Cần giải quyết dứt điểm “cuộc chiến” giữa Grab và taxi truyền thống

Tin tức - Ngày đăng : 22:23, 16/11/2018

Trong 4 năm qua, “cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và Uber, Grab đã liên tục xảy ra và hầu như ngày nào dư luận, báo chí cũng đề cập đến vấn đề này.
Mới đây nhất, ngày 4-11, hàng chục tài xế taxi ở TP Đà Nẵng đã tự đình công, ngừng đón khách tại Sân bay Đà Nẵng để phản đối xe ô tô Grab “lách luật”, “né” nhiều loại thuế, phí và các điều kiện kinh doanh vận tải, nhưng lại được vô tư dừng đỗ để bắt khách, dễ dàng hoạt động; còn taxi truyền thống phải chấp hành đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải taxi và nộp nhiều loại thuế, phí, nhưng phải xếp hàng đón khách theo lượt, đúng vị trí quy định, nên không thể cạnh tranh được với Grab.

Ngay hôm sau, ngày 5/11, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã ra văn bản kêu gọi các doanh nghiệp và tài xế taxi không được manh động, không đình công để phản đối Grab. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định đã thấy rõ những bất hợp lý trong các quy định hiện hành về quản lý Grab và đang kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, vì sự phát triển văn minh của lĩnh vực vận tải hành khách bằng taxi.  

Cần giải quyết dứt điểm “cuộc chiến” giữa Grab và taxi truyền thống

Ngày 28/01/2016, ứng dụng đặt xe GrabTaxi công bố đổi tên thương hiệu thành Grab (Bỏ chữ Taxi).

Trước đó, vào cuối tháng 10, Công ty TNHH Grab có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ bày tỏ quan ngại về dự thảo Nghị định Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô để thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, vì dự thảo này quy định xe ô tô kinh doanh chở khách từ 9 chỗ trở xuống là taxi và tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử như Grab sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải. Theo Grab, những quy định này sẽ thực sự là bước lùi trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành vận tải, đi ngược lại chủ trương của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chính. Grab cũng khẳng định 3 lợi ích căn bản mà phía Grab mang lại khi thực hiện Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử, đó là: Thúc đẩy phát triển thị trường vận tải; Hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước tìm ra những phương án quản lý hữu hiệu trong kỷ nguyên 4.0; Tạo nguồn cảm hứng cho phát triển và ứng dụng KHCN tại Việt Nam.

Trong thực tiễn, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà Grab mang lại cho xã hội nói chung và sự phát triển của ngành vận tải nói riêng, đặc biệt là tạo sự cạnh tranh để người tiêu dùng được đi taxi thuận tiện hơn với mức giá khá rẻ.

Nhưng chẳng lẽ Dự thảo Nghị định mới lại định danh sai về Grab và các đơn vị hoạt động tương tự như Grab? Có phải việc các hãng taxi và Bộ GTVT xác định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải taxi là sự áp đặt thiếu khách quan?

Trước hết, việc Grab cho rằng mình chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm, không phải đơn vị kinh doanh vận tải. Nhưng có lẽ ai cũng biết, đơn vị cung cấp phần mềm thì chỉ nghiên cứu ra phần mềm để bán, chuyển giao hoặc cho thuê. Nhưng với Grab, đã trực tiếp tham gia và quyết định tất cả những khâu quan trọng nhất của kinh doanh vận tải: Tuyển dụng và sa thải tài xế, điều hành xe, quyết định giá cước, mức khuyến mãi, thu tiền, phân chia lợi nhuận... Như vậy, không thể coi đó đơn thuần là cung cấp phần mềm, mà rõ ràng đó là hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải (lưu ý là đơn vị kinh doanh vận tải khác với đơn vị vận tải). Ở nước ngoài, khi Uber (tương tự như Grab) hoạt động ở Châu Âu cũng đã gây tranh cãi, kiện tụng, nhưng tháng 12-2017, Tòa án Công lý Châu Âu đã phán quyết rõ ràng: Hoạt động của Uber chính là kinh doanh vận tải chứ không phải đơn thuần là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm.


Thứ hai, Grab cho rằng ô tô chở khách của Grab là xe hợp đồng điện tử chứ không phải taxi. Nhưng đối chiếu với quy định của Luật Giao thông đường bộ thì hoạt động của Grab Car chính là hoạt động taxi. Nếu coi Grab Car là xe hợp đồng điện tử thì rất vô lý, vì cách gọi xe qua tổng đài điện thoại hay qua phần mềm, cách đo quãng đường xe chạy và tính tiền bằng đồng hồ hay bằng phần mềm thì chỉ là hình thức của thủ tục, đều có giá trị tương đương chứ không phải là bản chất của loại hình vận tải. Do đó, không thể coi taxi gọi xe bằng phần mềm là xe hợp đồng điện tử (với chế tài quản lý rất lỏng lẻo), còn taxi gọi qua tổng đài điện thoại lại là taxi (bị quản lý rất chặt chẽ). Bộ Giao thông vận tải và Ban soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP sau khi tổ chức rất nhiều cuộc họp, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, các bộ, ngành và nghiên cứu, xem xét rất kỹ lưỡng, cuối cùng (sau 5 lần chỉnh sửa) đã thống nhất xác định xe ô tô chở khách hoạt động như Grab Car chính là taxi. Thực tế người dân cả nước, ý kiến của Bộ Tư pháp, của Tổ công tác của Thủ tướng khi thẩm định Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, đều khẳng định thực chất Grab Car là taxi công nghệ. Nếu chúng ta coi xe ô tô chở khách hoạt động kiểu Grab Car là xe hợp đồng điện tử, thì chắc chắn sắp tới nước ta là nước duy nhất trên thế giới sẽ không còn taxi nữa, do hầu hết các đơn vị taxi đều đã và đang ứng dụng phần mềm gọi xe như Grab.


Thứ ba, Grab cho rằng nếu coi Grab là đơn vị kinh doanh vận tải taxi thì sẽ kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ. Nhưng điều hiển nhiên là trong kinh doanh, trong cùng một loại hình vận tải, đơn vị nào ứng dụng công nghệ tiên tiến thì đơn vị đó sẽ được khách hàng lựa chọn, sẽ có lợi nhuận cao hơn. Như vậy, không thể nói nếu coi Grab Car là taxi thì sẽ kìm hãm phát triển khoa học công nghệ. Việc Grab Car rất sợ bị xếp vào loại hình taxi, dù họ có lợi thế hơn hẳn về phần mềm công nghệ tiên tiến so với các hãng taxi truyền thống, đã cho thấy lý do này không thuyết phục và thực chất họ muốn lợi dụng “lỗ hổng” trong quản lý xe hợp đồng điện tử để “lách luật” nhằm “né” nhiều nghĩa vụ và trách nhiệm với nhà nước và xã hội, cạnh tranh bất bình đẳng với các doanh nghiệp taxi.


Cuối cùng, cũng có ý kiến cho rằng Grab tạo điều kiện cho người dân được đi taxi giá rẻ nên cần khuyến khích và mở rộng hoạt động. Khá nhiều người đã ngộ nhận nên không hiểu rõ bản chất của vấn đề này. Thực tế, do Grab đang được coi là những công ty “phần mềm gọi xe”, nên được hưởng mức thuế suất VAT 0% trong khi taxi truyền thống phải chịu 10%, khiến Nhà nước thiệt hại rất lớn về thuế. Đặc biệt, Grab đã “né” được rất nhiều nghĩa vụ, trách nhiệm với Nhà nước, người lao động và hành khách (không chịu trách nhiệm bảo hiểm cho hành khách, không bảo đảm các nghĩa vụ cho người lao động là hàng chục vạn lái xe và phương tiện...) nên họ có thể hạ mức cước, còn taxi truyền thống phải chịu đầy đủ các nghĩa vụ và trách nhiệm. Điều này giống như mua hàng lậu trốn thuế thì đương nhiên giá sẽ rẻ hơn. Nhưng chẳng lẽ chúng ta lại ủng hộ... hàng lậu? Đó là chưa kể, về lâu dài, nếu Grab đã loại được hết các đối thủ cạnh tranh, chiếm vị thế độc quyền, thì có chuyện giá cước rẻ nữa không? Vừa qua, Grab đã thừa nhận bỏ ra hơn 1.700 tỷ đồng để bù lỗ trong 4 năm hoạt động nhằm chiếm lĩnh thị trường. Chắc chắn chẳng có một công ty nào muốn mở rộng hoạt động để chịu lỗ vốn như thế. Và như vậy đã có thể hình dung mục tiêu của họ là gì?
Cần giải quyết dứt điểm “cuộc chiến” giữa Grab và taxi truyền thống

Grab không chịu trách nhiệm bảo hiểm cho hành khách, không bảo đảm các nghĩa vụ cho đông đảo đội ngũ lái xe và phương tiện

Chuyện Grab có phải là đơn vị kinh doanh vận tải taxi hay không? Có bị các hãng taxi truyền thống “nói xấu” hay không? Xin chưa vội kết luận. Nhưng vấn đề này đã gây tranh luận gay gắt, kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và khiến dư luận rất bức xúc. Để làm rõ đúng-sai một cách khách quan, đề nghị Chính phủ tiếp thu kiến nghị rất hợp lý của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, cần sớm tổ chức đối thoại trực tiếp với tất cả các doanh nghiệp vận tải (cả Uber, Grab), các chuyên gia về giao thông vận tải và lãnh đạo các bộ, cơ quan tư pháp, nhằm làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP để bảo đảm sự khách quan, minh bạch, đúng pháp luật và hợp lý; tránh tình trạng “chạy chính sách” vì lợi ích nhóm, gây lộn xộn, thiệt hại cho Nhà nước và xã hội.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến để có giải pháp quản lý loại hình vận tải ứng dụng phần mềm công nghệ cho phù hợp, vừa tạo sự thông thoáng, khuyến khích phát triển, vừa bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ bình đẳng theo quy định của pháp luật; tránh việc lợi dụng lỗ hổng pháp lý để “lách luật”, dẫn đến tình trạng “thật thà ăn cháo, bát nháo ăn cơm”, gây nhiều hệ lụy và bất ổn xã hội.

Đỗ Trọng-Thu Hà