Cách mạng công nghiệp 4.0 và Phát triển an sinh xã hội ASEAN
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 00:30, 18/07/2018
Đoàn cán bộ BHXH Việt Nam tham dự Hội nghị Ban chấp hành ASSA. Ảnh: BHXH Việt Nam
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội ASXH Đông Nam Á và BHXH Việt Nam tiếp nhận chức Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ 2018-2019. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hội nghị Ban Chấp hành ASSA lần thứ 35 với chủ đề: “Cơ hội và thách thức của các hệ thống an sinh xã hội khu vực ASEAN trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động”. Hội nghị diễn ra sẽ có khoảng 70 đại biểu quốc tế và khoảng 100 đại biểu trong nước tham dự.
Dự kiến, hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Chính phủ, đại diện các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao một số nước trong khu vực ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các tổ chức thành viên ASSA và một số tổ chức quốc tế như: Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...
Hệ thống chính sách an sinh xã hội có những ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của con người. Những ảnh hưởng này sẽ tăng lên, do các tác động của nền kinh tế- xã hội, góp phần điều chỉnh môi trường sống của chúng ta. Đặc biệt, đối diện với xu thế tuổi thọ trung bình và dân số gia tăng, nhu cầu về an sinh xã hội cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn trước.Trong bối cảnh đó, Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) đã được thành lập, nhằm giúp các tổ chức thành viên trao đổi quan điểm và kinh nghiệm về các vấn đề an sinh xã hội.
Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) là diễn đàn khu vực của các tổ chức an sinh xã hội các nước Đông Nam Á thành lập năm 1998; trải qua quá trình gần 20 năm hình thành và phát triển, đến nay ASSA có 19 thành viên là các tổ chức an sinh xã hội hoạt động của 10 quốc gia Đông Nam Á. Các thành viên ASSA bao gồm các tổ chức an sinh xã hội của các nước ASEAN, như: Brunei, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippin, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Mục tiêu của ASSA đã được các thành viên thống nhất xác định, đó là: Thúc đẩy sự phát triển an sinh xã hội trong khu vực phù hợp với nguyện vọng, luật pháp và quy định của các nước thành viên; thúc đẩy sự hợp tác khu vực trong mọi lĩnh vực hoạt động về an sinh xã hội; trao đổi kinh nghiệm và thông tin về an sinh xã hội; hợp tác với các tổ chức an sinh xã hội khác trong khu vực và trên thế giới; hợp tác bảo vệ, thúc đẩy và phát triển các chương trình an sinh xã hội thông qua đào tạo, hội thảo, tư vấn, đối thoại và các hoạt động khác.
Từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN đã trải qua 34 kỳ đại hội. Cụ thể, ngày 13/2/1998, tại Băng-cốc (Thái Lan), Biên bản ghi nhớ (MOA) thành lập Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN chính thức được ký kết bởi lãnh đạo các tổ chức an sinh xã hội, gồm: GS- TS.Awaloedin Djamin (Hiệp hội An sinh xã hội Indonesia); ông Tan Sri Sallehuddin bin Mohamed (Quỹ Phòng xa cho NLĐ Malaysia); ông Renato C.Valencia (Hệ thống An sinh xã hội Philippin); ông Cesar N.Sarino (Hệ thống Bảo hiểm Chính phủ Philippin); ông Leong Lick Tien (Quỹ Phòng xa Trung ương Singapo) và ông Chamlong Sriprasart (Cơ quan An sinh xã hội Thái Lan). Lễ ký kết được chứng kiến bởi Bộ trưởng Bộ Lao động và An sinh xã hội Thái Lan. Các đại diện đến từ Lào và Việt Nam cũng tham dự lễ ký với tư cách là những quan sát viên. Việc ký kết Biên bản ghi nhớ đã đánh dấu ngày thành lập ASSA như là Hiệp hội An sinh xã hội đầu tiên về hợp tác khu vực trong khối ASEAN. Tại hội nghị này, các bên đã thảo luận và nhất trí chức Chủ tịch đầu tiên của ASSA thuộc về Indonesia và GS-TS.Awaloedin Djamin- Chủ tịch Hiệp hội An sinh xã hội Quốc gia Indonesia giữ chức Chủ tịch ASSA.
Cuộc họp ASSA lần thứ 2 được tổ chức vào tháng 9/1998 tại Kuala Lumpur (Malaysia); ông Tan Sri Sallehuddin bin Mohamed- Chủ tịch Quỹ Phòng xa cho NLĐ Malaysia được bầu làm Phó Chủ tịch ASSA và đảm đương chức Chủ tịch vào tháng 9/1998. Việc bổ nhiệm Tổng Thư ký là quyền của Chủ tịch ASSA. Đồng thời, biểu tượng ASSA do Thái Lan thiết kế đã được chấp thuận.
Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chính thức gia nhập ASSA từ năm 1998 và đến nay luôn chủ động, tích cực tham gia trong mọi hoạt động của Hiệp hội, đóng góp vào việc xây dựng trụ cột Văn hóa - Xã hội của Cộng đồng ASEAN. Việc tăng cường phát triển các mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau với các tổ chức thành viên ASSA đã giúp BHXH Việt Nam bổ sung các kiến thức và kinh nghiệm quốc tế trong việc hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, hiện đại hóa quản lý Ngành BHXH và trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH và Bảo hiểm y tế của Việt Nam.
Đến nay, BHXH Việt Nam đã 3 lần giữ chức Chủ tịch Hiệp hội và chủ trì tổ chức thành công bốn Hội nghị Ban chấp hành ASSA vào các năm 1999, 2002, 2005 và 2010 tại Việt Nam. Các Hội nghị này đều được tổ chức trọng thể, tiết kiệm, hiệu quả, tạo ấn tượng tốt đẹp với các tổ chức an sinh xã hội thành viên của ASSA, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Theo nguyên tắc luân phiên của ASSA, năm 2018 BHXH Việt Nam sẽ tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2018 - 2019 và chủ trì tổ chức Hội nghị Ban chấp hành ASSA lần thứ 35 tại Việt Nam, đồng thời tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập ASSA.
Hội nghị ASSA 35 là cơ hội để BHXH Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của Ngành trong việc tổ chức các hoạt động đối ngoại của đất nước, tạo dựng hình ảnh của Ngành BHXH chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, sẵn sàng hội nhập và học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhằm phát triển sự nghiệp an sinh xã hội Việt Nam bền vững, hiệu quả, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.