Ký ức xem phim ở khu tập thể thời bao cấp
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 09:28, 23/03/2022
Sẩm tối, khi loa phát thanh treo ở đầu khu tập thể 8-3 ọ ẹ thông báo tối nay sẽ có phim ở sân nhà A5 - A6 thì lũ choai choai chúng tôi hối hả dọn dẹp, rửa bát, giặt giũ cho nhanh để còn đi xem phim. Cô bạn cùng lớp phóng từ nhà ở D3 đến nhà tôi ở D4 giục: "Nhanh tay lên, để khuya về làm nốt, tối nay có phim "Rútxlan và Lútmina" đấy!". Hai đứa ríu rít ra sân nhà A6 đã thấy trẻ con, người lớn đứng chật cái sân rộng.
Những năm 60 của thế kỷ trước, các khu tập thể lớn trong nội thành như Kim Liên, Dệt 8-3, Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Cao Xà Lá với những dãy nhà cao bốn tầng, có đủ lớp mẫu giáo, nhà trẻ, căng tin, nhà ăn tập thể... là niềm mơ ước của nhiều người sống trong các ngõ phố tập trung dân lao động ở Cầu Đất, Vân Hồ, Lò Lợn. Trong khu tập thể 8-3, đầu sân nhà A6 có hẳn một bục cao, tựa như sân khấu, để tối thứ bảy các gia đình có thể xem biểu diễn văn nghệ của Đoàn Thanh niên nhà máy. Cho đến nay mẹ tôi vẫn giữ ảnh cha tôi là Bí thư Chi đoàn chụp với đội văn nghệ, nữ mặc áo dài trắng, nam mặc sơ mi trắng. Một chú là nhạc công đang say sưa kéo đàn accordion, còn tôi 3 tuổi lũn cũn đứng cạnh cha. Một Hà Nội thanh lịch, tươi mới vô cùng trong ánh sáng của niềm tin, đúng như Tố Hữu viết: “Mỗi con người lấp lánh một ngôi sao”. Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng rất sôi nổi nên Sở Văn hóa thành lập đội chiếu bóng lưu động. Một xe ô tô nhỏ, chở cả thợ kỹ thuật, máy móc, dụng cụ... vào khu tập thể, đến các khu lao động tập trung dân nghèo đô thị, ra làng quê ngoại thành chiếu phim cho nhân dân thưởng thức nghệ thuật.
Cái sân rộng đủ cho đội chiếu bóng lưu động đặt máy, căng phông màn chiếu phim. Lũ trẻ con ra xếp chỗ trước bằng đủ thứ: gạch, rổ rá rách... để được ngồi gần màn ảnh. Chúng tôi đã học lớp 7, lớn bổng rồi, ra dáng đàn chị, đứng túm tụm ở vòng ngoài, thi thoảng còn tán dóc. Phim chiếu phục vụ nhân dân theo cách không bán vé như ở rạp hoặc ở bãi chiếu bóng Mai Động. Ngày ấy đến xem phim ở bãi chiếu bóng Mai Động thì phải hích vai nhau mua vé, có khi choảng nhau sứt đầu mẻ trán với đám choai choai ở Vĩnh Tuy, Mai Động thường kéo cả bọn đông đến bãi, sẵn sàng ào vào cổng khi bác bảo vệ "tháo khoán" cho vào xem không cần mua vé.
“Này, tao thấy hôm nay có mấy tên ở trường học buổi chiều, đến sớm, tìm mảnh giấy nhét trên kẽ bàn cái Mơ đấy”, cô bạn thì thầm với tôi khi màn ảnh đang lướt tên phim và các diễn viên. “ Ờ, ờ... để xem... có tên diễn viên Trà Giang kìa”. Ngày ấy, hình ảnh các diễn viên Thế Anh, Trà Giang được chúng tôi coi như thần tượng. Mê lắm!
Nhờ đội chiếu bóng lưu động mà ngày ấy chúng tôi được xem rất nhiều bộ phim hay như: “Chung một dòng sông”, “Nổi gió”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Sao Tháng Tám”, “Ngày lễ Thánh”... Phim của các nước xã hội chủ nghĩa cũng được xem nhiều, nhưng tôi nhớ nhất phim “Trẻ mãi không già” của Ba Lan, “Cánh buồm đỏ thắm” của Liên Xô... Thiếu nữ châu Âu mắt xanh biếc, đẹp thế. Và những lâu đài cổ của họ thật tuyệt vời. Ước mơ của chúng tôi ở độ tuổi mới lớn cũng bay bổng theo những bộ phim ấy.
Mà cũng lạ, rạp Bạch Mai sát chợ Mơ, cách nhà tôi chỉ 2 kilômét, nhưng cứ thích ra sân tập thể xem phim, vừa xem vừa bình luận, xuýt xoa... Thi thoảng, đang chiếu đến đoạn hay thì màn ảnh đen kịt, máy quay phim kêu "phựt", sau đó mới hiểu, bác thợ chiếu phim thay cuộn phim khác, máy lại chạy xè xè... chiếu tiếp. Lũ trẻ lít nhít chả hiểu vì sao hình ảnh từ cái bánh xe to tròn ấy chiếu được lên cái màn vải màu trắng to như cái chiếu căng trước mặt chúng. Con bé Hà nhà chú Quý hàng xóm cứ nhất định sán đến, ngồi gần cái bánh xe để xem bánh xe quay từng vòng, thích thú lắm... Đôi lúc đang xem phim, chúng tôi bất chợt gặp bạn bên khu khác, cười hích vai nhau thay lời chào, ánh mắt long lanh. Thanh niên choai choai đi xem phim, nhất định phải diện áo sơ mi vải pô pơ lin trắng hay màu trứng sáo thanh nhã. Con gái diện áo sơ mi may kiểu Hồng Kông, cổ Đức, trông mô - đéc hẳn so với áo bà ba màu nâu non hoặc sơ mi màu xanh đậm của con gái ngoại thành. Có lẽ, nét duyên nhất của thiếu nữ tuổi 13 - 15 thời ấy là mái tóc được tết đôi sam, hay cuốn hai bên mang tai hình trái đào, dịu dàng đúng kiểu học trò mới lớn đã biết “làm đỏm”. Mãi đến tuổi 17, lũ chúng tôi mới “cai” xem phim ở sân A6, rủ nhau lên rạp Tháng Tám vì đã thành thiếu nữ rồi, không muốn chen chúc với bọn con nít nữa.
Tuổi thơ chúng tôi đã được biết những điều thần tiên, đến với chân trời mới lạ của văn minh - văn hóa nhân loại và các vùng miền của Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp qua màn ảnh như thế.