Tham ô tài sản, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Haprosimex lĩnh án 17 năm tù

Tin tức - Ngày đăng : 18:29, 18/12/2018

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Cự Tẩm về tội tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Tẩm là 17 năm tù.
Trong 2 ngày 17 và 18-12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử, tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Cự Tẩm (sinh năm 1959, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Haprosimex kiêm Giám đốc Nhà máy Dệt kim Haprosimex) 9 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356, khoản 3, Bộ luật Hình sự năm 2015; 8 năm tù về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 353, khoản 2, Bộ luật Hình sự năm 2015; tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Tẩm là 17 năm tù.

Đồng phạm với bị cáo Nguyễn Cự Tẩm trong vụ án này còn có Phạm Thị Minh Phương (sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng Kế toán Nhà máy Dệt kim Haprosimex) bị phạt 4 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.

Theo cáo trạng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Haprosimex thành lập năm 1993, thuộc sở hữu nhà nước. Bị cáo Nguyễn Cự Tẩm là Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật của công ty.

Trong khoảng thời gian từ ngày 1-7-2010 đến tháng 3-2016, bị cáo Nguyễn Cự Tẩm được bổ nhiệm kiêm chức danh Giám đốc Nhà máy Dệt kim Haprosimex tại Khu công nghiệp Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội).

Bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo cấp dưới tại nhà máy để ra quyết định chi trả phụ cấp, lập chứng từ, chi tiền phụ cấp cho bản thân bị cáo trái pháp luật, trái điều lệ công ty. Tổng số tiền bị cáo hưởng lợi là gần 1,4 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đã xác minh tại Haprosimex và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, kết quả, việc Nhà máy Dệt kim Haprosimex chi trả tiền phụ cấp cho bị cáo Tẩm là không có cơ sở, không phù hợp quy định của pháp luật.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Cự Tẩm khai, số tiền phụ cấp nêu trên không căn cứ quy định nào của Nhà nước nhưng với công sức cống hiến tại nhà máy, bản thân bị cáo nhận thức mình xứng đáng được hưởng. Việc nhận phụ cấp là công khai, có nộp thuế thu nhập cá nhân.

Khi bị điều tra, ngày 27-2-2017, bị cáo Tẩm đã chỉ đạo Phạm Thị Minh Phương (nguyên là Trưởng phòng Kế toán) và một số nhân viên lập bảng kê, phiếu chi phụ cấp cho bị cáo số tiền nói trên, đồng thời hạch toán một phần số tiền này vào tài khoản chi phí quản lý doanh nghiệp.

Ngoài hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị cáo Tẩm còn bị truy tố về hành vi tham ô số tiền lãi vay từ hợp đồng cho vay khống và tiền tạm ứng chi phí hành chính.

Cụ thể, năm 2012, Nhà máy Dệt kim Haprosimex khó khăn về tài chính nên bị cáo Tẩm đề nghị các cán bộ chủ chốt cho nhà máy vay tiền. Từ năm 2012 đến năm 2016, nhà máy nhiều lần vay và trả nợ các khoản vay ngắn hạn đứng tên cá nhân, tổ chức khác nhau.

Tháng 6-2014, bị cáo Tẩm thống nhất với bị cáo Phạm Thị Minh Phương lập phiếu thu khống với nội dung cho vay ngắn hạn số tiền 600 triệu đồng nhưng không nộp tiền vào nhà máy. Sau đó, đến tháng 4-2015, lập các chứng từ để trả lãi vay hơn 233 triệu đồng. Số tiền này bị cáo Tẩm nhận và sử dụng cho mục đích cá nhân.

Từ tháng 4-2015 đến tháng 12-2015, khi cấp dưới nộp lại tiền tạm ứng, bị cáo Tẩm trực tiếp nhận số tiền 156 triệu đồng và sử dụng cá nhân, không nộp vào nhà máy. Tổng cộng số tiền bị cáo Tẩm tham ô là hơn 389 triệu đồng.

Hội đồng xét xử xác định, bị cáo Nguyễn Cự Tẩm phải chịu trách nhiệm về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước để trục lợi số tiền gần 1,4 tỷ đồng; hành vi “tham ô tài sản” 2 khoản lập khống khoản vay 600 triệu đồng và tiền tạm ứng chi hành chính với tổng số tiền hơn 389 triệu đồng. Bị cáo Phạm Thị Minh Phương phải chịu trách nhiệm về hành vi giúp sức cho bị cáo Tẩm tham ô số tiền hơn 233 triệu đồng.

Kim Anh (TTXVN)