Hoa rau muống biển

Truyện - Ngày đăng : 17:14, 16/03/2019

Dương đi dọc bờ biển. Đêm. Bờ vắng lặng, chỉ có hàng dương lao xao hát cùng gió. Dương nghe được tiếng chân vục vào cát. Tâm hồn trống rỗng, cô đưa đôi mắt hướng ra biển. Trái ngược với bờ, biển sáng ngập ánh đèn, nhộn nhịp. Giờ này chắc họ đang thả lưới, và sáng mai những mẻ cá bạc cập bến, theo xe đi khắp các khu chợ từ quê đến thành phố.
Hoa rau muống biển
Minh họa của Lê Huy Quang

Gió thổi tóc Dương bay dạt ra sau, hơi lạnh thấm qua da rất nhanh, buốt cả sống lưng. Vậy mà cô dường như chẳng để ý đến phản ứng tự vệ của cơ thể, vì đang bận suy nghĩ về lời đề nghị của dì Tư hồi xế chiều. Dì biểu Dương theo dì lên thành phố coi mắt, là một ông Tây muốn lấy vợ Việt. Dì nói rất nhiều về điều kiện kinh tế của ông ta, cả những khoản mà ông ta có thể cho cha mẹ nếu Dương đồng ý. Dương bảo dì để Dương suy nghĩ đã. Vẫn biết có nhiều thứ cần cho hôn nhân chớ không phải chỉ tình yêu, nhưng dù sao cũng phải tính kỹ. Cũng bởi vậy mà đêm nay cô không tài nào chợp mắt được, phải ra biển cho gió thổi bớt ưu tư trong lòng đi.

Dương biết chỉ cần một cái gật đầu thôi thì cô sẽ phải xa xứ biển này, có thể là mãi mãi. Vậy thì buồn chết! Nghe bảo ở nước ngoài người ta không ăn nước mắm đâu, mà có, chắc gì ngon được như nước mắm xứ này! Cái vị nước mắm thơm nồng theo cô từ hồi chập chững biết đi, để rồi lớn hơn một chút cô đã thuộc làu cách muối mắm. Có gì cầu kỳ đâu, chỉ cần lấy cá đem rửa sạch để cho ráo nước, rồi cho vào khạp, cứ một lớp cá một lớp muối, sao cho đủ tỉ lệ 3 cá 1 muối là được. Sau sáu tháng, nước mắm “chín” là ăn được. Dân “nghề” chỉ cần ngửi miệng khạp đã biết khạp nào mới ủ, khạp nào ủ được vài tháng, khạp nào đã “chín”. Nhờ căn vào mùi của cá. Con cá mới ủ trong khạp  xộc lên mùi rất nồng, khó chịu, nhưng ủ càng lâu lại có mùi thơm rất đặc trưng. Nước mắm nhĩ có mùi thơm đánh thức vị giác, ngửi thôi đã thèm rồi! Bữa cơm mà không có chén mắm dầm ớt thì sao ăn đặng?

Mùi thơm đó không phải từ hương liệu như nước mắm hãng, nó là mùi của cá, của muối biển hòa quyện vào nhau theo thời gian mà thành. Nó là mùi mồ hôi của những người xứ biển, có cả máu và nước mắt. Mỗi chuyến ghe ra biển là một lần người dân xứ này đánh cược sinh mạng vì cuộc mưu sinh. Có những người giàu lên từ biển, nhưng số đó ít, đa phần chẳng thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng từ đời ông cố ông sơ đến giờ. Đi biển chẳng được là bao nhưng những người đàn ông chưa bao giờ thôi bám biển. Ở nhà vài hôm không đi ghe là họ không chịu được. Họ nhớ hơi gió lạnh buốt da, nhớ cái dập dềnh sóng biển. Ai không quen thì say sóng, còn họ, cũng say nhưng là “say” theo kiểu ghiền không có không được. Cơn say đó làm họ mạnh tay lưới, và những mẻ cá lấp lánh đầy khoang, tươi và sạch. Những con cá xứ biển phải ăn ngay khi vừa cập bến mới ngon, một phần vì tươi, một phần vì cái tình của người dân biển còn ủ nồng trong nó, chứ đem đi nơi khác, thứ tình ấy phai hết nên cá không còn ngon nữa, cho dù được bảo quản bằng công nghệ hiện đại mà người ta hay quảng cáo. Cũng chính vậy mà nước mắm ở xứ biển này ngon. Mà mỗi xứ biển nước mắm lại ngon một vị khác nhau, bởi tình của mỗi xứ một khác, chứ cách thức làm cũng chỉ ba cá một muối đem ủ thế thôi!

Dương yêu xứ biển này cũng bởi nó hoang sơ, chân chất. Đi đâu xa là nhớ quay nhớ quắt những cơn gió cắt da, nhớ mùi khô cá một nắng nướng, nhớ cả những cơn mưa dầm dề những ngày bão nổi, và nhớ nhất là đám rau muống biển nở hoa trăng trắng, tim tím dập dìu theo những con sóng. Hồi học trong Sài Gòn, mỗi lần về tới nhà là cô chạy phóc ra biển, để cho cái nắng cái gió xộc vào mặt cho đỡ nhớ. Hai trăm cây mà đã thấy xa ngun ngút, lâu lâu mới về, đi Mỹ thì bao giờ cô mới được trở về. Mới nghĩ tới đó thôi lòng cô đã chùng xuống, buồn rơi rớt trong tim. Không hiểu sao dì Tư có thể sống năm này qua năm nọ bên Mỹ. Dì ít khi về lắm, chỉ gửi tiền cho ông bà ngoại thôi. Ai cũng biểu số dì sướng, ông bà được nhờ. Dương không biết có phải vậy không nữa vì khi Dương vô tình nhìn sâu vào mắt dì, Dương thấy nỗi buồn đọng trong con ngươi đen láy. Mà cũng có thể cô tưởng tượng ra, chứ dì biểu bên Mỹ sướng lắm, còn chê cái làng này thiếu điều kiện, nên mỗi lần về toàn vào thành phố thuê khách sạn.

Nghe má kể dì Tư vì thất tình mới lấy chồng nước ngoài. Người yêu của dì là một tay chài có tiếng hồi đó, vừa đẹp trai lại có tài câu mực không ai bằng. Khi người ta phụ dì đi lấy vợ phố, dì cũng lập quyết tâm lấy chồng nước ngoài cho người ta ân hận. Cũng chẳng biết người ta có ân hận hay không, chớ dì thì chắc cũng có ít nhiều. “Phận làm dâu nơi đâu chẳng khổ, lại làm dâu xứ người chẳng bà con thân thích để than vãn một câu mỗi khi cơm chẳng lành canh chẳng ngọt thì không khổ sao đặng!” Má hay than vậy mỗi lần kể về dì Tư rồi thở dài thườn thượt. Dương cắc cớ:

- Vậy chớ sao má kêu con lấy chồng Tây chi nữa?

- Ờ, thì khổ cái này mà sướng cái khác! Chớ ở xứ này, khổ đủ thứ hết!

Dương thôi không dám hỏi nữa, sợ má khóc. Từ ngày ba phát bệnh khớp, một tay má cáng đáng cả nhà, lâu lâu ba khỏe mới theo ghe phụ má lo chút đỉnh, một chút đó cũng chẳng đủ tiền thuốc thang cho ba những ngày trở trời. Mà cũng đâu phải chỉ mỗi chuyện tiền nong, từ hồi bị bệnh không đi biển được ba đổi tính ghê lắm, hơi chút cau có, thành ra lời qua tiếng lại ngày một, riết thành quen, mỗi bận ba theo ghê má hay ngồi thở dài mỗi tối rảnh việc, chắc nhớ ba.

Từ hồi Dương ra trường đi làm, má đỡ khổ hơn chút. Rồi nhỏ út cũng ra trường đi làm trong Sài Gòn, tháng nào cũng gửi tiền về. Vậy cũng đỡ được phần kinh tế, nhưng mà tính má hay lo. Hết lo tiền, má lo tới gả chồng cho hai đứa. Má biểu Dương kiếm đám nào kha khá hãy lấy, lấy chồng nghèo khổ lắm con ơi. Mà bây với thằng Đặng có ý gì không? Không thì đỡ, mà có gì thì dứt đi nha. Ủa sao vậy má, con thấy Đặng cũng hiền mà má. Ờ thì tao đâu nói nó dữ, nhưng mà hiền quá cũng khổ con ơi, cứ ngó ba bây đó mà biết! Ba Dương hiền thiệt hiền. Ngoài đi biển ra ba chẳng lo lắng chuyện gì sất. Ngay đến mái nhà bị gió tốc tôn, má cũng là người bắc thang leo lên đóng đinh lại. Chuyện tính toán làm ăn, chuyện con cái… ba chỉ nghe má nói lại, rồi ừ hử cho qua chuyện. Ba chỉ lo mỗi chuyện con nước đổi dòng tới đâu, tháng này vùng nào nhiều cá. Ngoài cái chuyện đi biển ba chẳng biết gì sất. Đôi khi má đùa, số má sanh ra vừa phải làm đàn bà vừa phải làm đàn ông, má đi “cưới” ba chớ ba hổng có “cưới” má! Bởi vậy giờ má sợ ba chữ “đàn ông hiền” ghê lắm. 
- Dì bây nói thằng đó tử tế được lắm, bây sắp xếp lên coi mắt nó thử!

Má cắt ngang dòng suy nghĩ làm Dương giật thót. Cô ờ cho qua chuyện. Bây đừng có mà nghe lời tỉ tê của thằng Đặng à nha, má nói thằng đó không nên là không nên à, đừng có cãi lời má. Ờ, tại Đặng chỉ mê biển như ba, tại Đặng là con trai một, tại Đặng để cái đầu mái rẽ ngó khờ trân, tại… tại… Tại đủ thứ nên Đặng không nên như lời má nói. Dương chưa yêu Đặng tới mức uất hận mà đi lấy chồng Tây như dì Tư, nhưng Dương mến Đặng như mến cái mùi nước mắm nhĩ. Rất đỗi bình thường thôi mà không có không được. Cái sự mến đó biết giải thích sao cho má hiểu tận tường? Nhưng mà má nói cũng đúng. Đàn bà như cái dây leo, phải chọn cây nào cứng cáp gửi thân gửi phận mới leo cao được, chớ chọn ba cây thân cỏ mỏng manh thì chỉ rạp mình sát đất mãi thôi. Vả lại, nếu Dương đi, chắc sẽ có khoản kha khá để cho ba má dưỡng già, đỡ phải vất vả. Rồi biết đâu qua bển cô kiếm được nhiều tiền gửi về cho ba má cất lại căn nhà cho tươm tất một chút. Biết là vậy mà chỉ cần nghĩ tới việc phải rời xa biển sao Dương không đành lòng. Có chút gì day dứt, có chút gì quyến luyến cứ níu chân cô lại.

Mải suy nghĩ bâng quơ Dương không biết trời sáng lúc nào. Bước chân vô định đưa cô đến bãi rau muống. Ngồi trên ghềnh đá ngắm biển sớm mai sao lòng thư thái lạ. Đám rau muống dập dìu theo sóng. Những bông hoa trăng trắng, tim tím nở rộ trông cứ như con thuyền kết bằng hoa đang neo trên biển. Không hiểu sao Dương chỉ yêu hoa rau muống biển. Màu trắng mong manh loang màu tím buồn, dập dìu theo sóng biển. Chúng chỉ nở rộ được hai ngày rồi tàn rất nhanh. Những lứa hoa cứ nối tiếp nhau nở, rồi kết trái, những trái xanh nho nhỏ từng chùm, ẩn nấp trong tán lá. Rau muống biển có lẽ là loài kiên cường nhất bởi thân chúng mảnh khảnh vậy mà lại sống trên ngọn nước quanh năm suốt tháng sóng biển cuộn trào. Chúng cũng là loài sống đoàn kết. Dây muống kết thành đám, nương nhau mà sống, để những bông hoa rực rỡ nở khoe sắc trên biển xanh. Chúng như cái làng chài này, từ đời này qua đời khác nối tiếp nhau sống cùng biển. Một thế hệ già đi lập tức có thế hệ khác tiếp nối, để những ngọn đèn trên biển không bao giờ tắt, để những khoang thuyền đầy ắp cá, để những mẻ nước mắm thơm ngon đi khắp chiều dài đất nước…

Một bàn tay đặt lên vai khiến Dương giật nảy mình. Thì ra là dì Tư. Dì ngồi xuống cạnh Dương, thầm thì:

- Không ngủ được hả con? Hồi trước Dì cũng vậy. Xứ biển nầy thanh bình quá!

Dương rất bất ngờ khi nghe dì nói vậy. Không lẽ dì cũng yêu xứ biển này giống Dương sao? Ngập ngừng rất lâu Dương mới dám nhìn thẳng vào mắt dì hỏi:

- Vậy sao dì lại ra đi?

Dì thở dài. Tiếng thở dài trôi tuột xuống biển bị sóng đánh tản rộng ra, loang loáng trên mặt nước.

- Ở lại để làm gì? Để cả đời cơ cực như bà ngoại, như má con sao? Hoa rau muống biển tuy đẹp nhưng nhanh tàn lắm con à!
Dương thôi nhìn dì. Dương nhìn con thuyền hoa trên sóng rồi thì thầm:

- Nhanh tàn nhưng chúng rất kiên cường, không bị sóng biển dập vùi. Nếu ai cũng bỏ làng ra đi, ai sẽ là người đi biển, ai sẽ muối mắm hở dì? Con cũng muốn làm giàu, nhưng làm giàu bằng chính bàn tay trên mảnh đất quanh năm nắng gió này!

Nghe Dương nói vậy dì không nói gì thêm. Rất nhanh sau đó, khi vầng dương đỏ tươi ló rạng phía chân trời, và những con thuyền tiến về phía cảng, dì mới đứng dậy vỗ nhẹ vai Dương rồi đi về hướng chiếc taxi đang đậu. Dương nhìn theo dì rồi nhìn về phía làng chài. Ở phía xa ấy đang rộn rịp đón ghe vào. Những giỏ cá được rinh xuống ghe, người mua bán tấp nập, ồn ào ngả giá. Người ta mang vỉ cá ra phơi trắng cả bờ cát. Rồi gió thộc cái mùi nước mắm vào tận óc Dương. Mùa giáp Tết, người ta bắt đầu khui những khạp nước mắm để kịp đóng chai bán hàng Tết. Có cái gì phơi phới, có cái gì rạo rực đang đến rất gần. Tại sao cứ phải đi tìm miền đất hứa mà không gầy dựng con đường đi trên chính mảnh đất đã sinh ra mình? Dương sẽ không đi đâu cả, cô sẽ ở đây, lăn lộn cùng mảnh đất đầy nắng và gió biển này để vươn lên, như những dây muống biển quật cường trước muôn vàn cơn sóng, để rồi một ngày nở trắng hoa là hoa. Chỉ nghĩ thế thôi, Dương đã thấy nhẹ nhõm hẳn, bàn tay cô nắm chặt, rất chặt, một quyết tâm bừng cháy trong lòng… 

Kim Ngân