Việt Nam tụt một bậc môi trường kinh doanh
Tin tức - Ngày đăng : 10:05, 01/11/2018
Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2019: Đào tạo để cải cách vừa được WB công bố Việt Nam tiếp tục là một trong bốn nền kinh tế lớn trong khu vực cùng với Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam.
Tuy nhiên, vị trí của Việt Nam đã tụt 1 bậc trong bảng xếp hạng mặc dù có điểm số cao hơn trước.
Theo đó, tổng điểm của Việt Nam đã tăng 66,77 điểm lên 68,36 điểm, nhưng so về thứ hạng Việt Nam bị giảm một bậc, đứng vị trí 69 trong tổng số 190 nền kinh tế theo bảng xếp hạng Chỉ số thuận lợi môi trường kinh doanh của WB (Doing Business 2019).
Như vậy, trong khu vực ASEAN Việt Nam xếp sau các nước Singapore, Malaysia, Brunei và Thái Lan.
Trong 10 chỉ số được WB đánh giá, Việt Nam có 4 chỉ số tăng hạng và có tới 6 chỉ số tụt hạng.
Cụ thể chỉ số về tiếp cận điện năng tăng ấn tượng nhất, từ vị trí 66 lên vị trí 27; chỉ số thành lập doanh nghiệp cũng tăng từ 123 năm ngoái lên 104 năm nay.
Hai chỉ số còn lại có sự cải thiện nhưng khá khiêm tốn là đăng ký tài sản từ 63 lên 60, tăng ba bậc; thực thi hợp đồng từ vị trí 66 lên vị trí 62.
"Việt Nam đã có những cải cách giúp thuận tiện hơn trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp" - WB đánh giá.
Mặc dù Chính phủ tích cực đưa ra các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, song nhiều chỉ số xếp hạng của Việt Nam vẫn bị giảm.
Trong số đó, tụt hạng mạnh nhất là chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội giảm tới 45 bậc, chỉ số xuất nhập khẩu giảm 6 bậc, bảo vệ cổ đông thiểu số giảm 8 bậc, giải quyết phá sản giảm 4 bậc, cấp phép xây dựng tụt 1 bậc, tiếp cận tín dụng giảm 3 bậc...
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), năm vừa qua Việt Nam đã được ghi nhận có 3 cải cách.
Tuy nhiên, so với 5 cải cách của Việt Nam được năm ngoái và 7 cải cách của Trung Quốc, 6 cải cách của Malaysia được ghi nhận năm nay, nhiều chỉ số quan trọng bị đánh tụt hạng, trong đó đáng chú ý nhất là chỉ số thuế và bảo hiểm xã hội "lội ngược dòng" ở vị trí 131.
Cùng với việc chỉ số cạnh tranh quốc gia được WEF công bố cách đây 2 tuần khi Việt Nam bị đánh giá tụt 3 bậc, cũng như khoảng cách xếp hạng của Việt Nam trong 11 nước tham gia CPTPP, ông Tuấn bày tỏ "sự sốt ruột" và đặt ra yêu cầu đòi hỏi cải cách trong nước cần phải "mạnh mẽ và thực chất hơn".