Kênh đào ở Nam bộ từ thời Nguyễn đến thời thuộc Pháp

Tin tức - Ngày đăng : 09:05, 27/03/2022

Từ đầu thế kỷ XVII, các thế hệ lưu dân người Việt, với sự tham gia của người Hoa, người Khơ Me đã nạo vét, cải tạo mạng lưới sông ngòi tự nhiên và đào mới nhiều kênh rạch để khai phá và khai thác vùng châu thổ Nam bộ.
Đây cũng là nền tảng cho sự phát triển tiếp theo của hệ thống thủy lợi - giao thông này dưới thời thuộc Pháp và cho đến tận ngày nay.

Những dòng kênh mở nước thời Nguyễn

Khi người Việt đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long, để khai thác hệ thống sông ngòi chằng chịt ở đây hiệu quả hơn, họ đã ra sức nạo vét, khai rạch, đào kênh để dẫn nước vào các cánh đồng, đồng thời tạo những con đường thủy thuận tiện hơn cho việc di chuyển, buôn bán.

Kênh Vĩnh Tế năm 1929. Ảnh tư liệu
Kênh Vĩnh Tế năm 1929. Ảnh tư liệu

Ngay từ đầu thế kỷ XVII, dưới thời các chúa Nguyễn, người Việt đã bắt tay đào kênh. Lúc đầu là do người dân tự đào, tiếp đến có sự tổ chức thực hiện của gia tộc Mạc Cửu (1652 - 1735). Sau khi thành lập (1802), nhà Nguyễn đã rất nỗ lực dồn rất nhiều công của để hình thành hệ thống kênh đào lớn.

Trong hệ thống đó, có thể kể đến một số kênh đào mang tính chiến lược, ảnh hưởng đến phát triển của một vùng rộng lớn. Ở Miền Tây là hệ thống các con kênh Bảo Định, Thoại Hà, Vĩnh Tế… Ở Miền Đông là hệ thống các con kênh phụ trợ cho giao thông thủy đến trung tâm Gia Định/Sài Gòn.

Kênh Bảo Định nối liền rạch Vũng Gù và sông Mỹ Tho được Nguyễn Cửu Vân khởi đào từ năm 1705 khi đem quân vào bảo vệ vùng đất mới bình định này. Vì bị bùn bồi lấp, ngày càng khó thông thương nên năm 1819, vua Gia Long ra lệnh cho Nguyễn Văn Phong, trấn thủ trấn Định Tường chỉ huy đào vét con kênh này. Công trình bắt đầu đào từ 23/2/1819 đến 28/5/1819 thì hoàn thành. Vua Gia Long đặt cho tên cho con kênh là Bảo Định Giang.

Kênh Thoại Hà còn gọi là kênh Rạch Giá - Long Xuyên, do Trấn thủ Vĩnh Thanh là Thoại Ngọc Hầu (1762 - 1829) chỉ huy đào năm 1818, rộng 51m, dài hơn 30km, từ rạch Long Xuyên, đi qua núi Sập, hợp với sông Kiên của Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, nối dòng chảy từ sông Hậu cho đến biển Tây. Kênh Thoại Hà giúp Vĩnh Thanh liên kết với các vùng, tránh phải đi vòng qua đường biển, đồng thời tháo nước của sông Hậu ra biển Rạch Giá vào mùa nước nổi, giúp cho vùng này bớt ngập lụt.

Kênh Vĩnh Tế dài gần 100km, rộng 40m, nối Châu Đốc với Hà Tiên, khởi công vào cuối năm Kỷ mão (1819) đến tháng 5 năm Gíáp Thân (1824) thì hoàn thành với mục tiêu ban đầu là để củng cố vùng quốc phòng vùng Châu Đốc. Kênh này là con đường giao thông thủy, đồng thời là hệ thống tưới tiêu. Vua Gia Long đặt tên kênh Vĩnh Tế là tên của bà Châu Vĩnh Tế, vợ Thoại Ngọc Hầu - người chỉ huy đào kênh.

Ngoài ra, tại vùng đất Gia Định/Sài Gòn, nhà Nguyễn cũng cho tiến hành đào thêm một số kênh nhằm thuận lợi cho việc lưu thông lúa gạo, sản vật từ miền Tây về Gia Định. Lớn nhất là kênh Ruột Ngựa nối kênh Tàu Hủ chạy ra sông Rạch Cát để rẽ trái đi Cần Đước, Cần Giuộc hoặc rẽ phải đi Chợ Đệm, Bến Lức. Kênh dài gần 3 km, đào năm 1772, dưới đời chúa Nguyễn Phúc Thuần.

Năm 1819, vua Gia Long cho đổi đường sông cũ, đào mới kênh An Thông nối thẳng kênh Ruột Ngựa và kênh Bến Nghé, dọc hai bên bờ kênh đắp thành hai con đường bộ.

Cùng với việc nạo vét kênh cũ, đào kênh mới, nhà Nguyễn còn khuyến khích, hỗ trợ dân khai phá ruộng đồng, lập ấp để đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vựa lúa của cả nước. Con đường buôn bán lúa gạo của Gia Định được thông thương, biến nơi này thành trung tâm của Nam bộ.

Đến những kênh đào thời thuộc Pháp

Nắm rất rõ vị thế địa quân sự và kinh tế quan trọng của Nam bộ nên sau khi chiếm trọn lục tỉnh, người Pháp đã chủ trương củng cố an ninh và khai thác ngay các nguồn lợi của khu vực này. Năm 1867, họ thành lập một ủy ban thuộc Soái phủ Gài Gòn để nghiên cứu và tổ chức việc nạo vét, mở rộng hệ thống kênh rạch. Tuy nhiên, lúc này chủ yếu là nạo vét những dòng kênh nhỏ, chưa có những công trình lớn.

Năm 1875, họ tiếp tục thành lập một ủy ban thường trực về việc hoàn chỉnh hệ thống đường thủy từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây. Chưa đầy 5 năm, đến năm 1879, ngoài việc nạo vét các kênh cũ, đã đào được nhiều kênh mới như: Cột Cờ, Nước Mận, Hiến Binh, Trà Ôn, Chợ Gạo, Sét nay; Phú Túc, Xanh ta.

Từ năm 1880 - 1890, phần lớn là nạo vét, mở rộng các kênh có sẵn, như: Ba Lăng, Cái Côn, Carabelli, Bocquillon, Kế Sách, Thạnh Lợi, Bà Tích, Trà Nóc, Ông Trương, Cái Mương. Tổng cộng đã đào được 2,1 triệu mét khối đất kinh rạch, tăng được 169.000ha đất canh tác so với thời Nguyễn.

Năm 1895 - 1897, Tổng đốc Trần Bá Lộc được chính quyền thực dân cho tự đầu tư đào một con kênh lớn dài 45km, rộng 10m từ rạch Bà Tèo, bao quanh cả vùng Mỹ Tho rồi đổ ra rạch Ruộng gần Sa Đéc, gọi là kênh Tổng Đốc Lộc.
Từ 1899 - 1903, Lagrange là Tham biện Tân An điều hành đào con kênh nối sông Vàm Cỏ Tây ở đầu phía Đông và kênh Phước Xuyên, kênh Đông Tiến ở đầu phía Tây tại ngã tư Cờ Đen. Sau nhiều lần nạo vét, kênh có chiều dài 45 km, rộng 40m, sâu 4m; được đặt tên là Lagrange (tên khác là kênh Ông Lớn, kênh Cùng).

Những năm 1903 - 1904 đào 3,4 triệu mét khối trong đó có hai kênh lớn mới là Trà Ót và Saintenoy.

Những năm tiếp theo hàng loạt kênh, rạch vừa và nhỏ như: Ba Rinh, An Tập, Tiếp Nhựt, Rạch Vọp ở Sóc Trăng; Phổ Dương - Trà Long ở Cần Thơ; Ô Môn, Xà No, Trà Bồng, Tân Phước thuộc Cần Thơ - Rạch Giá - Sóc Trăng... tiếp tục được đào mới hoặc nạo vét.

Quá trình đào kênh ở Nam bộ có sự chuyển biến lớn khi Paul Doumer làm Toàn quyền Đông Dương (1897 - 1902). Ngày 8/9/1900, ông thành lập một hội đồng gồm các kỹ sư công chính, các tỉnh trưởng, đại diện các điền chủ người Pháp để hoạch định một chương trình đào kênh cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1901, thành lập Công ty đào sông và các việc công chính Đông Dương. Kế hoạch hàng năm được chi 2 triệu francs từ ngân sách Đông Dương và 240.000 francs từ ngân sách Nam Kỳ cho chương trình này. Từ chương trình này, nhiều công trình lớn được thực hiện. Kênh Xà No được đào bằng máy từ 1901 đến tháng 7/903, mặt nước rộng 60m, đáy rộng 40m, kinh phí 3,6 triệu francs nhằm khai thác vùng đất rộng hàng chục ngàn hecta ở Cần Thơ.

Từ 1904 - 1906, cải tạo mở rộng sông Mân Thít, kênh Ba Xuyên - Thạnh Lợi, đào kênh Lấp Vò, kênh Cổ Chiên đi Trà Vinh.

Từ 1906 - 1910, đào thêm một đoạn kênh ở Sài Gòn song song với kênh Tàu Hủ; đào kênh Hậu Giang - Long Mỹ; đào sâu mở rộng kênh Chợ Gạo ở Cần Thơ - Sóc Trăng; tiếp tục mở rộng kênh Saintenoy; Đào các kênh mới: Phụng Hiệp, Phổ Dương, Xẻo Von, Carabelli, Mang Cá, Ba Rinh, Lacote. Bắt đầu đào kênh Cái Lớn đi Trèm Trẹm. Vùng giữa sông Tiền - sông Hậu đào xẻ cù lao May, mở rộng kênh Cổ Chiên - Trà Vinh, đào sâu sông Mân Thít; đào các kênh Chàng Ré, Nàng Rền, Thốt Nốt - Cái Bè.

Từ 1911 - 1913, mở rộng các kênh Bassac - Long Mỹ, Ba Xuyên - Ô Môn, Sóc Trăng - Phụng Hiệp, Hậu Giang - Long Mỹ, Bạc Liêu - Cà Mau, Tiếp Nhựt, Mỏ Cày. Từ 1905 - 1913, khối lượng đào đắp là 37,5 triệu mét khối.

Ngày 23/5/1913, chương trình đào kênh những năm 1913 - 1918 được triển khai nhưng do chiến tranh thế giới thứ nhất nên công việc có nhiều thay đổi và kéo dài đến năm 1929.

Từ 1914 - 1929, đã đào được 177 triệu mét khối đất cho 1.664km kênh; bao gồm: Đào mới các kênh Ba Rinh, Sóc Trăng - Bố Thảo, Cái Lớn; cải tạo mở rộng kênh Ô Môn - Thị Đôi. Lớn nhất là đào mới kênh Rạch Giá - Hà Tiên gồm một kênh chính Rạch Giá - Hà Tiên đi song song với bờ biển dài 81km, sâu 3,5 - 3,8m, rộng 28m, được nối thông với biển bằng 4 kênh nhánh tổng cộng 81km thoát nước ra biển Tây để mở rộng khai thác trên 220.000ha của khu tứ giác Long Xuyên. Đây cũng là con đường giao thông quan trọng từ vùng Hà Tiên về Sài Gòn.

Sau năm 1930, chương trình thủy lợi ở Nam Kỳ vẫn được duy trì và gia tăng. Năm 1936, đào được 1.360km kênh chính, 2.500km kênh phụ và hàng ngàn cây số kinh nhỏ.

Với hệ thống thủy lợi dưới thời thuộc Pháp, diện tích đất canh tác ở Nam bộ được mở rộng, sản lượng lúa ngày một tăng, cơ cấu cây trồng đa dạng và phong phú hơn. Giao thông vận tải đường thủy phát triển. Thị trường hàng hóa hình thành và mở rộng. Cơ cấu xã hội biến chuyển. Đặc biệt, hệ thống thủy lợi này có hiệu quả lâu dài, là cơ sở nền tảng để tiếp tục hoàn thiện cho đến tận ngày nay.

KTĐT