Kim Quan - dấu ấn ''cửa vàng''
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:35, 18/01/2022
Dấu tích làng cổ Kim Quan
Theo sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" của Quốc sử quán triều Nguyễn, sở Kim Quan đã có từ thời Lê Thánh Tông (1460 - 1496). Kim Quan vốn là một vùng đầm lầy, tiếp giáp với Lệ Mật, Hoa Lâm, Hoa Am (để tránh kỵ húy mẹ vua Thiệu Trị là bà Nguyễn Thị Hoa nên năm 1841, Hoa Lâm của Gia Lâm đổi thành Trường Lâm, Hoa Lâm của Đông Ngàn đổi là Mai Lâm, Hoa Am đổi thành Thanh Am...).
Kim Quan liền kề với Lệ Mật, chịu chi phối bởi con sông Nghĩa Trụ (còn gọi là sông Cầu Bây, Cầu Chùa, Đào Xuyên). Con mương chạy song song với đường Đoàn Khuê hiện nay chính là đoạn sông Nghĩa Trụ xưa. Sông Nghĩa Trụ là chi lưu của sông Hồng (đoạn đầu ở chỗ công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải) và nhập vào sông Thiên Đức. Theo truyền thuyết, hoàng tử Linh Lang sau khi đánh lui quân giặc rồi qua đời đã “chảy trôi” vào vùng đất thấp và được dân làng nhiều nơi, trong đó có Kim Quan đón nhận, tôn thờ làm Thành hoàng làng, với tư cách là thần chống lụt hay thần “tiêu thoát nước”.
Kim Quan cũng nằm kề với sông Thiên Đức, xa hơn một chút là sông Hồng ở đoạn ngã ba Mỏm Soi (Ngọc Thụy). Các con sông này nhiều lần gây lũ lụt. Ngay trong thần tích của làng Kim Quan cũng ghi lại: “Đại loại truy chép lại Thần tích và linh ứng của Thần rằng nghe lời truyền lại là nước sông Nhị dâng cao vỡ đê, tràn vào các xã của huyện Đông Ngàn gồm xã Chiêm Trạch, xã Phúc Lộc, xã Uy Nỗ, làm thành vực sâu tục gọi là vực Đáy. Nước lũ tràn xuống đầm lớn tục gọi là Đầm Dài ở xã Hoa Am (huyện Gia Lâm), tiếp giáp địa giới bản sở”. Trên thực tế, cánh đồng Kim Quan còn nhiều dấu tích vực xoáy do vỡ đê. Trụ sở quận Long Biên, ngôi miếu Kim Quan và hồ phía trước ngày nay là khu vực xoáy xưa kia, đã được san lấp, quy hoạch kể từ khi thành lập quận Long Biên.
Dấu ấn văn hóa trong hệ thống di tích
Như vậy, Kim Quan nằm trong địa thế gắn với sông nước. Người dân nơi đây đã chung đúc mở mang và phát triển làng quê thành một kho tàng quý giá được bảo vệ bởi “cửa vàng” - Kim Quan. Bởi luôn chịu tác động của sông nước nên họ đã ứng xử và tạo nên những giá trị riêng theo tinh thần chống lũ lụt. Những giá trị đó được thể hiện ở hệ thống di sản văn hóa còn lại đến ngày nay.
Đầu tiên là đình Kim Quan - nơi thờ 5 vị phúc thần, trong đó Linh Lang đại vương được coi là đức Thánh cả. Cùng với đó là Trình Đô đại vương, Phò mã đại vương Lê Đạt Chiêu, con rể vua Lê Hiến Tông (1461 - 1504) và Thiên Tiên Đào anh tôn thần, vốn là Thiên Kiều Đào Hoa công chúa và Phương Anh phu nhân tôn thần - được coi là tổ sư của nghệ thuật ca trù khi có tài nghệ ca hát dụ giặc đầu hàng. Ở nhiều nơi trong vùng, hai nữ thần được hóa thân thành hai mẹ con bà bán hàng nước, giúp Linh Lang đánh giặc. Linh Lang đại vương - thần chủ về nguồn nước hay vị thần “tiêu thoát lũ”, được thờ ở 269 nơi trong cả nước. Việc tôn thờ Linh Lang của người dân thể hiện niềm mong cầu về nguồn nước ổn định, mang lại mùa màng tươi tốt.
Miếu Kim Quan được dựng trên một gò đất cao, hướng tây nam, nhìn ra hồ thoáng đãng. Người dân Kim Quan truyền lại là dưới thời Lê, đê sông Thiên Đức bị vỡ, tạo thành vực xoáy ở cánh đồng Kim Quan. Sau đó dân làng đắp đê quai, ở mỏm đê chỗ vực xoáy dựng ngôi miếu thờ thần Hà Bá nhằm cầu đảo không gây lũ lụt vỡ đê để người dân cày cấy. Việc tôn thờ thần Hà Bá của cư dân Kim Quan là cách ứng xử tinh thần với sông nước.
Chùa Kim Quan có tên chữ là Ân Quang, nghĩa là ánh sáng trí tuệ Phật rọi chiếu mà gia ơn cho muôn nhà. Chùa được xây dựng vào năm Duy Tân thứ 4 (1910). Văn bia chùa Ân Quang lập ngày 10 tháng 4 năm Khải Định 10 (1925) hiện còn ghi rõ: “Thôn Thượng Kim Quan có tên gọi cổ xưa là Bạch Thổ là một thắng tích. Từ trước vốn chưa có chùa. Từ năm Duy Tân thứ 4 (1910) các cụ kỳ lão trong làng bàn với cụ Trương Văn Nhân là Bồ tát giới tì khưu tăng chùa Quảng Bá trong Hà thành phát chặt cỏ cây ở khu đất bên làng. Khi phát chặt cây lộ ra một gò tịnh thổ, bèn bàn nhau dựng lên ở đây một ngôi chùa. Khi mới chặt cây san nền thì sóng to, gió lớn dữ dội đập vào nền gò. Đến năm sau xây xong thiền tịnh thì gió yên sóng lặng. Vì thế đặt tên chùa là Ân Quang...” (bản dịch của tác giả). Hiện trong chùa còn lưu giữ hệ thống tượng pháp mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XX, cùng với chuông, bia đá là minh chứng xác nhận sự hình thành và tồn tại ngôi chùa.
Những năm qua, cụm di tích đình - chùa - miếu Kim Quan đã được UBND phường Việt Hưng và quận Long Biên trùng tu, tôn tạo nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương đồng thời góp phần bảo tồn hệ thống di sản văn hóa gắn với đề án Phát triển làng nghề Lệ Mật, qua đó thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu về một ngôi làng còn nguyên những dấu ấn văn hóa đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Hồng.