem quân về triều báo tin thắng trận. Nhà vua rất mừng, phong cho Đông Bảng Vương vượt ba cấp. Từ đó đất nước thái bình, quốc gia hưng thịnh. Nhà Ân trải qua 27 đời vua, hơn 640 năm không dám đem quân xâm lược nước ta nữa.
Đến thời vua Hùng Chiêu Vương, Đông Bảng Đại Vương đã 73 tuổi, Ngài cảm thấy mệt mỏi. Ngài hóa vào ngày 12/11 hưởng thọ 73 tuổi. Vua Hùng vô cùng thương tiếc bề tôi hiền, trung quân ái quốc. Ngày 12 tháng Giêng năm sau, các quan họp trong triều, vua cử quan Lễ Bộ viết sắc phong thần và cấp ấp Thang Mộc để dân thờ phụng. Bộ Lễ cấp sắc phong và ban tiền dựng miếu thờ. Quan Bộ Lễ qua trấn Sơn Nam mời các lão khu Tư Can, trang Đan Nhiễm đến nhận một đạo sắc về thờ phụng. Phụ lão trong khu bàn bạc để chọn chỗ có thế đất quý để dựng miếu thờ Đại vương. Miếu theo hướng Tây Bắc – Đông Nam hoặc Tây – Đông đều đẹp. Trước miếu có ấn đường án ngữ, hai dòng nước hợp lại bao quanh. Phía sau là thần rồng bao gối lên mặt nước. Dòng nước uốn lượn quanh co, cảnh trí đẹp, đất ở đây rất phát, đa đinh khỏe mạnh, cường tráng, tuấn tú hào hùng, anh hoa phát tiết ra ngoài. Triều đình trao cho dân làng ở đây phụng thờ Đại vương trang trọng, vạn năm ngưỡng mộ công đức của Ngài.
Đình Tư Can được xây dựng trên một thế đất đẹp chính giữa làng. Đình trông hướng Tây Bắc. Đình làng hình chữ đinh với đại bái phía trước, dài 16m090, rộng 9m092. Hậu cung dài 7m35, rộng 6m20, phía sau kết cấu hình chuôi vồ, xung quanh xây tường gạch, đại bái trông ra một ao rộng.
Mặt tiền là nghi môn với 2 trụ chính đắp đồ sộ, đắp nổi tứ phượng chầu, cách điệu hoa dành bên trên. Phía dưới là các ô lồng đèn được đắp nổi tích tứ linh, tứ quý rất sinh động. Thân trụ đắp nổi các câu đối chữ Hán ca ngợi công đức của Thành hoàng làng, như:
Chính quản quân lĩnh đại phá cường Ân cung kính quyển,
Nguyên trấn hùng uy, an dân, định quốc, hiển linh ở cửa này.
Đình Tư Can là nơi thờ Hùng Trấn Dực Bảo Trung Hưng Đông Bảng tôn thần làm Thành hoàng làng, là nơi diễn ra các lễ hội của dân làng đồng thời cũng là nơi hội họp của nhân dân trong làng.