Lễ vật trong lễ hội Thăng Long - Hà Nội
Hà Nội xưa - nay - Ngày đăng : 09:24, 22/02/2022
Người Kẻ Chủ (tên Nôm của xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) từ thời Thục An Dương Vương đã làm ra một loại bỏng ngon. Nguyên liệu làm bỏng là nếp cái hoa vàng. Thóc được rang trong cái chảo lớn, đáy chảo tráng lớp mỡ lợn để thóc đỡ bị cháy mà lại nhanh nổ bỏng.
Khi thóc nổ hết đem xảy hết vỏ trấu rồi trộn với một ít lạc rang và nước mật. Mật trộn bỏng mua ở vùng Mai Lĩnh, huyện Chương Mỹ. Bỏng làm xong được đổ vào khuôn hình chữ nhật cỡ nửa bàn tay. Bỏng Chủ có hương vị thanh cao, tương truyền do người dân Cổ Loa làm ra để cung cấp cho quân lính. Vì thế, từ xưa đã thành lệ, tại đền Cổ Loa, vào ngày khai hội mùng 6 tháng Giêng hằng năm dân làng có lễ dâng Bỏng Chủ lên ban thờ An Dương Vương. Đến ngày giã hội, bỏng được phát cho phụ lão, chức sắc và dân làng, mọi người đều coi đó là niềm vinh hạnh lớn.
Đình làng Thọ Am, xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) thờ Nguyễn Phục. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1453 đời Lê Nhân Tông. Trong một lần đi sứ ông học được nghề trồng dâu chăn tằm rồi về truyền dạy cho dân làng, khi mất được tôn làm Thành hoàng làng. Tưởng nhớ vị tổ nghề, trong lễ hội đầu xuân, ngoài hương hoa, trầu rượu bao giờ cũng có món chè kho.
Theo lệ làng, phần tế có ba “vấn”. Mỗi vấn lễ có ba cỗ chay, mỗi cỗ có 5 bát chè kho. Nguyên liệu chính để nấu chè kho là đậu xanh và mật mía. Đậu xanh chọn hạt đều, ngâm nước đến khi mềm thì đổ ra hong khô, sau đó cho vào chảo rang. Để đậu chín đều, phải đun nhỏ lửa và đảo luôn tay. Rang đến khi lấy tay bóp nhẹ, vỏ đậu bong ra là được. Rang xong mẻ nào lại đổ vào thúng lót vỉ buồm để giữ độ nóng. Đậu rang xong ngâm nước nóng một đêm, sáng hôm sau đổ ra cái rá to, dùng tay xoa đều cho bong vỏ, đến khi cả rá đậu đều là các múi đậu vỡ đôi, lộ màu vàng óng. Công đoạn cuối là cho một ít nước vào nồi đồng đun sôi rồi cho mật mía vào, dùng đũa khuấy đều trong khoảng hai giờ, khi nào mật đặc quánh thì cho đậu vào, dùng đũa cả “đánh” luôn tay để khỏi bén nồi, đến khi nhấc đũa cả lên thấy các múi đậu kết chặt với nhau, bám chặt lấy đũa là được.
Chè nấu xong đong vào 15 cái bát to. Các bát chè được đặt vào mâm xà sơn son, do trai đinh của giáp đương trực khiêng ra đình. Có năm làng cử đội bát âm với cờ, tàn, lọng rước cỗ chè kho. Tế lễ xong, cứ 4 bàn đặt 1 bát chè. Khi ăn, dùng dao thái thành từng thỏi vuông to như ngón tay. Nếu được chế biến đúng cách chè càng để được lâu. Có năm tế cả tuần, đến khi thụ lộc chè cũng chỉ hơi khô và rắn lại.
Làng Kim Lan (huyện Gia Lâm) vào dịp cuối xuân có lễ cầu mát. Sau lễ rước văn, các giáp rước lợn sống ra đình dự thi. Để có lợn đua tài, từ 12 tháng trước đó người đăng cai ở 26 giáp đã nuôi lợn thi rất công phu. Lợn nuôi tế thần được gọi là “ông Ỉ”. Hằng ngày, đến bữa chủ nhà mang cơm đến trước “ông” cung kính: “Mời ông Ỉ dậy xơi cơm!”.
Ngoài cơm, “ông Ỉ” còn được bồi dưỡng xôi, cơm nắm, chuối tiêu. Mùa hè có muỗi thì phải mắc màn, người nhà phải thay nhau quạt để “ông” được mát. Gần đến ngày thi, “ông Ỉ” béo tròn. Ban Giám khảo đến từng nhà xem xét, những “ông” lông đen mượt, đẹp mã, to và nặng cân được làng cử phường bát âm đến rước ra đình. Những “ông” quá to, người ta đào một cái hố vừa cái cũi tre, đặt ngang chỗ ông nằm rồi nhẹ nhàng lùa ông sang để các trai đinh khiêng ra đình. Trong 26 “ông” lợn thi, làng chọn 8 “ông” đẹp nhất trao từ giải nhất đến giải tám. Giải là 1 bao thuốc lá, 5 đồng, 10 quả cau và 1 vuông vải đỏ.
Sáng hôm sau, cả 26 con lợn thi đều được đưa ra mổ thịt rồi đặt trên chõng tre, trang trí đẹp mắt. 8 con lợn to, trình bày đẹp thì đoạt giải. 4 con thờ ở đình, 4 con tiếp theo thờ ở hai bên giải vũ. Số còn lại đem lễ ở chùa Lựa, chùa Tân, chùa Âm Hồn, Cầu Vật và Đỗi Bệ thờ thần Thổ Kỳ. Sau một tuần tế ở đình, các giáp mới đem lợn về pha thịt chia cho các suất đinh. Hội thi lợn khuyến nông ở làng Kim Lan diễn ra lần cuối đã gần 80 năm.