Làm sao để nâng cao trình độ đọc?
Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 07:58, 05/09/2022
Khi đọc sách, bạn đã bao giờ tự hỏi: Vì sao chị Dậu bán con, bán chó chứ không bán mình? Vì sao Lão Hạc chết, mà chết bằng bả chó, một cái chết đau đớn, khốc liệt? Vì sao nhiều tác phẩm của Tự Lực văn đoàn lại nhập vào nhau cái không khí lãng mạn ngưng đọng ấy? Vì sao Xuân Diệu lại “khát khao giao cảm với đời”? Vì sao Nguyễn Bính mới là người đại diện cho dòng thơ làng quê? Vì sao Nguyễn Huy Thiệp lại lựa chọn lối kể tàn nhẫn, lạnh lùng, nhưng, cũng vì sao Nguyễn Huy Thiệp lại trân trọng, nâng niu hình tượng người phụ nữ? Vì sao thế giới trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương lại âm u, kỳ dị?...
Trả lời được câu hỏi “Vì sao?”, người đọc đã ở một cảnh giới khác của nhận thức. Nghĩa là, lúc ấy, sự đọc không chỉ là đọc câu chuyện, sự kiện, mà là đọc văn hóa, đọc các lớp nghĩa trầm tích phía sau truyện kể. Lý thuyết tiếp nhận đã chỉ ra, việc đọc làm nên đời sống của tác phẩm. Vì thế, đọc thế nào, đọc đến đâu, phụ thuộc vào khả năng của người đọc. Như vậy, nâng cao trình độ của người đọc là điều cần thiết. Nhưng, làm sao để nâng cao văn hóa đọc?
Trước khi việc đào tạo đủ sức nâng tầng nền của đời sống đọc, những quy tắc, kinh nghiệm, hay mẹo đọc sẽ giúp người đọc đi vào văn bản một cách dễ dàng hơn. Đọc chậm và suy nghĩ về những gì đọc được, mở rộng tối đa các khả năng của hệ thống ký hiệu (chữ nghĩa, hình tượng, câu chuyện, thời gian, không gian, sự kiện, nhân vật... trong tác phẩm) là một cách để đào sâu văn bản.
Chẳng hạn, một bạn nhỏ có thể đọc “Dế mèn phiêu lưu ký" bằng tâm thức đồng ấu khi thế giới trong sách là thế giới của trẻ thơ, mọi con vật đều là bạn bè, đều có thể cất lời, kể chuyện về mình. Thế giới ấy không xa lạ với trẻ. Không cần phải được “nhân hóa” trong mắt trẻ con, chúng sẽ tự thấy các nhân vật anh Dế Mèn, cậu Dế Choắt, võ sĩ Bọ Ngựa, chị Cốc, mấy cô cào cào áo xanh áo đỏ... là “người” xung quanh mình. Trẻ hiểu và cảm nhận được sự sinh động, đa dạng của đời sống tự nhiên, không phân biệt (như trong cảm quan người lớn). Phải thế chăng mà tác phẩm này sống mãi trong lòng bao thế hệ trẻ ở Việt Nam.
Đừng vội nói với trẻ về ý nghĩa tượng trưng trong tác phẩm, về tư tưởng đại đồng hay điều gì to tát. “Dế Mèn phiêu lưu ký” trước hết đơn giản là những câu chuyện phiêu lưu kỳ thú của anh chàng Dế Mèn. Điều này cũng tương tự như khi trẻ em đọc “Gió qua rặng liễu”, một tác phẩm kinh điển văn học Anh viết cho thiếu nhi của tác giả Kenneth Grahame. Lớn hơn một chút, các cô bé, cậu bé có thể đọc “Không gia đình”, “Trong gia đình” của tác giả Hector Malot bằng chính sự ngang bằng trong tuổi đời của người đọc và nhân vật như cậu bé Rémi, cô bé Perrine. Chỉ cần bố mẹ ngồi xuống, đọc cùng con một vài trang sách, nói với con rằng, hãy đọc để yêu thương gia đình hơn, đó là một cuốn sách tuyệt vời của tình yêu thương và nghị lực sống. Chính tình yêu thương của cha mẹ, anh chị em trong gia đình sẽ đưa đứa trẻ đi hết hai cuốn sách bằng những liên tưởng vừa xa xôi, vừa thực tế, gần gụi.
Nếu người đọc biết rằng, có những quy luật trùng lên nhau ở từng thể loại để ứng xử với những cuốn sách, quả là thú vị. Điều này có thể xem là kinh nghiệm cho việc đọc mà chưa cần đến những trang bị lý luận, lý thuyết nào khác. Tiểu thuyết vốn là thể loại hư cấu, vậy thì đừng tin nó nói thật. Bài ngữ pháp ấy giúp cho việc đọc dễ dàng hơn, bởi trước mắt, người đọc thoát khỏi tư duy duy thực. Cứ sống với thế giới được tạo dựng từ tiểu thuyết, ngay trong thực tại của việc đọc, qua từng chặng đường khác nhau, tiếp theo, tiểu thuyết sẽ hé lộ cho ta từng câu chuyện khác cất giữ trong cấu trúc của nó.
Tương tự như vậy, đọc thơ, nếu thấy khó hiểu thì không cần cố để hiểu. Hãy lắng nghe điều gì diễn ra trong tâm hồn, trí tưởng của mình khi đọc thơ. Sự mơ hồ không vô nghĩa. Sự rời rạc, phi lý không vô nghĩa. Thậm chí, việc không thể hiểu cũng cho ta trải nghiệm quý báu như khi đã tường tận một điều gì đó.
Nâng cao trình độ người đọc là việc lâu dài, có tính quá trình, gắn với chiến lược văn hóa của cả cộng đồng. Việc khuyến khích đọc sách cần được xem như yêu cầu trước tiên. Kinh nghiệm đọc không cần lý thuyết, đọc hoàn toàn chủ quan, cá nhân, đọc bằng chính sự hồn nhiên của một người chưa hề được trang bị lý thuyết đọc nào, chính là điểm khởi đầu cho hành trình tiến vào văn bản. Cha mẹ, người lớn cần tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ em bằng chính việc đọc sách cùng con. Chỉ cần trẻ thích đọc khoảng 10 cuốn sách đầu đời, chúng ta có thể yên tâm để hy vọng rằng chúng sẽ không từ bỏ sách. Văn hóa đọc sẽ được nâng cao từ những cá nhân như vậy.