Tán thành thí điểm hợp nhất các Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND cấp tỉnh
Tin tức - Ngày đăng : 21:17, 18/09/2018
Ngày 18-9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Đề án và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.
Trình bày tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc xây dựng Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Đề án đưa ra 3 phương án.
Phương án 1: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phương án 2: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và chính quyền địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phương án 3: Văn phòng chính quyền địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Văn phòng Quốc hội đề xuất tên gọi như phương án 1 để bảo đảm thể hiện đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng của các chủ thể.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND cấp tỉnh tại địa phương. Văn phòng là cơ quan tương đương cấp sở tại địa phương, trực thuộc UBND nhưng không phải là cơ quan chuyên môn.
Đề án đề xuất Văn phòng chung có Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng và các đơn vị trực thuộc. Trong thời gian thực hiện thí điểm, số lượng Phó Chánh Văn phòng không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh trước khi hợp nhất.
Kể từ năm 2020, số lượng Phó Chánh Văn phòng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không quá 4 người; đối với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không quá 5 người. Biên chế của Văn phòng chung nằm trong tổng biên chế hành chính của địa phương do HĐND quyết định và UBND quản lý. Tổng số biên chế của mỗi Văn phòng chung không vượt quá tổng số biên chế hiện có của 3 Văn phòng trước khi hợp nhất và không bao gồm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, lãnh đạo UBND.
Theo dự thảo Nghị quyết, việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Bình, Tiền Giang. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 1-1-2019 đến hết ngày 31-12-2019.
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu cơ bản tán thành việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc thí điểm để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện. Nhìn chung, các ý kiến thống nhất với các tiêu chí lựa chọn số lượng và các địa phương đề nghị thí điểm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần bổ sung quy định đối với các địa phương chủ động thực hiện thí điểm hợp nhất để tạo sự đồng thuận, chủ động, linh hoạt trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, cần phải phân tích, đánh giá kỹ tiêu chí để xem xét địa phương nào đủ điều kiện thí điểm, tránh việc ép thí điểm. Sau thời gian thí điểm phải có tổng kết, đánh giá. Từ đó rút kinh nghiệm cho việc sửa đổi, bổ sung các quy định của luật… Ngoài ra, các ý kiến cũng tập trung làm rõ về phương thức hoạt động, mối quan hệ công tác, địa vị pháp lý, lựa chọn người đảm nhiệm vị trí Chánh Văn phòng…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với chủ trương và nhiều nội dung của đề án, của dự thảo nghị quyết. Đi vào nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về vị trí chức năng, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra còn ý kiến khác nhau trong việc có nên xác định Văn phòng là cơ quan chuyên môn hay không. Do đó, đồng chí đề nghị tiếp tục tiếp thu ý kiến thẩm tra, quy định Văn phòng là cơ quan hành chính, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND cấp tỉnh trực thuộc UBND và tương đương cấp sở. Văn phòng sẽ thực hiện chức năng như đã được quy định, không nhất thiết phải quy định đây là cơ quan chuyên môn hay không phải là cơ quan chuyên môn.
Về cơ cấu tổ chức, vấn đề này giữa cơ quan soạn thảo và ý kiến thẩm tra còn có sự khác nhau trong sự xác định số lượng cấp phó và quy định về phòng trực thuộc Văn phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị quán triệt Kết luận số 34-KL/TƯ của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc xác định số lượng Phó Chánh Văn phòng phải bám sát các mảng nhiệm vụ của Văn phòng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, sau phiên họp đề nghị cơ quan soạn thảo gửi xin ý kiến bằng văn bản các nội dung còn có ý kiến khác nhau, sau đó, phối hợp với các cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện dự thảo nghị quyết, hoàn chỉnh nội dung, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi ký ban hành.
*Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và xử lý vướng mắc trong việc chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2017; cho ý kiến về phương án bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; cho ý kiến về bổ sung kinh phí mua hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia đã xuất cấp năm 2017.