Bình luận: Sự tháo chạy của Uber và những cảnh báo nhãn tiền
Tin tức - Ngày đăng : 16:09, 26/11/2018
Cuộc chiến Didi – Uber còn diễn ra trên nhiều mặt trận khác. Tới tháng 8/2015, Uber tố cáo họ đang bị chặn khỏi dịch vụ tin nhắn WeChat, vốn thuộc sở hữu của Tencent, cổ đông của Didi. Sau đó, Didi lập ra một liên minh toàn cầu với Lyft (Mỹ), Grab (Đông Nam Á) và Ola (Ấn Độ) để cho phép người dùng 4 bên có thể dùng chung dịch vụ của nhau.
Zennon Kapron, giám đốc công ty tư vấn Kapronasia, bình luận: “Đường vào thị trường Trung Quốc chất đầy xác của những công ty công nghệ nước ngoài từng thất bại tại đây. Sự kiện này có thể xem như là một bước lùi cho Uber, và lẽ ra thì mọi chuyện còn có thể trở nên tồi tệ hơn”.
Uber đã trở thành doanh nghiệp công nghệ Mỹ mới nhất chấp nhận thất bại tại thị trường Trung Quốc,sau Yahoo!, Amazon, Ebay và Microsoft. Ảnh Internet
Ở Nhật Bản, trước sự tấn công của cơn bão Uber các công ty taxi truyền thống Nhật Bản đã hình thành một liên minh chống lại. Hiện tại, liên minh này đang dẫn điểm trong cuộc đấu, khiến cho ông lớn Uber đang phải trầy trật tại thị trường nước này.
Trong thực tế, để các công ty taxi truyền thống chiếm được ưu thế, trước hết, phải nói đến sự hậu thuẫn từ chính phủ. Nhật Bản là thị trường phát triển duy nhất cấm các dịch vụ lái xe chia sẻ. Theo luật, xe hơi tư nhân phải sử dụng biển số xe màu trắng, và không được vận chuyển hành khách trả tiền.
Lệnh cấm này áp dụng cho các khu vực có phương tiện giao thông công cộng do đó Uber chỉ được phép hoạt động ở những khu vực hẻo lánh thưa người.
Bên cạnh đó, bản thân các hãng taxi nội địa cũng rất có ý thức nâng cao năng lực cạnh tranh, gìn giữ một nền "văn hóa taxi" lâu đời nhưng cũng rất văn minh, đậm chất Nhật Bản, để không bị áp đảo bởi các dịch vụ lái xe chia sẻ.
Rất nhiều người lao động, du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản được hỏi đều thừa nhận: Taxi không bao giờ có tình trạng nhồi nhét khách. Tài xế Nhật rất tuân thủ luật pháp taxi, không bao giờ chở quá số người quy định.
Ở khu vực Đông Nam Á, ngày 26/03/2018 Grab công bố mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á. Theo thỏa thuận, Grab mua lại toàn bộ dịch vụ đặt xe công nghệ và giao nhận thức ăn tại Đông Nam Á của Uber. Hãng Grab cũng tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam và tích hợp các dịch vụ này vào nền tảng công nghệ tài chính và di chuyển đa phương thức của Grab. Đổi lại, Uber sẽ có nhận được 27,5% cổ phần trong Grab.
Ngày 26/03/2018 Grab công bố mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á. Ảnh minh họa
Hiện nay, Ở Việt Nam Grab và các hãng taxi truyền thống đang xảy ra “cuộc chiến”, cao trào là việc Vinasun kiện Grab đòi bồi thường 41,2 tỉ đồng do doanh số giảm… 8.000 người lao động của hãng này mất việc làm.
Trong thực tế, Vinasun và các hãng taxi truyền thống đang bị ràng buộc tới 13 điều kiện kinh doanh. Theo quy định hiện hành, Vinasun và các hãng taxi truyền thống hoạt động phải chiụ tới 13 quy định về thuế, giá, logo, phù hiệu xe, lái xe… Việc tăng hay giảm giá cước phải khai báo với cơ quan chức năng như sở Tài chính, sở GTVT, còn Uber, Grab không chịu bất kỳ ràng buộc nào.Vì thế doanh nghiệp dù rất chật vật, nhưng để đảm bảo hoạt động vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước, với người lao động, với hành khách.
Cụ thể, Vinasun cáo buộc trong 3 năm gần nhất dù chỉ có hơn 5.000 xe nhưng Vinasun đã nộp thuế cho nhà nước tới 1.200 tỉ đồng. Trong khi đó, số xe của Grab khoảng 34.000 chiếc (nhiều hơn gấp 6 lần ) nhưng chỉ đóng khoảng 9,5 tỉ đồng tiền thuế. Bản chất của vấn đề mà Vinasun và các hãng taxi truyền thống đưa ra là để hướng tới là sự cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng, tạo sự công bằng trong kinh doanh.
Ngày 23-10 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã xác định Grab là doanh nghiệp Kinh doanh vận tải taxi chứ không đơn thuần là đơn vị cung cấp phần mềm vận tải.
Mới đây nhất, ngày 4-11, hàng chục tài xế taxi ở TP Đà Nẵng đã tự đình công, ngừng đón khách tại Sân bay Đà Nẵng để phản đối xe ô tô Grab “lách luật”, “né” nhiều loại thuế, phí và các điều kiện kinh doanh vận tải, nhưng lại được vô tư dừng đỗ để bắt khách, dễ dàng hoạt động; còn taxi truyền thống phải chấp hành đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải taxi và nộp nhiều loại thuế, phí, nhưng phải xếp hàng đón khách theo lượt, đúng vị trí quy định, nên không thể cạnh tranh được với Grab.
Những bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh của taxi công nghệ và taxi truyền thống
Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Giao thông vận tải Toàn cầu cho rằng: “Việc yêu cầu các hãng taxi công nghệ đăng ký danh sách người lái, phương tiện, cam kết chất lượng và sự an toàn cho hành khách; hạn chế đi vào phố cấm, giờ cấm để giảm ùn tắc giao thông và cả việc minh bạch nghĩa vụ thuế với nhà nước là việc cần làm ngay của cơ quan chức năng để đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các loại hình vận tải….”,
Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt nam cũng khẳng định, đã thấy rõ những bất hợp lý trong các quy định hiện hành về quản lý Grab. Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, vì sự phát triển văn minh của lĩnh vực vận tải hành khách bằng taxi.
Nội dung kiến nghị với Chính phủ và trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam nhất quán: Cần áp dụng phần mềm quản lý đối với cả 5 loại hình vận tải, đồng thời khẳng định, Taxi truyền thống không bảo thủ và muốn được cạnh tranh công bằng.
Theo đó, không thể coi taxi gọi xe bằng phần mềm là xe hợp đồng điện tử (với điều kiện kinh doanh rất đơn giản), còn taxi gọi qua tổng đài điện thoại lại là taxi (với 13 điều kiện kinh doanh, chịu chi phí rất cao). Ý kiến của Bộ Tư pháp, Tổ công tác của Thủ tướng khi thẩm định Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86, cùng tất cả các chuyên gia đều khẳng định đó là taxi công nghệ. Thực tế, người dân cả nước cũng đều gọi xe ô tô Grab chở khách là taxi chứ không ai gọi đó là xe hợp đồng.
Vừa qua, Grab đã thừa nhận bỏ ra hơn 1.700 tỷ đồng để bù lỗ trong 4 năm hoạt động nhằm chiếm lĩnh thị trường. Chắc chắn không có một công ty nào muốn mở rộng hoạt động để chịu lỗ vốn. Thực tế Uber tháo chạy, Grab thừa nhận thua lỗ gần 2000 tỉ đồng là lời cảnh báo nhãn tiền đối với loại hình kinh doanh vận tải kiểu này ở nước ta.