Đưa dân ca ví, giặm đến khán giả Thủ đô
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 20:44, 27/02/2022
Nghệ sĩ Lê Thanh Phong sinh năm 1992 tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bởi vậy, những làn điệu dân ca quê nhà luôn in đậm trong tâm hồn nghệ sĩ. Cùng với năng khiếu và nỗ lực học hỏi, luyện tập, nghệ sĩ Lê Thanh Phong dần khẳng định khả năng nghệ thuật và góp phần lan tỏa âm nhạc truyền thống.
Khi mới đến Hà Nội học tập, làm việc, anh đã nhanh chóng tìm hiểu và tích cực tham gia biểu diễn hát xẩm tại không gian chợ đêm Đồng Xuân, phố đi bộ Trịnh Công Sơn…, tham gia nhiều cuộc thi âm nhạc truyền thống. Anh đã được nhận Bằng khen Vì sự nghiệp bảo tồn văn hóa do Hội Di sản văn hóa Việt Nam trao tặng vào các năm 2017, 2018, 2019; giải Nhất Liên hoan câu lạc bộ hát xẩm các tỉnh phía Bắc năm 2019; Huy chương bạc tại Festival Âm nhạc dân gian quốc tế tổ chức tại Uzbekistan năm 2018…
Nghệ sĩ Lê Thanh Phong cùng Đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ đã đóng góp vào việc giữ gìn, phát huy dân ca ví, giặm. Tiền thân là Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm do Lê Thanh Phong thành lập năm 2010, Đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ đã biểu diễn hàng trăm chương trình lớn, nhỏ, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Có thể kể đến là vở diễn “Xuân qua miền ví, giặm” (kết hợp với Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC) biểu diễn năm 2018; “Dòng sông chở những câu hò” (kết hợp với Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC) biểu diễn năm 2019 và đặc biệt là vở diễn “Dâng Người câu hát quê hương” (kết hợp với kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam), biểu diễn dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2020…
Hiện tại, Đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ do Lê Thanh Phong làm Trưởng đoàn có hơn 30 diễn viên, với 3 đội múa, hát và dàn nhạc dân tộc. Trong đoàn có những gương mặt ca sĩ nhiều triển vọng, từng đoạt giải cao trong cuộc thi Sao Mai, như: Ngọc Ánh, La Hoàng Quý, Quỳnh Anh… Trong tương lai, nghệ sĩ Lê Thanh Phong mong muốn đoàn nghệ thuật của mình không chỉ biểu diễn dân ca xứ Nghệ mà mở rộng với các loại hình dân ca khác, như quan họ, ca Huế… Anh hy vọng, đây sẽ là nơi thắp “ngọn lửa” tình yêu dân ca trong các nghệ sĩ trẻ trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Song song với công việc tại Đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ, nghệ sĩ Lê Thanh Phong còn tham gia cộng tác trong các chương trình dân ca và nhạc cổ truyền tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam đánh giá: “Lê Thanh Phong là nghệ sĩ đa tài, nhiệt huyết. Anh vừa hát hay, lại có thể viết, sáng tác ca khúc, làm phát thanh viên, dẫn chương trình, làm biên tập viên âm nhạc... Hơn 7 năm cộng tác làm chương trình dân ca tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Lê Thanh Phong luôn cố gắng trau dồi, học hỏi, tự viết và dẫn nhiều chương trình có dấu ấn”.
Mới bước vào tuổi 30, con đường phía trước của nghệ sĩ trẻ Lê Thanh Phong đang rộng mở và chắc chắn còn nhiều chông gai. Hy vọng, bằng tình yêu và đam mê cháy bỏng với âm nhạc dân tộc, anh sẽ từng bước vượt qua để khẳng định tài năng và góp phần lan tỏa nghệ thuật truyền thống đến khán giả Thủ đô.