Ký ức một thời đạn bom
Tản văn - Ngày đăng : 16:51, 20/02/2022
Đó là một ngày đầu hè năm 1972, cách đây tròn nửa thế kỷ. Còi báo động mấy lần rú vang. Mỗi lần như vậy chị em tôi lại chui xuống hầm “chữ A” dưới gốc ổi cạnh đầu hồi nhà. Buổi chiều ba mẹ đi làm về, nét mặt căng thẳng. Trong bữa cơm loáng thoáng nghe người lớn nói máy bay Mỹ ném bom chỗ này, chỗ kia. Làng tôi cạnh sân bay Bạch Mai, dễ bị “bom rơi, đạn lạc”. Thế là sáng hôm sau ba mẹ tức tốc chở chị em tôi đi sơ tán.
Nơi sơ tán là làng Yên Sở thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Đấy là quê bà nội tôi, cách Hà Nội hơn hai chục cây số. Ngôi làng nằm bên đê sông Đáy có nhiều cây dừa. Đường làng lát gạch nghiêng. Sau những bức tường rêu phong, những cánh cổng cũ kỹ rộn ràng tiếng khung cửi lách ca lách cách.
Chúng tôi ở nhà người chú họ. Đó là một dinh cơ rộng lớn, nhà chính xây lối Tây với bậc thềm cao, tường đắp nổi hình lá nho hoặc con dơi, đầu hồi có bức tranh vẽ chiếc ô tô chạy trên đường cái quan, cột cây số, nhà cửa, đồng ruộng và con số “1930”, chắc là năm hoàn thành việc xây dựng nhà. Ba tôi nói bố chú là địa chủ tham gia kháng chiến, hy sinh trước ngày hòa bình lập lại. Chú làm việc ngoài Hà Nội, cuối tuần thong thả cưỡi xe máy Habic về nhà. Dãy nhà ngang lợp ngói ta là nhà thờ, một bên chái đặt khung cửi, bên kia là nơi chị em tôi ở. Nhà dưới là khu bếp, vệ sinh, chăn nuôi.
Do bận công tác nên ba mẹ nhờ bà bác là chị ruột mẹ tôi, không có con cái, về sơ tán chăm nom chúng tôi. “Hỗ trợ” bác còn có một anh và một chị là cháu gọi mẹ tôi bằng cô ruột. Thi thoảng, vào chủ nhật, ba hoặc mẹ lại về thăm, tiếp tế gạo, dầu, thực phẩm... cho chúng tôi.
Ở sơ tán tôi bắt đầu đi học vỡ lòng, làm quen với những con chữ, bài hát đầu đời. Hằng ngày các anh chị thay phiên nhau “hộ tống” tôi đến lớp, không quên chụp lên đầu tôi chiếc mũ rơm dù lớp học chỉ cách vài trăm bước chân, bên cạnh sân kho hợp tác. Tôi sớm đọc thông viết thạo nhờ được anh chị kèm cặp, một phần nhờ đống sách báo ba mang về. Những dòng tít đậm cho tôi biết miền Bắc đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ bao nhiêu, cuộc chiến ở Thành cổ Quảng Trị khốc liệt thế nào...
Nếu không có một số sự kiện xảy ra có lẽ tôi chỉ biết “mùi vị” chiến tranh qua sách báo, phim ảnh (thỉnh thoảng đội chiếu bóng về chiếu tại sân kho hợp tác). Một hôm, nghe bọn trẻ trong làng kháo nhau “Mỹ ném bom vào đài thu”, tôi nằng nặc đòi đi xem dù không biết “đài thu” ở chỗ nào. Hai anh em đi bộ mấy cây số, gần đến Sơn Đồng thì thấy một đám đông đông. Chúng tôi mon men phía ngoài một lúc rồi... đi về, chẳng “thu hoạch” được gì. Một hôm khác, mẹ bất chợt về sơ tán, bất chợt vì không phải ngày chủ nhật. Vừa vào đến sân, mẹ quăng chiếc xe đạp rồi ôm lấy hai chị em, nghẹn ngào nói: “Nhà mình bị trúng bom, tan nát cả rồi”. Thì ra hôm trước máy bay Mỹ quần thảo đánh phá sân bay Bạch Mai, có hai quả bom “lạc” xuống làng tôi, một quả rơi trúng nhà hàng xóm phía trước, làm chết 5 phụ nữ, trẻ em đang trú ẩn dưới hầm. Mấy ngôi nhà xung quanh, trong đó có nhà tôi, bị hơi bom phá sập. Thật may là lúc đó ba mẹ đang đi làm, còn chị em tôi ở sơ tán. Hôm ấy là ngày 4-7, trớ trêu thay là ngày Độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ!
Cuộc sống sơ tán cứ lặng lẽ trôi. Một ngày mùa đông, ba mẹ đón chúng tôi về Hà Nội. Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Hiệp định Paris sắp ký kết. Hòa bình đã ở trong tầm tay... Báo đài và người lớn nói vậy. Chị em tôi không về ngôi làng ngoại ô thân thuộc mà được đưa thẳng đến khu tập thể Kim Liên, nơi có căn hộ tầng 1 cơ quan phân cho ba từ khi nảo khi nào. Khu tập thể vắng vẻ, cả cầu thang lác đác vài gia đình.
Nhưng chỉ yên ổn được ít ngày. Tôi chưa kịp quen với không gian 18 mét vuông thì tối hôm ấy còi báo động lại rú vang. Các gia đình lục tục chạy xuống trú ẩn dưới gầm cầu thang chật hẹp. Xung quanh tối đen, im ắng, nghe rõ tiếng thở của người bên cạnh. Bất chợt không gian vỡ òa, rung chuyển bởi tiếng máy bay gầm rú, bom đạn nổ ầm ầm, ùng ục. Trẻ con khóc ré lên, người lớn thì thào đoán nơi máy bay B52 ném bom. Tôi cố ngó qua vai mấy người lớn ngồi phía ngoài. Trên nền trời đen thẫm nở bừng những quầng lửa, ánh chớp nhì nhằng, loang loáng như trên màn ảnh chiếu phim ở sân kho hợp tác. Đó là đêm 18-12-1972, đêm đầu tiên của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 lịch sử, mà người Mỹ gọi là chiến dịch Linebecker II (Sấm rền II) nhằm “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”.
Sáng hôm sau, anh họ lại tức tốc đưa chị em tôi về sơ tán. Đến đầu tháng 1-1973, tình hình có vẻ yên ắng chúng tôi mới chính thức được trở về Hà Nội, lại về khu tập thể Kim Liên. Một ngày chủ nhật, ba mẹ chở hai chị em về thăm nhà cũ. Hố bom phía trước đã được san lấp. Những tàn tích đổ vỡ đã được thu dọn. Cây cối trong vườn đã xanh trở lại. Đặc biệt là ngôi nhà mới tường trát vôi rơm, mái lợp giấy dầu do bà con Hà Tây mang nguyên vật liệu ra dựng cho gia đình tôi sắp hoàn thành. Đêm ấy, lần đầu tiên trong đời tôi được ngủ trên ổ rơm, cảm giác thật yên ổn, ấm áp...
Gia đình tôi đón Tết năm 1973 - Tết hòa bình đầu tiên trong ngôi nhà mới đơn sơ nhưng ấm tình đồng bào. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ trên thanh xà nhà bằng gỗ có khắc họa tiết hoa văn và dòng chữ: “Hợp tác xã Minh Sinh, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây - Kính tặng - Tháng 1 năm 1973”.