Kỳ 1: Những truyền thuyết khởi nguồn lễ hội Đền Và
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 07:09, 05/08/2018
LTS: Đền Và thuộc làng Vân Gia, xã Trung Hưng (nay là phường Trung Hưng) thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội về phía Tây 43km (theo quốc lộ 32). Đền Và thờ Tam Vị Đức Thánh Tản (văn tế ghi là: Tam Vị Quốc Chúa Thượng Đẳng Thần). Đây là tục thờ thần núi của người Việt cổ. Sau này, các vị được nhân hóa thành Nguyễn Tuấn (Sơn Tinh), Nguyễn Hiển (Cao Sơn) và Nguyễn Sùng (Quý Minh). Tuy là tam vị nhưng quy vào nhất thể: Tản Viên Sơn thánh. Đó là vị Anh hùng văn hóa, đệ nhất trong hàng “tứ bất tử”, người khổng lồ trong t
Núi Ba Vì - địa danh gắn với những huyền tích về Đức Thánh Tản.
Sơn Tinh, vị thần núi Tản Viên là nhân vật chính của kho tàng huyền thoại lớn Việt – Mường. Chỉ với một kỳ tích chiến thắng lũ lụt do Thủy Tinh gây ra cũng đã đủ để Ngài trở thành bất tử:
Sơn thần hóa phép cũng ghê
Lưới giăng dòng Nhị phên che ngàn Đoài
Núi cao sông hãy còn dài
Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen
(Đại Nam Quốc Sử diễn ca)
Nhưng công đức của Sơn Tinh đâu chỉ có thế. Sau khi từ chối ngai vàng do Hùng Duệ Vương trao cho, Ngài dấn thân khắp thôn cùng xóm vắng để dạy dân biết nghệ nông tang, sành điệu ca vũ và biết hái thuốc trị bệnh cứu người. Rất nhiều làng xóm ở Hà Tây còn lưu truyền công tích của Ngài qua những câu chuyện kể dân gian. Xung quanh Đền Và cũng vậy.
Sau đây, xin kể những truyền thuyết liên quan trực tiếp đến lễ hội Đền Và.
*1. Thánh Tản dựng hành cung
Thuở ấy, khi Vua Hùng nghe lời Sơn Tinh trao ngôi vua cho Thục Phán, đất nước trở lại cảnh thanh bình. Sơn Tinh cùng Mỵ Châu về sống trên núi Ba Vì. Ngài thường du ngoạn.
*2. Thánh Tản tắm giội bên bờ sông Hồng
Từ khi có hành cung ở Đền Và, Thánh Tản thường lui tới vùng đất bên kia sông Hồng.
Một lần, trên đường về Đền Và, Ngài dừng chân nghỉ ngơi tại một xóm nhỏ ven sông. Tuy đang tiết xuân mát mẻ, nhưng vì đi đường xa gió bụi, nên Ngài muốn tìm nước để tắm giội đôi chút. Nhìn quanh đấy, thấy một cô gái gánh đôi sọt đi cắt cỏ, Ngài đến bên lựa lời chào hỏi rồi ngỏ ý nhờ cô gánh cho một gánh nước sông Hồng. Cô gái tưởng chàng trai đùa lỡm nên cười ngặt nghẽo. Nhưng trước vẻ chân thực của chàng cô gái rất ngạc nhiên rồi chối từ vì sọt của cô chỉ đựng được cỏ, làm sao đựng được nước. Ngài cười và bảo cô cứ giúp thử xem sao. Quả nhiên, đôi sọt đựng được nước thật. Trong khi Ngài thỏa thuê tắm giội thì cô gái chạy về loan báo với dân làng có chuyện lạ đời. Khi mọi người kéo đến nơi thì người tắm đã đi mất, xung quanh còn phảng phất hương trầm. Lúc ấy dân làng mới bừng tỉnh, nhận ra chính Đức Thánh Tản vừa mới qua đây.
Dòng sông Tích xưa cũng đã đi vào truyền thuyết khởi nguồn lễ hội Đền Và.
Lại nghe nói, khi mới gặp cô gái, nhân chuyện cắt cỏ, Ngài còn bày cho cô cách làm liềm thay cho con dao cô vẫn dùng, để cắt được dễ hơn, nhanh hơn.
Ghi nhớ dấu tích và công đức của Ngài, dân làng Di Bình đã dựng ngôi đền và đặt tên là Đền Ngự Giội, ý muốn nhắc việc Ngài đã đến ngự và tắm giội ở đó trước khi về Đền Và.
*3. Thánh Tản kéo vó trên sông Tích
Lại có một lần, Thánh Tản giả dạng thành một lão nông đi dạo ven sông Tích. Đến đoạn giữa Cầu Vang và Mả Mang, thấy một ông già đang ngồi kéo vó bên bờ, Ngài bèn ghé lại.
Lúc ấy trời cũng vừa đứng bóng. Ông già mở cơm nắm muối vừng mời khách qua đường cùng ăn. Ngài ăn rất ngon miệng. Cảm ơn lòng tốt của ông già, Ngài hỏi thăm và muốn giúp ông việc kéo cá. Ông già mở giỏ không và than phiền vì từ sáng đến giờ chả được con cá nào. Ngài vui vẻ xin ông cho kéo thử một mẻ. Thần tình chưa, khi cần vó kéo lên, ông già thấy bao nhiêu là cá, cá lớn cá nhỏ thi nhau quẫy đành đạch làm hoa cả mắt. Ông sướng run lên, vội vàng bắt cá vào giỏ, xâu cá vào dây rừng, rồi lấy cả nón ra mà chứa. Hai người vừa bắt vừa đếm đã được chín mươi chín con. Thấy đáy vó còn duy nhất một con cá trê đang mang bụng trứng, ông già đã nghe lời Ngài thả nó về sông, nói là để làm phúc. Rồi vì mải vui được nhiều cá, khi ngoảnh lại, ông già đã không thấy vị khách qua đường đâu. Nhớ lại phong độ đạo sĩ và việc làm dị thường của Ngài, ông biết rằng mình vừa được gặp Thánh nhân. Ông vội vã về làng loan báo tin vui.
Từ đấy, cứ đến ngày rằm tháng chín, dân trong vùng lại mở hội đánh cá trên sông Tích, chọn đủ 99 con làm lễ vật dâng lên Thánh Tản để tưởng nhớ ân đức của Ngài. Lại nói chuyện con cá trê, sau khi được Thánh Tản phóng sinh, cá đã sinh nở mẹ tròn con vuông. Rồi cứ thế, đời nọ tiếp đời kia, con cháu cá trê ngày càng đông đàn dài lũ. Nhớ ơn cứu tử xưa, khi về già sắp chết, cá trê nọ đã cố bơi về gần Đền Và ngoảnh đầu lậy Ngài rồi hóa. Nơi ấy, nay là quả gò thấp có hình cá trê nên dân làng gọi là xóm Cá Trê, thuộc xã Thanh Mỹ.
*4. Thánh Tản xin muối, xin vôi
Cứ tưởng đã là Thánh thì vỗ tay một cái, niệm chú một câu là chẳng thiếu thứ gì, huống chi lại là Thánh Tản vừa có sách ước lại vừa có gậy đầu tử, đầu sinh. Ấy thế mà có lúc Ngài phải đi xin muối, xin vôi đấy.
Chuyện rằng: Một hôm Thánh Tản vội đi thăm vùng đất Sơn Tây, Mỵ Châu gói cho chồng một nắm xôi, mấy khẩu trầu để mang đi ăn đường. Cũng vì vội, nên nàng đã gói xôi quên muối, têm trầu quên vôi. Khi đến làng Phú Nhi bây giờ, Thánh mở xôi ra ăn, phải vào làng xin muối. Thuở ấy dân nghèo lắm, hạt muối cũng không có. Ngài đành phải ăn xôi nhạt và gọi làng ấy là làng Bần Nhi. Rồi khi qua làng Thuần Nghệ, Ngài giở trầu ra ăn, lại phải vào làng xin vôi. Làng Thuần Nghệ cũng quá nghèo, một ít vôi cũng không có. Ngài lại phải ăn trầu nhạt và gọi làng ấy là làng Bạch Nghệ.
Nhớ lại tích ấy, ngày nay khi dâng đồ lễ cúng Ngài ở Đền Và dân làng thường giữ tục hèm “Trầu không vôi, xôi không muối” là vậy.
Những truyền thuyết trên hiện còn lưu giữ trong vùng, một mặt dưới dạng truyện kể, mặt khác được mô phỏng kỳ thú qua diễn trình tổng hợp hoành tráng của lễ hội Đền Và.
Đón đọc kỳ II: Địa bàn lưu truyền và di tích diễn ra lễ hội Đền Và