Cổng làng - nét xưa độc đáo trong dòng chảy hiện đại của Hà Nội
Hà Nội xưa - nay - Ngày đăng : 08:39, 04/09/2022
Giữa chốn phố phường hối hả, sôi động của Hà Nội, những cổng làng cổ kính với chi tiết chạm trổ tinh vi dù đã loang lổ mảnh vỡ của thời gian nhưng cũng là nét độc đáo để đưa nhiều người về miền ký ức xưa vẫn còn đọng lại nơi chốn thành thị tấp nập.
Cổng làng được coi là một biểu tượng, đánh dấu không gian sống làm nên đặc trưng của xã hội Hà Nội và Việt Nam nói chung. Tại Hà Nội, cổng làng không những là dấu tích mà còn là điểm nhấn của đô thị lâu đời, là nét đẹp để mỗi người nhìn thấy thành phố với kiến trúc đa dạng, phong phú và tầng sâu văn hóa. Trong cuốn sách "Cổng làng Hà Nội xưa và nay" của tác giả Vũ Kiêm Ninh đã sưu tầm, thống kê ở 12 quận, huyện: Hoàn Kiếm (2 cổng), Ba Đình (4 cổng), Cầu Giấy (9 cổng), Đống Đa (1 cổng), Hoàng Mai (7 cổng), Long Biên (6 cổng), Tây Hồ (10 cổng), Thanh Xuân (2 cổng), huyện Đông Anh (22 cổng), huyện Thanh Trì (17 cổng), huyện Từ Liêm (18 cổng). Đó là con số từ chục năm trước. Còn theo những nhà nghiên cứu, yêu Hà Nội thì chắc chắn thực tế còn phải nhiều hơn thế. Trong một thống kê, tính đến cuối năm 2013, không kể các cổng làng do sáp nhập Hà Tây (cũ) vào thì Hà Nội chỉ còn 98 cổng. Trong nội thành, Thụy Khuê là phố có nhiều cổng làng nhất; Hay một đoạn phố chưa đầy 1km tính từ đền Voi Phục đến chợ Bưởi đã có hơn 10 cổng làng.
Trải qua hàng trăm năm, những cổng làng còn lại tại Thủ đô Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp riêng, không chỉ kiến trúc mà cổng làng còn là nơi thể hiện niềm tự hào của dân làng. Ngày nay, những chiếc cổng làng dường như đang trái ngược với nhịp sống hối hả của Hà Nội bởi nó luôn chứa đựng vẻ đẹp bình yên của mảnh đất kinh kỳ xưa. Trên phố Thụy Khuê, mỗi cổng làng chỉ cách nhau vài trăm mét, nằm đan xen giữa những căn nhà hiện đại tạo nên nét đặc trưng riêng mà không nơi nào có của nơi đây. Cổng làng Yên Thái, điểm đầu của ngõ 562 Thuỵ Khuê vốn nổi tiếng với nghề làm giấy dó. Ngày xưa, người làng Yên Thái làm những loại giấy dành để tiến cử triều đình và giấy trắng.Trên cổng còn treo tấm hoành phi khắc 4 chữ vàng “Mỹ tục khả phong” được triều Nguyễn ban cho làng. Bên cạnh đó là bảng tưởng nhớ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nơi đây vào năm 1946. Đây cũng là cổng làng duy nhất ở Hà Nội vẫn còn lại di tích xưa với hai bên cửa là hai "ông sấu đá" ngồi canh. Cổng Hầu ở ngõ 530 Thụy Khuê là lối dẫn vào làng An Thọ xưa, sở hữu nét đẹp cổ kính. Cổng được trùng tu vào năm Mậu Dần 1998 song vẫn giữ lại hình dáng cổ với mái ngói xưa. Phía bên trong cổng phần mái ngói vẫn giữ lại nét cổ kính nguyên trạng. Cổng làng Đông Xã ở ngõ 444 Thụy Khuê sở hữu kiểu thiết kế vuông vức, trước kia sở hữu 5 bậc lên xuống nhưng do bất tiện người dân đã phá bỏ những bậc thang này. Cổng làng Đông Xã xưa có 2 cánh cửa gỗ đóng mở vào buổi tối và sáng sớm, sau này, cánh cổng cũng bị loại bỏ vì bất tiện. Theo thời gian, cổng làng Đông Xã đã bong tróc nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc khá nổi bật. Phía trên lợp ngói toát lên vẻ cổ kính, rêu phong và nhuốm màu thời gian. Cổng làng Yên Phụ được tọa lạc trên đường Yên Phụ (quận Tây Hồ). Đây là một ngôi làng cổ ở trên bán đảo nhô ra ở Hồ Tây, trước đây, ngoài nghề trồng hoa, nuôi cá cảnh, làng còn có nghề làm hương đốt với lịch sử rất lâu đời. Phần phía trên cổng làng thường "đắp" một đôi kỳ lân hoặc họa tiết phượng múa. Ngoài ra, phần phía trên còn được trang trí, thiết kế bằng nhiều chất liệu khác nhau. Cổng của làng Tương Mai cổ nằm trên phố Trương Định. Ngay bên trong cổng làng có hàng nước trà đá vỉa hè, có phiên chợ cóc mở mỗi sáng, có sân đình cho lũ trẻ nhỏ đùa nghịch, có cả các ông cụ cùng nhau chơi cờ. Người ta bảo nhau, dù hàng trăm hàng vạn thứ có thể đổi thay, nhưng riêng nếp sinh hoạt phía sau cổng làng vẫn vẹn nguyên. Trải qua hàng trăm năm thăng trầm của lịch sử, những cổng làng vẫn trầm mặc giữa lòng Thủ đô Hà Nội như một miền ký ức đẹp đẽ của nhiều thế hệ đã và đang sinh sống ở nơi đây. Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, cổng làng xưa được làm cùng thông số với kiến trúc đình đền chùa, không quá cao to. Hiện tại, việc xây sửa không chú ý đến tính toàn thể này, đâu cũng đua to, đua sặc sỡ và làm mất đi những giá trị văn hoá nội tại.
kinhtedothi