Thất thoát sau cổ phần hóa: Cách nào thu hồi tài sản nhà nước?
Tin tức - Ngày đăng : 11:13, 23/10/2018
Những khu đất "vàng" hay các thương hiệu lớn vốn là tài sản nhà nước có giá trị được định giá sai và bị mua lại với mức chỉ bằng một phần nhỏ so với giá trị thực tế. Những vụ việc này đã khiến hàng loạt tài sản nhà nước có giá trị lớn bị thâu tóm, đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh tay của các cơ quan chức năng nhằm thu hồi tài sản đã bị thất thoát.
Một trong những đơn vị cổ phần hóa gây thất thoát tài sản nhà nước. |
Sau cổ phần, hàng nghìn tỷ đồng "bốc hơi"
Thời gian qua, dư luận không khỏi bức xúc trước tình trạng hàng loạt khu đất "vàng" hay giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp nhà nước bị thâu tóm với giá rẻ, gây thất thoát lớn vốn nhà nước. Câu chuyện cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, hay Cảng Quy Nhơn là điển hình cho việc tài sản nhà nước bị thất thoát dễ dàng trong quá trình cổ phần hóa. Hãng Phim truyện Việt Nam đã về tay Tổng công ty Vận tải thủy, với giá bán chỉ khoảng 50 tỷ đồng. Trong khi đó, theo Quyết định 4126/QĐ-BVHTTDL ngày 26-11-2015 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tổng giá trị thực tế của Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam tại thời điểm 30-9-2014 là hơn 91,7 tỷ đồng...
Quá trình thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn để chuyển nhượng cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành cũng khiến dư luận không khỏi băn khoăn khi giá trị chỉ được định giá 404 tỷ đồng? Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, việc cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn thực hiện không đúng Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015 và có nhiều sai phạm phải xử lý nghiêm khắc.
"Vá" những "lỗ hổng"
Trước những sai phạm trong việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, chỉ đạo, thực hiện thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước vì Bộ Giao thông - Vận tải đã cho phép Vinalines chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp là trái thẩm quyền. Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn hạch toán giảm chi phí khấu hao tài sản cố định, tăng lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước 5,236 tỷ đồng; thực hiện việc niêm yết cổ phiếu Cảng Quy Nhơn trên sàn giao dịch chứng khoán theo pháp luật. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm các tập thể, cá nhân vi phạm trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn.
Đánh giá về những “lỗ hổng” trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, một lĩnh vực có nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa là khâu định giá tài sản doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp khi định giá tài sản nhà cửa, vật liệu kiến trúc… đã không tuân thủ việc ưu tiên áp dụng đơn giá xây dựng cơ bản do cơ quan thẩm quyền ban hành tại thời điểm gần nhất… Thực tế này cho thấy, nếu thực hiện cổ phần hóa không tốt, không đúng lộ trình sẽ gây nguy cơ thất thoát vốn nhà nước.
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cũng phân tích, vấn đề lớn nhất là tính tuân thủ pháp luật. Ở đây không chỉ là pháp luật về cổ phần hóa mà còn liên quan đến đất đai, xác định giá trị doanh nghiệp và những quy định đặc thù của ngành… Tất cả các quy định đó nhằm bảo đảm xác định tính đúng, tính đủ, sát thị trường về giá trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi xác định được giá trị doanh nghiệp thì phải bảo đảm công khai, minh bạch. Cần có sự trao đổi giữa các bên trong Ban Chỉ đạo cổ phần hóa để có sự phản biện, giúp xác định đúng giá trị; nếu cần thiết thì yêu cầu Kiểm toán Nhà nước kiểm toán lại. Trong quá trình cổ phần hóa, việc xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần là giai đoạn then chốt, nhưng thời gian qua còn nhiều bất cập. Việc xác định giá trị, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết... bằng giá trị thương hiệu với các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn là một khoảng trống.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, việc xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp là rất quan trọng. Quan trọng hơn là sau cổ phần hóa, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp có đất phải quản lý chặt, khi doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất sản xuất sang đất ở, đất thương mại thì phải thu hồi, đấu giá công khai để thu về cho Nhà nước với giá trị cao nhất. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương nơi trực tiếp quản lý đất đai. Để phòng ngừa thất thoát vốn nhà nước sau cổ phần hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, đã tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, góp phần hạn chế thất thoát vốn nhà nước.