Chúa sơn lâm trong hội làng Hà Nội
Hà Nội xưa - nay - Ngày đăng : 22:17, 04/02/2022
Hổ là loài vật được coi là “chúa sơn lâm”, có sức mạnh vô biên so với các loài vật sống trên rừng; là con vật có trong 12 con giáp theo lịch âm dương của người Việt. Hổ đã in dấu ấn tương đối đậm nét trong văn hóa Việt, thể hiện trong ngữ văn, hội họa, tín ngưỡng dân gian... Trong hội của nhiều làng các vùng miền trong cả nước, hổ cũng để lại nhiều dấu ấn.
Biểu diễn trò múa hổ Ải Lao trong hội Gióng làng Phù Đổng.
Những hội vây hổ và đánh hổ
Làng La Cả (nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông) mở hội từ ngày mồng 7 đến 14 tháng Giêng. Khâu trung tâm của hội là đêm giã đám vào tối ngày 14, có trò đánh biệt, hay đánh bệt, diễn lại cảnh dân làng vào thời Hùng Duệ Vương đã theo Thành hoàng là Đương Cảnh Công vây, giết hổ dữ. Buổi chiều tối, sau chầu tế giã, một cánh rừng giả được dựng lên dưới gầm ban thờ ở hậu cung gian giữa để hổ dữ nấp. Người đóng vai hổ là người nghèo khổ, sống đơn độc, được làng trả công bằng một tạ thóc. Trong “rừng” còn có 4 người đóng vai các loại chim, thú kêu, làm cho khu rừng càng trở nên thâm u, vang vọng như thực. Trước “cửa rừng” ở gian giữa, các quan viên mặc quần áo đen, thắt lưng xanh, cầm côn múa để nhử hổ. Tiếp giáp gian giữa với hai gian bên có hai người cầm cờ đuôi nheo chỉ huy đoàn thợ săn. Sát “cửa rừng” về cả hai phía, có hai người dẫn xướng, đại diện cho các tốp đi săn. Trước cửa gian giữa là nơi dành cho các nhà trò múa hát. Đội trống nhạc ở gian đầu bên trái đại bái.
Trò đánh biệt mở đầu bằng các bài ca chúc thánh, các điệu múa của phường hát và múa côn của quan viên trước cửa rừng. Khi đèn nến trong đình tắt, từ trong rừng vang lên những tiếng gà gáy, chim kêu, chó sủa, vượn hú, đưa mọi người trở về chốn thâm sơn đại ngàn. Sau lời xướng của bên nam, đoàn săn với đuốc, gậy… từ đại bái chạy ra cổng đình rẽ trái, vòng quanh đình ngược chiều kim đồng hồ rồi lại trở vào đại bái chờ lệnh. Cứ thế, đôi bên nam nữ cùng nhau xướng họa theo màn biểu diễn của đoàn săn.
Cuối cùng là lời xướng: “Bên chú đánh nhất cấp, bên cháu đánh nhất cấp, bên trường đánh nhất cấp”, hổ dữ từ trong “rừng” bò ra. Các quan viên làm động tác võ thuật đánh hổ. Hổ dữ bị trọng thương, vọt khỏi cung ra ngoài. Đoàn săn đuổi theo. Tiếng hò reo vang dậy. Hổ chạy vừa lui vừa chống trả, đến “cống đá cửa đình” thì gục xuống. Người đóng vai hổ vứt bỏ lốt rồi chạy một mạch về nhà. Trong khi đó, mọi người dự hội xô vào giằng xé lốt hổ để biểu thị sự trừng phạt và lấy được một mảnh lốt để làm khước.
Sau hàng giờ diễn ra cảnh đánh biệt hấp dẫn, đèn nến trong đình sáng trở lại. Đoàn thợ săn trở vào dọn sạch cảnh rừng, kết thúc lớp trò chính của đêm giã hội bằng các lời ca chúc thánh, múa bông mừng thắng lợi. Sau đó là đám rước thần về quán. Sau chầu tế an vị, lại rước kiệu không từ quán, đến 4 giờ sáng, mới về tới đình, kết thúc kỳ hội độc đáo.
Hội làng Đống Tranh (xã Minh Cường, huyện Thường Tín) mở vào ngày 12 tháng Giêng (chính hội) có trò diễn đánh hổ, rước lốt hổ, để ghi công của Đức Bà và hai mẹ con nhà nghèo cùng dân làng vây bắt hổ dữ từ thuở các vua Hùng. Trước gian thờ Thành hoàng ở đình, có một trùm trò mặc lốt hổ bị trói. Trai đinh trong làng nắm thắt lưng nhau, một tay cầm gậy buộc thừng, đi luồn qua các cửa đình, qua ba lần mới ra sân đình đón bắt hổ. Khi trùm hát gõ một hồi trống, hổ từ trong đình bò ra cửa. Tiếng hò reo vang dậy, trai đinh múa gậy diễu võ đánh hổ. Bất chợt xuất hiện hai mẹ con kẻ khó (do con hát đóng) dắt một con chó ra chặn hổ. Hai người dùng thanh kiếm gỗ cậy đất ném vào hổ, chém vào lưng hổ. Hổ vừa chạy vừa chống đỡ. Một người chạy nhanh vào cõng hổ theo đường làng đến đền Ông Nghè, các trai đinh đuổi theo, vít đầu hổ xuống, không cho ngoảnh về làng. Từ đền, lại cõng hổ quay trở lại cửa đình, đưa xuống thuyền và đẩy thuyền về phía đồng Đầm - nơi có mộ Đức Bà. Người trên bờ lấy đất ném theo. Đến đây, người mặc lốt hổ trút bỏ lốt hổ, rồi nhanh chóng đi tắm rửa. Lốt hổ được rước đến trước mộ Đức Bà rồi vứt xuống. Dân làng xô vào giằng xé, lấy một mảnh làm khước.
Hội vây hổ, đánh hổ của hai làng La Cả và Đống Tranh phản ánh quá trình tụ cư lập làng đầy gian truân của các cộng đồng cư dân thời các vua Hùng dựng nước, phải đấu tranh sinh tồn với các loại thú dữ, trong đó có loài hổ. Song, ở đó, cũng thể hiện sức mạnh của con người, tính cộng đồng, hiệp lực của cư dân để xây đắp cuộc sống. Hổ là chúa sơn lâm, nhưng đã phải chịu thua trước sức mạnh và trí tuệ của con người.
Trò ải lao làng Hội Xá với hội Gióng
Tại hội Gióng ở Phù Đổng (huyện Gia Lâm), vào đầu chiều ngày mồng 9 tháng tư, diễn lại trận đánh lớn của Thánh Gióng. Sau chầu tế trọng thể tại đền, toàn bộ quân, tướng của các làng trong trang phục của những người lính chiến sẵn sàng đợi lệnh. Khi đội quân “thám báo” đến đền báo tin giặc đang đến gần và hạ trại ở làng Đổng Viên, quân tướng bừng bừng khí thế chiến đấu. Một con hổ - hiện thân của sức mạnh xuất hiện, dẫn đầu đoàn quân đến quy phục và một đoàn người trình diễn các bài hát. Đó là trò Ải lao của làng Hội Xá (phường Phúc Đồng, quận Long Biên). Trò này được giải thích bằng nhiều thuyết, trong đó có thuyết gắn với sự tích vào thời vua Hùng thứ 6, ông Hoàng Hổ và một đám trẻ trâu làng Hội Xá thấy ông Gióng đi đánh giặc Ân qua làng, bèn buộc trâu bò để đi theo Gióng. Đánh tan giặc, ông Gióng bay về Sóc Sơn. Mẹ Gióng buồn quá nên đám trẻ trâu làng Hội Xá được lệnh nhà vua đến bên mẹ Gióng hát múa cho bà vơi đi nỗi buồn. Từ đó có phường hát múa Ải Lao (ải lao nghĩa là “buộc trâu bò”). Nhà vua giao cho Hội Xá được quyền hát ải lao trong hội Gióng. Xưa, làng có 4 giáp, mỗi năm cử một giáp với 20 trai đinh tham gia đội Ải Lao, gồm một trùm trưởng, một người hóa trang làm hổ, một người chủ trò mang súng gỗ và các thành viên khác cầm trống cơm, chiêng nhỏ, sênh tre.
Đội Ải Lao sang hội Gióng từ ngày mồng 6 đến 13 tháng tư, ở tại một góc chùa Kiến Sơ. Suốt thời gian hội Gióng, phường Ải Lao có các nhiệm vụ: hổ xin quỵ phục và nhảy múa trước chính điện khi có chầu đại tế; khám đường (kiểm tra đường, bãi đánh trận) trước lúc đoàn quân đánh giặc Ân của các làng xung trận; hát múa sau khi trận thắng của ông Gióng kết thúc; trong các đám rước, phường Ải Lao luôn đi đầu và ông Hoàng Hổ là người dẫn đường, biểu diễn 12 bài hát tại các vị trí, với các nội dung, kiểu cách hát, múa khác nhau, trong đó có hát săn hổ... Lời ca của Ải Lao không chỉ thể hiện sự tôn kính và cảm tạ đức Thánh Gióng, mà còn tạo nên không khí vui tươi trong một hội lớn với nhiều nghi lễ. Vai trò quan trọng của hát múa Ải Lao trong hội Gióng được dân gian đúc kết “Phi Ải Lao bất thành hội Gióng”.
Tại đình làng Hội Xá, có một đầu hổ làm bằng bia bồi vải. Thủ từ đình phải hương khói cúng hổ theo thể thức cúng một vị thần. Hằng năm, vào ngày rằm tháng ba, giáp đăng cai phải nhận đầu hổ, mua vải, nhuộm vàng và vẽ các chấm đốm, rồi may một tấm da hổ cho người đóng vai hổ. Tan hội, giáp làm lễ cúng tạ ở đình, rồi đốt tấm da hổ, còn đầu hổ được thủ từ cất trong điện thờ.