Nhà thơ Nguyễn Việt Bắc - Vẫn vương “Mùi quê”

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 11:15, 25/04/2019

Tôi thân thiết với kiến trúc sư, nhà thơ Nguyễn Việt Bắc. Dẫu rằng người kiến trúc sư thực chất cũng đã là nghệ sĩ nhưng tôi thấy ở anh hình như mang nhiều phẩm chất và trái tim của một nhà thơ hơn một nhà kiến trúc.
Nhà thơ Nguyễn Việt Bắc - Vẫn vương “Mùi quê”

Nguyễn Việt Bắc đam mê thơ và làm thơ khi còn là học sinh phổ thông. Thời sinh viên kiến trúc, anh đã dành nhiều tâm huyết cho thơ… Ngày ấy Hội Văn nghệ Hà Nội mở lớp sáng tác văn học, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, người phụ trách lớp có nhận xét Nguyễn Việt Bắc là người rất chăm chỉ song rất lặng lẽ. Anh ít nói, ít phát biểu, ít cả… đọc thơ...
Khi Nguyễn Việt Bắc in tập thơ đầu tiên “Bờ xa”, năm 1993 thì Phan Thị Thanh Nhàn là người đọc đầu tiên và chị thích rồi chính chị đã viết lời giới thiệu: “Hôm nay, cầm tập thơ đầu tay của Nguyễn Việt Bắc, với số lượng ít ỏi, tôi càng nhận ra sự cẩn thận đến mức dè dặt của anh. Phập phồng, hy vọng, khát khao và rụt rè. Đó là Nguyễn Việt Bắc trong đời cũng như trong thơ”. 

Hai năm sau, Nguyễn Việt Bắc lại cùng Hồng Thanh Quang, Nguyễn Quang Thiều, Võ Thị Xuân Hà… và nhiều nhà thơ khác cùng đứng chung trong tập thơ tình “Trái tim để ngỏ”. Thơ tình của Nguyễn Việt Bắc thường giản dị: “Cái túi bằng vải thô/ Bị thủng mất một chỗ/ Anh thường vứt vào xó/ Sau mỗi lần đi xa/ Cái túi bỗng nở hoa…” (Tìm đâu xa)
Sau hơn 50 năm đeo đuổi thơ ca, đến nay, Nguyễn Việt Bắc đã xuất bản nhiều tập thơ với những cái tên khá ấn tượng, độc đáo như: “Bờ xa” (NXB Văn học - 1993 ), “Gặt chữ” (NXB Hội Nhà văn - 2001 ), “Dội hoa lên trăng” (NXB Hội Nhà văn - 2004 ), “Người ta và tôi” (NXB Hội Nhà văn - 2007 ), “Bom chữ ngũ hành” (NXB Hội Nhà văn, in chung - 2008), “Một mình trăng lên” (NXB Hội Nhà văn - 2012), “Buồn không đóng cửa” (NXB Hội Nhà văn - 2016 ).

Nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá cao sự táo bạo trong từng ý thơ của Việt Bắc khi dẫn ra bài thơ lục bát: “Bến vẫn gió sông” in trong tập: “Dội hoa lên trăng”: “Bến sông vẫn gió, ngày xưa/ Cành đa chấm nước, đò vừa, sang sông/ ngút xanh, mướt mát, ngô đồng/ Chân trần, thiếu phụ - dòng sông mỏi mòn/ Mặt trời rơi xuống, vẫn tròn/ Vẫn ban tặng, Chuông thờ, thả xuống, bình yên/ Cắm sào cởi áo, bỏ thuyền, tắm sông”. 

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Nguyệt  Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Việt Bắc có lẽ là một trong những người viết nhiều và thành công khi viết về nông thôn. Anh có thơ viết về làng, về chợ, về ao, về cái cổng làng, về người làng: “Chợ làng họp ở đầu làng/ Mớ rau/ Con cá/ Rơm vàng buộc sâu/ Có bà , quần vá, áo nâu/ Bàn chân cấu nắng/ Trên đầu nón mê/ Bà ngồi, bán quả, vườn quê/ Dăm ba quả ớt, tái tê cả chiều” (Chợ làng). “Biết bơi ở cái ao làng/ Trái tim biết đập vội vàng từ em…/ Ao làng/ Sen nở đầy hoa/ Lá xanh anh trải gốc đa/ Em ngồi” (Ao làng ), …

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc đầu những năm 70 của thế kỉ trước và như suốt cuộc đời mình, từ khi ra trường cho đến khi nghỉ hưu, Nguyễn Việt Bắc sống với các công việc liên quan đến ngành xây dựng. Nhưng không lâu sau  Nguyễn Việt Bắc đã hối hận. Mỗi con người cần có một quê hương nơi chốn đi về, nơi đó có họ hàng bà con rồi những đường làng ngõ xóm, ngôi nhà nơi sinh ra, những lũy tre, con đê, giếng nước, sân đình, tuổi thơ. Tất cả được anh gọi là “Mùi quê”: “Mùi quê/ Kéo tôi trở lại làng/ Mùi nhựa sung/ Phết lên diều chiều gió/ Mùi con ốc nhồi bén lửa/ Lúc đêm khuya/ Mùi rạ ẩm nấu cơm buổi trưa/ Quần áo ướt quay quanh đầu gối/ Mùi ngọn lang quệt qua nhánh tỏi”…

Nguyễn Việt Bắc không phải là con người ồn ào, càng không phải người nơi phố thị. Có lẽ vì thế mà khi ở thành phố có nhà cao tầng, mặt tiền 5,6 mét nhưng  sao anh luôn cảm giác tù túng nên chỉ khi sống trong ngôi nhà  ngói nhỏ thân thuộc giữa cái làng Lê Xá quê hương thì anh mới như thật thoải mái: “Bỏ xa cuộc cãi vã và tiếng ồn/ Bỏ con đường lưa thưa lá vàng lằng nhằng dây điện/ Mùa thu về Kinh Bắc/ Mặt trời còn chưa dậy/ Ngủ vùi trong lớp sương mù/ Đi trong mộng du/ Phả phía lưng nồng nàn hơi ấm/ Tiếng chim thả xuống/ Sương dần bay lên/ Ngắt một bông hoa không tên/ Gặp người đi đường/ không vội vã…”.

Nguyễn Việt Bắc thường tự hào quê hương anh có di tích Luy Lâu, có dãy núi Thiên Thai, có chùa Dâu - một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Và khi nói về thơ mình thường Nguyễn Việt Bắc hay đọc những bài thơ anh viết về các địa danh lịch sử, văn hóa nổi tiếng ấy với một tình yêu: “Luy Lâu thành cũ Luy Lâu/ Ẩn trong phơ phất cỏ lau bên đường/ Tôi về cỏ vẫn ngậm sương/ Con chim rụi mắt tiếng thương thương là/ Rung rinh rặng ổi khóm hoa/ Tôi bệt xuống cỏ để mà chiêm bao/ Gió mưa bỗng thổi ào ào/ Hồn người giữ đất tạc vào trời xanh/ Tiếng chim lích chích chuyền cành/ Tắm trong nắng sớm tiếng thành véo von” (Luy Lâu); “Một mình/ Lên đỉnh Thiên Thai/ Đến nơi/ Mình bỗng/ Thành hai con người/ Một người/ Theo gió rong chơi/ Một người/ Ngồi/ với/ Bời bời cỏ xanh” (Thiên Thai) 
Yêu quê nhưng trước những đổi thay nhanh chóng theo thời thế khiến nhiều khi trái tim đa cảm, đôi chút hoài cổ trong con người anh luôn trỗi dậy, nên vẫn không khỏi ít nhiều có chút ngỡ ngàng: “Làng vẫn làng mà như đi lạc/ Tre không còn để mà kẽo kẹt/ Nhà ống liền kề/ Đường lổn nhổn xỉ than bê tông/ Làng không còn ao thả cá/ Không còn bèo tấm bèo cái/ Không còn bà già chống gậy trên đường gạch đỏ bỏm bẻm/ Không còn trẻ con nhẩy dây/ chơi ô ăn quan” (Làng vẫn làng mà như đi lạc); “Xóm quê/ Đường rộng/ Nhà cao/ Mà tìm không thấy cái ao của làng” (Ao làng ); “Cổng làng xưa có còn đâu/ Câu thơ vượt cạn/ Mái đầu/ Phơ phơ” (Cổng làng).  

Quen và thân với Nguyễn Việt Bắc, tôi thấy ở anh một con người nhân hậu, lành hiền, khiêm nhường và thêm một trái tim luôn  nhạy cảm với bất trắc của con người trước nhân tình thế thái. Anh như chia sẻ với những nỗi khổ của người nông dân làng quê anh khi bất chợt gặp ở bệnh viện: “Ở bệnh viện gặp người làng/ Tìm tiền đáy túi thóc vàng còn vương/ Trả tiền thuốc/ Trả tiền giường/ Thương ngày nắng quái/ Đêm trường trong veo…/ Bao giờ mới hết cái nghèo/ người làng phận mỏng/ Bọt bèo trôi sông”. 

Năm 2015, tôi và một số bạn bè cùng anh có chuyến về Hà Tĩnh thăm quê cụ Nguyễn Du và nhân đó xuống tắm biển Xuân Thành. Nhiều cảnh tượng hiện ra không mấy vui trước mắt chúng tôi. Bãi biển vắng mà quá nhiều cô gái trẻ xa lạ mời gọi. Khi ấy thấy anh bối rối lặng đi. Để rồi đêm đó như anh không ngủ để có bài “Về quê Nguyễn Du” giầu hình ảnh liên tưởng: “Não bộ ta chạm râu Nguyễn Du/ Ông ngồi cùng thời gian/ Ta qua chốc lát/ Một sớm/ Giữa hè oi bức/ Ta xuống biển Xuân Thành/ Những cô Kiều mười tám đôi mươi/ Kèn sáo tưng bừng đón tiếp”; để rồi cuối cùng anh kết: …“Biển ở đây có thêm nhiều nước mắt/ Mặn hơn”. Tưởng lòng tốt và sự tử tế của con người với sáng tạo thơ ca chẳng mấy liên quan nhưng ngẫm ra người viết nếu không có tấm lòng, không có sự cảm thông, thấu hiểu thì chắc Nguyễn Việt Bắc không thể có được những câu thơ “mặn chát” như vậy.

Nhân cách của Nguyễn Việt Bắc còn ở câu chuyện nhỏ này. Trong một cuộc thi thơ được tổ chức cách nay nhiều năm, cuộc thi ấy Nguyễn Việt Bắc có gửi bài. Ít lâu sau có một nhà thơ nằm trong ban chung khảo nói với anh, chịu khó bồi dưỡng thì thơ anh vào diện xét giải. Anh không theo vì cảm thấy đề nghị có phần làm anh bị xúc phạm. Tôi hỏi, ai vậy? Nghĩ tôi và anh chỗ thân thiết, nhất là cuộc thi thơ năm ấy Nguyễn Việt Bắc không có tên trong những người có giải nên tôi càng nghĩ anh sẽ chẳng ngại gì khi nói ra, nhưng gặng thế nào anh cũng lảng chuyện khác. Trước sự việc đâu phải ai cũng có được  tấm lòng bao dung như vậy, tôi càng thêm quí trọng anh, qua thông điệp cho chính mình khi viết câu thơ: “Mai sau là hạt cát/ Giờ hãy là bông hoa” (*) 

...................................................
* Câu thơ của Nguyễn Việt Bắc  

Huy Thắng