Người dân miền Trung vật vã dưới nắng nóng trên diện rộng
Tin tức - Ngày đăng : 11:35, 22/04/2019
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhiệt độ đỉnh điểm lên tới 43 độ C. Nắng nóng với nền nhiệt cao khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
Từ sáng sớm, nắng bắt đầu xuất hiện, hơi nóng hầm hập tỏa ngược lên từ đường nhựa, mọi người ra đường với trang phục kín mít. Hơn 11h trưa, ngày 21/4, khắp thành phố Hà Tĩnh nhà nhà cửa đóng then cài để “tránh nóng”. Tại khu vực chợ Vườn Ươm, dù là ngày nghỉ nhưng do nắng gay gắt nên chợ tan rất sớm.
Tại xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) khi nhiệt độ là 39 độ C, người dân phải đi sớm về muộn để tránh nắng.
Tại các huyện miền núi của Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn… nắng nóng làm nguồn nước từ các khe, giếng cạn kiệt làm đảo lộn cuộc sống của người dân nơi đây. Nhiều nơi người dân phải chắt chiu từng gáo nước ở bản Long Kèo, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, người dân phải đi hàng km gùi nước từ khe suối về sử dụng.
Để giảm nhiệt, oi bức, phụ huynh cho trẻ đến khe suối để tắm mát hoặc vào các hang động tự nhiên để trú ngụ tạm thời. Điều này cũng khiến nguy cơ đuối nước tăng cao. Ngày 20/4, hai nam sinh Phạm Văn H. (SN 2000), Trần Văn C. (SN 2001) cùng trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, bị đuối nước thương tâm khi rủ nhau xuống sông tắm.
Còn tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, những ngày nắng nóng này, bệnh nhân nhi tăng đột biến. Ước tính mỗi ngày, các bác sĩ ở đây khám và điều trị cho 900-1.200 trẻ. Nhiều trẻ có các triệu chứng liên quan đến bệnh dịch mùa hè chuyển thời tiết từ viêm da cho đến ho, sốt, tiêu chảy.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ, đợt nắng nóng có thể kéo dài 5 đến 7 ngày tới.
Nền nhiệt buổi trưa tại TT-Huế trong 3 ngày từ 19 đến 21/4 luôn duy trì ở mức cao, dao động từ 38 đến 39,5 độ C, có nơi như Nam Đông đến 40,5 độ C. Nắng nóng làm gần 1.000 ha lạc đông xuân tại thị xã Hương Trà bị khô chết, nhiễm bệnh hàng loạt do thời tiết khắc nghiệt, dẫn tới nguy cơ mất trắng hoàn toàn.
Tại huyện Phú Lộc, hơn 200 ha lúa thuộc xã Lộc Tiến đến kỳ kết đòng nhưng không có nước tưới nên khô chết dần, năng suất giảm còn 5 đến 10%, nên gần như chỉ để làm thức ăn cho trâu bò.
Tại khu vực đồi thông cảnh quan Thiên An, xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy), nắng nóng với nền nhiệt cao bất thường khiến rừng trồng thuộc quản lý của Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong bốc cháy trong đêm, thiêu rụi hơn 200 cây thông từ 15 đến 25 năm tuổi.