Nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:02, 02/05/2019
65 năm đã trôi qua nhưng cảm hứng từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn hết sức sâu sắc với nhiều thế hệ văn nghệ sĩ nói chung và giới họa sĩ nói riêng. Nhiều tác phẩm được vẽ giữa những trận chiến, những chặng đường hành quân đã trở thành bảo vật quốc gia.
Đường lên Điện Biên tranh sơn mài của Trần Khánh Chương. |
Điện Biên năm ấy
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề Điện Biên năm ấy (từ ngày 3-5 đến 10-5, miễn phí vào cửa) với mong muốn mang đến cho công chúng những tác phẩm mỹ thuật xuất sắc nhất về đề tài này.
Triển lãm giới thiệu 39 tác phẩm mỹ thuật trên nhiều chất liệu khác nhau như sơn mài, sơn dầu, tranh giấy, điêu khắc... được 27 họa sĩ sáng tác trong và sau thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có nhiều tác phẩm lần đầu tiên ra mắt khán giả. Có lẽ với mỗi người Việt Nam, hình ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ với những đoàn quân xuyên rừng vượt núi, những chuyến xe thồ trĩu nặng leo dốc, tiếng hò kéo pháo vang vọng núi đồi... đã trở thành một phần của ký ức. Và với Điện Biên năm ấy, ký ức đẹp đẽ, oai hùng, bi tráng nhưng cũng hết sức lãng mạn ấy lại một lần nữa được đánh thức.
Đến với triển lãm, người xem như được trở lại những tháng ngày gian khổ, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp và gặp gỡ những con người bình dị mà vĩ đại đã làm nên chiến thắng lẫy lừng này. Đó là những người lính băng rừng, lội suối, cần mẫn hành quân xuyên đêm qua tác phẩm Hành quân qua suối của Tô Ngọc Vân hay Hành quân đêm của Trần Đình Thọ; những chiến sĩ vượt đèo kéo pháo, đẩy pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ đầy nhọc nhằn, gian truân nhưng không kém phần lãng mạn trong Kéo pháo Điện Biên của Trần Đình Thọ, Kéo pháo của Dương Hướng Minh.
Những tấm gương hy sinh quên mình, xả thân vì Tổ quốc cũng được tái hiện đầy xúc động qua những tác phẩm Tô Vĩnh Diện chèn pháo của Dương Hướng Minh, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng của Lê Vinh. Nốt vui giữa những chặng đường hành quân gian khổ ấy là tình quân dân thắm thiết thể hiện qua tác phẩm Gặp nhau của Mai Văn Hiến hay giây phút thảnh thơi lắng nghe tiếng hát giữa rừng (Tiếng hát mùa chiến dịch của Mai Văn Hiến)...
Nổi bật trong số đó là hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của đại tướng Võ Nguyên Giáp với những tác phẩm khắc họa nội tâm sâu sắc như Rời lều cỏ Bác tiếp tục hành quân của Nguyễn Trọng Kiệm, Bác bảo thắng là thắng của Nguyễn Phúc Khôi. Bên cạnh đó là nhiều tác phẩm đồ sộ, phản ánh những trận đánh thể hiện nghệ thuật quân sự đỉnh cao của quân dân ta như Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ của Thế Vy, Đánh chiếm điểm cao của Lê Vinh, Điện Biên năm ấy của Cao Trọng Thiềm...
Nhớ những người họa sĩ -chiến sĩ
Để có được những tác phẩm cho công chúng thưởng lãm hôm nay, nhiều thế hệ họa sĩ đã phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu. Trong số những bức tranh được trưng bày, rất nhiều là của các tác giả vừa là họa sĩ, vừa là chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ đã ghi lại chân thực, sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta như loạt ký họa chiến trường của các tác giả Tô Ngọc Vân, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Văn Tỵ...
Và có lẽ, nhắc đến Điện Biên Phủ trong hội họa, không thể không nhắc tới một người - danh họa Tô Ngọc Vân. Đầu tháng 4-1954, ông lên đường đi Điện Biên Phủ vẽ cảnh tiền tuyến, phong cảnh Tây Bắc. Nhiều bức tranh phản ánh hơi thở của cuộc sống kháng chiến được ra đời như: Qua đèo, Cho ngựa ăn, Qua suối, Trú quân, Giáo viên dân tộc Thái...
Ngày 17-6-1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ 40 ngày, Tô Ngọc Vân cùng hai họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Văn Ngọc trở lại chiến trường Điện Biên Phủ lấy chất liệu thực tế để chuẩn bị sáng tác những tác phẩm lớn về chiến thắng lịch sử này. Và họa sĩ Tô Ngọc Vân đã hy sinh trong một cuộc dội bom của máy bay Pháp tại Km41, Ba Khe, Sơn La. Kỷ vật cuối cùng ông để lại là rất nhiều bức ký họa về chiến trường đựng trong chiếc ống bương to đeo bên người... Sự hy sinh ấy đã trở thành một câu chuyện mà nhiều thế hệ học trò của ông vẫn còn nhắc nhớ mãi như một tấm gương lao động nghệ thuật hết mình vì dân vì nước.
Sau này, chiến thắng Điện Biên hào hùng vẫn là nguồn cảm hứng lớn trong hội họa. Nhiều họa sĩ như Phạm Thanh Tâm, Trần Đình Thọ, Mai Văn Hiến, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Tiến Chung, Lê Lam, Ngọc Chi, Minh Khôi... cũng rất thành công với mảng đề tài này. 65 năm nhìn lại, ký ức về Điện Biên Phủ vẫn như chỉ mới hôm qua và cảm xúc về chiến thắng ấy dường như vẫn còn nguyên vẹn khi công chúng được thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng này.