Chùa Cổ Miễu

Hà Nội xưa - nay - Ngày đăng : 15:12, 22/01/2022

Cổ Miễu là ngôi cổ tự tọa lạc tại số 312 đường Láng (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa). Ban đầu, đây là một ngôi miếu cổ nằm bên bờ sông Tô Lịch. Sau đó, do con đê chạy qua địa phận này bị vỡ đã khiến ngôi miếu bị đổ nát.
Trên nền đất cũ ấy, dân làng đã xây dựng, mở rộng quy mô thành chùa Cổ Miễu. Thông tin khắc trên tấm bia dựng năm 1899 trong khuôn viên chùa cho biết, trước kia, chùa Cổ Miễu có khuôn viên khá rộng, xung quanh được bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ tạo nên khung cảnh thâm nghiêm, yên bình. Qua thời gian, đặc biệt do quá trình đô thị hóa, quy mô của ngôi chùa ngày càng bị thu hẹp.
Chùa Cổ Miễu

Chùa Cổ Miễu là nơi thờ Phật và Đức thánh Trần Hưng Đạo, bao gồm các hạng mục kiến trúc chính như tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách và khu tháp mộ... nằm trong khuôn viên khép kín, tách biệt với khu dân cư xung quanh.

Từ ngoài bước vào, du khách sẽ bước qua tam quan được xây kiểu cuốn vòm, dạng chồng diêm 2 tầng 8 mái. Giữa bờ nóc có đắp đôi rồng chầu mặt trời lửa, bốn góc mái đắp 4 rồng lá cách điệu. Hai cổng bên được xây thấp hơn cổng chính, thân cột ghi câu đối bằng chữ Hán.

Tiếp đến là tòa tiền đường 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri. Bộ khung gồm 4 bộ vì liên kết với nhau theo kiểu chồng rường con nhị. Nằm vuông góc với tòa tiền đường là thượng điện, tạo thành kiểu chữ “đinh”. Bộ khung đỡ mái được kết cấu kiểu chồng rường con nhị. 

Nhà Tổ cũng có kết cấu dạng chữ “đinh”, gồm 5 gian, trong đó có tiền tế và 3 gian hậu cung. Kết cấu các bộ vì của nhà tổ được làm theo kiểu chồng rường hạ kẻ. Trên các kẻ và cột đá được trang trí các đề tài mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn với các họa tiết hình tùng, cúc, trúc, mai, văn triện, vân xoắn, lá lật... Nhà Mẫu - nơi thờ Tam tòa thánh Mẫu, công đồng, Đức thánh Trần và chúa Sơn Trang gồm 4 gian, được xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. 

Trong chùa Cổ Miễu hiện còn lưu giữ được hệ thống di vật có giá trị nghệ thuật như: 20 pho tượng tròn, 7 bức đại tự, 9 đôi câu đối, 4 cửa võng Thiều Châu, 7 tấm bia đá, một quả chuông đồng... được tạo tác vào khoảng thế kỷ XIX - XX. Có thể kể tới những pho tượng có giá trị nghệ thuật cao như bộ Tam thế Phật, tượng A Di Đà, tượng Quan Âm Nam Hải... mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX với những đường nét tinh tế, mang tính chuẩn mực.

Chùa Cổ Miễu đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1996.

HNM