“Làng mắc cạn” trên sông Hồng
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:18, 19/04/2019
Cuộc sống khó khăn đã kéo hàng trăm người dân huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc rời làng, rong ruổi trên những chiếc thuyền dọc sông Hồng, buôn bán đồ gốm sứ để mưu sinh.
15 năm trở lại đây, nước sông Hồng cạn dần, việc di chuyển khó khăn hơn khiến nhiều người quyết định lên bờ sinh sống. Những con thuyền giờ chỉ còn là kỷ niệm của một thời sông nước, còn người dân cũng đang dần thích nghi với cuộc sống trên những chiếc xe thồ.
Đi buôn từ thuở lên 10
Ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng là cả ngôi làng gốm sứ nằm ven sông Hồng thuộc phường Tứ Liên, quận Tây Hồ lại trở dậy, thồ hàng đi buôn bán khắp nội đô. Chiều về lại tất bật chuẩn bị hàng hóa cho ngày hôm sau.
Năm nay 33 tuổi, nhưng anh Bùi Văn Hà (quê huyện Sông Lô) đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề buôn bán gốm sứ. Anh Hà cho biết, từ khi lên 10 tuổi, anh đã cùng bố mẹ rong ruổi trên những chiếc thuyền gỗ, đi mua hàng ở làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) hoặc làng gốm Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), chở về Hà Nội, neo đậu tại khúc sông thuộc phường Tứ Liên, rồi đưa hàng vào bán trong nội đô.
Trong ký ức của nhiều người đi buôn gốm sứ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khu bến nhỏ ở phường Tứ Liên là nơi buôn bán đồ gốm sứ rất sầm uất. Bà Lê Thị Kỳ (SN 1962, quê huyện Sông Lô), người đã gắn bó hơn 20 năm ở làng gốm sứ ven sông Hồng cho biết, công việc mang lại thu nhập khá nên nhiều thời điểm, có đến vài trăm thuyền từ tỉnh Vĩnh Phúc đổ về phường Tứ Liên để tập kết, buôn bán. “Nhiều năm về trước, việc di chuyển trên sông Hồng rất thuận lợi. Đây được xem là con đường tơ lụa của hàng trăm hộ dân huyện Sông Lô tìm về Hà Nội kiếm kế sinh nhai” – bà Kỳ nhớ lại.
Ngày nay, khi giao thông đường bộ đã thuận lợi hơn, cộng với việc mực nước sông Hồng xuống thấp, nhiều người dân đã chuyển phương thức đi buôn bằng ô tô, xe máy. Những chiếc thuyền gắn với bao kỷ niệm nay trở thành nơi ngụ cư của những hộ dân muốn tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Từ những chiếc thuyền, hàng gốm sứ được vận chuyển chủ yếu bằng xe đạp đi bán buôn khắp các phố phường Hà Nội. Ông Trần Tiến (SN 1974, ở huyện Sông Lô) cho biết, trước đây, bà con không có điều kiện nên chủ yếu thồ hàng bằng xe đạp, rất vất vả, nhất là đối với phụ nữ. Nay, hầu hết người đi buôn đã có xe máy để vận chuyển hàng hóa. Cũng bởi vậy mà những bệnh về xương, khớp đã thuyên giảm phần nhiều.
Cuộc sống đổi thay tích cực
Trải qua nhiều thăng trầm, những nổi trôi cùng con nước, đội thuyền gốm sứ năm xưa đến nay chỉ còn gần 20 chiếc, tương ứng với đó là 20 hộ dân vẫn còn sinh sống dưới sông Hồng. Khoảng 30 – 35 hộ khác không còn thuyền thì thuê đất cắm dùi, dựng lều lán tạm bợ để cư ngụ ven sông.
Những ngày mới tạm cư tại con rạch nhỏ ven sông Hồng này, cuộc sống của các hộ dân hết sức khó khăn. Không có đường đi lại, thiếu nước sinh hoạt và cậy nhờ vào những ngọn nến để thắp sáng khi màn đêm buông xuống. Thế nhưng, khoảng 5 – 7 năm trở lại đây, đời sống của cư dân làng gốm sứ ven sông đã đổi thay tích cực.
Buổi chiều, chị Lê Thị Thảo (quê huyện Sông Lô) ngồi trước mạn thuyền nhặt rau chuẩn bị bữa cơm tối. Theo chân bố mẹ đi buôn đồ gốm sứ từ hơn 10 tuổi, sau khi lập gia đình, chị “kéo” luôn chồng đi buôn. Chị Thảo cho biết, trước đây, bà con trong xóm chủ yếu sử dụng nước mưa để tắm rửa, giặt rũ. Nước để ăn uống thì phải mua giá cao trên đất liền. Do đó, ai nấy đều phải sử dụng hết sức tiết kiệm.
Cuộc sống còn nhiều vất vả nên việc phải mua nước để sử dụng trở thành gánh nặng không nhỏ đối với không ít hộ gia đình nơi đây. Dẫu vậy, gánh nặng đó đang ngày một vơi bớt. Khoảng 7 năm trở lại đây, các gia đình đã cùng nhau đóng góp tiền để khoan giếng. Từ ngày có chiếc giếng khoan, bà con làng gốm sứ ven sông Hồng đã có thể sử dụng thoải mái nước mà không phải lo lắng đến chi phí cộng thêm hàng tháng. Quan trọng hơn là có được nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng.
Không chỉ có vậy, con đường chạy dọc ven sông Hồng dẫn vào làng gốm sứ cũng được bê tông hóa, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân dễ dàng hơn. Cư dân xóm ven sông cũng được tạo điều kiện để mua điện từ trong đất liền với mức giá khoảng 4.000 đồng/KWh. Đặc biệt, từ năm 2018, được sự hỗ trợ của nhóm dự án “Điện gió ven sông Hồng”, ít nhất 10 hộ dân sống tại xóm ngụ cư đã được hỗ trợ hệ thống điện bằng năng lượng sạch, góp phần tiết giảm chi phí sinh hoạt.
Mong cho con em cái chữ nên người
Sống lênh đênh trên những con thuyền, nỗi lo lắng nhất của những hộ dân nơi làng gốm sứ ven sông là mùa nước lên. Con nước lớn những năm qua đã khiến hàng chục chiếc thuyền của người dân bị hư hỏng, cuốn theo lòng sông. Ông Trần Văn Xuân, người đã gắn bó với làng gốm sứ hơn 20 mùa nước lên cho biết, có năm nước lớn về, các hộ phải bỏ lại thuyền lên bờ trú tránh.
Dù nguy hiểm, nhưng vì mưu sinh nên nhiều người vẫn bám trụ trên thuyền. Thực tế, khi những con thuyền bị hỏng, các hộ mới buộc phải lên bờ, thuê đất ven bãi sông để cắm dùi với mức giá từ 5 – 10 triệu đồng/năm (tuỳ vào diện tích thuê). Đi buôn bán nhỏ lẻ kiếm từng đồng mỗi ngày, chi phí đó thực sự không phải là một khoản tiền nhỏ.
Nhưng quan trọng hơn là bởi những người cha, người mẹ muốn dành dụm để lo cho tương lai con em mình. Hơn 10 năm chung sống, chị Lê Thị Hồng và chồng (cùng quê huyện Sông Lô) đã có hai mặt con. Gạt nỗi thương nhớ da diết, chị Hồng gửi con ở quê để cùng chồng lên Hà Nội, ở tạm bợ dưới thuyền, rong ruổi mưu sinh từ hàng gốm sứ, kiếm tiền gửi về quê.
Theo chia sẻ của nhiều bậc cha mẹ, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện hết sức để con em ở làng gốm sứ có thể đến trường. Nguyên nhân các bậc phụ huynh muốn đưa con về quê, chủ yếu là bởi có người thân trông nom, chăm sóc. Họ lo lắng việc phải tất bật mưu sinh mỗi ngày, sẽ không có thời gian quan tâm, dạy dỗ con nên người.
Dù vẫn có trường hợp bố mẹ cho con theo học tại Hà Nội, nhưng phần lớn là khi các cháu đều đã lớn khôn. Đơn cử như vợ chồng chị Trần Thị Nguyệt có con lớn Trần Thị Phương đang học đại học, con thứ tên Trần Văn Nam học cấp 2. Hay chị Khổng Thị Sen hiện có hai con đang theo học tại trường Đại học Sư phạm và Cao đẳng Dược Hà Nội…
Hầu hết thế hệ làm nghề buôn bán đồ gốm sứ hiện nay tại ngôi làng nhỏ ven sông Hồng đều dang dở việc học, theo chân cha mẹ đi mưu sinh từ nhỏ. Tuy nhiên, điều đáng mừng là họ đều ý thức rất rõ tầm quan trọng của giáo dục. Cũng bởi vậy mà nhiều bậc cha mẹ khi được hỏi đều tâm niệm rằng: Dù cuộc sống có khó khăn, vất vả đến mấy, cũng sẽ cố gắng để con em được học hành đến nơi đến chốn.
Cuộc mưu sinh ở “làng mắc cạn” ven sông Hồng vẫn chảy trôi không ngừng. Rời xa kỷ niệm của một thời sông nước, giờ đây, các hộ dân đã dần thích nghi với cuộc sống bên những chiếc xe thồ, ngược xuôi phố phường Hà Nội mỗi ngày. Vất vả, nhọc nhằn của những người cha, người mẹ không gì hơn là mong muốn một tương lai tốt đẹp cho con em mình.