Mai trắng mang xuân về núi Tản

Hà Nội - Ngày đăng : 07:12, 15/02/2022

Kết thúc những chuyến hàng chở mai trắng đi muôn nơi phục vụ Tết Nguyên đán, người trồng mai dưới chân núi Tản (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) lại tất bật chăm sóc, trồng gốc mai gối vụ cho mùa xuân sau...
Mai trắng mang xuân về núi Tản

Nông dân thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) tất bật chăm sóc cây mai trắng ngay từ những ngày đầu xuân.

Ươm mầm chờ xuân

Những ngày này, về xã Tản Lĩnh không còn cảnh những chuyến xe ra - vào chở mai tấp nập như trước Tết. Sân vườn của các hộ rộng rãi, quang đãng hơn, song từ vườn ra đồng, không khí lao động vô cùng hối hả. Những gốc mai mới được ươm mầm, đưa ra ruộng trồng, vun xới cẩn thận. Bà Khuất Thị Thủy, ở thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh), vừa ngắm những luống mai trổ lá xanh mởn phấn khởi cho biết, đây là những luống mai gia đình làm giống cho năm sau. Cây mai trắng càng nhiều tuổi càng có giá. Tết bán được nhiều mai cũng vui, nhưng vui hơn khi những luống mai thêm tuổi được nông dân chăm sóc cẩn thận, hứa hẹn mang lộc cho người trồng mai trắng dưới chân núi Tản như gia đình bà Thủy.

Còn anh Đỗ Quang Thụy - một trong những hộ trồng mai lớn của thôn An Hòa, chia sẻ, cây mai trắng Tản Lĩnh ngày càng được thị trường ưa chuộng nên người dân đã học hỏi, tìm tòi cách tạo thế để tăng giá trị cho mai trắng. Dịp Tết Nhâm Dần, gia đình anh xuất bán hơn 3.000 cây mai thế. Những chậu mai trắng trong vườn của gia đình anh Thụy có giá thấp nhất từ vài trăm nghìn đồng, cao hơn là vài triệu đồng, thậm chí những cây lâu năm có giá hàng chục triệu đồng.

Anh Đỗ Quang Thụy cho biết thêm, để bảo đảm chăm sóc tốt nhất cho vườn mai trắng sau Tết, gia đình đã thuê thêm nhân công chăm nom những luống mai để dành. Cây mai trắng đẹp và khá khó tính, đòi hỏi điều kiện khắt khe để có thể sinh trưởng, phát triển tốt. Để có cây mai thế đẹp, người trồng phải có ít nhất 3 năm đào mai lên, cắt cành rồi lại trồng xuống. Mọi công việc đều phải thực hiện vào chính xuân. Đặc biệt, muốn hoa nở vào đúng thời điểm Tết, người trồng phải tính toán thời gian, theo dõi thời tiết, chăm chút, tỉ mỉ cả năm.

Mai trắng mang xuân về núi Tản

Mở hướng phát triển

Tản Lĩnh là xã miền núi của huyện Ba Vì, xung quanh có nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng. Do hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên từ khi đưa về trồng trên đất xã Tản Lĩnh, cây mai trắng đã giúp đời sống của nhiều hộ gia đình nơi đây ngày càng được nâng cao, đồng thời mở ra hướng phát triển mới vừa mang tính hàng hóa, vừa gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Nguyễn Thị Mai Yến, trên địa bàn xã có thôn An Hòa với 240 hộ thì hơn 60% số hộ trồng mai trắng. Các hộ tận dụng từ đất vườn nhà hoặc đất thuê thầu, thu nhập từ mai cao hơn nhiều lần so với loại cây khác. Bình quân, các hộ trồng mai có thu nhập 300 triệu đồng/năm, cá biệt một số hộ thu 1-2 tỷ đồng/năm. Hiện, nhiều người trong xã mạnh dạn đầu tư lớn, mở rộng ươm, nhân rộng vườn mai trắng. Nhờ cây mai, không ít hộ xây được nhà ở khang trang, mua ô tô, tiện nghi sinh hoạt...

Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng cây mai cảnh, mai thế cao hơn rất nhiều so với cây trồng khác, giúp nâng cao thu nhập cho người dân trong thôn nói riêng và toàn xã Tản Lĩnh nói chung. Nhiều hộ dân vùng lân cận đã tới học hỏi kinh nghiệm trồng mai tại thôn An Hòa.

Theo Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, cuối năm 2021 vừa qua, làng nghề trồng hoa mai trắng của xã Tản Lĩnh được UBND thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho làng nghề phát triển. Những năm qua, địa phương cũng đã nỗ lực hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, vốn đầu tư; đặc biệt, hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng được xây dựng mới, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Thời gian tới, làng nghề mai trắng An Hòa không chỉ phát triển hoa - cây cảnh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, mà còn gắn với phát triển du lịch - hướng đi này hứa hẹn sự bứt phá cho vùng quê dưới chân núi Tản.

HNM