Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Sớm đưa ra công cụ đánh giá quy hoạch, loại bỏ dự án treo

Tin tức - Ngày đăng : 09:51, 28/05/2019

Ngày 27-5, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, sau khi nghe Đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo theo hình thức mới bằng video clip, thảo luận ở hội trường, nhiều đại biểu đã chỉ ra những vấn đề được coi là tồn tại, hạn chế và yếu kém hiện nay trong công tác quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai, đặc biệt là quy hoạch đô thị.
Những bất cập, hạn chế

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, qua giám sát, Đoàn giám sát đã ghi nhận trách nhiệm cao của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị. Qua đó, diện mạo đô thị thay đổi rõ rệt, hình thành không gian sống tốt hơn cho người dân… 

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ tình trạng một số dự án đầu tư đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng gây lãng phí. Ở một số đô thị, công tác quản lý thực hiện theo quy hoạch chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới việc triển khai vượt quá các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gây lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội.

Theo báo cáo, hiện cả nước có 11.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần, quy hoạch điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tiện ích công cộng và lợi ích của người sử dụng, như tăng số tầng, diện tích sàn, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích cây xanh…

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu chỉ rõ những bất cập, hạn chế. Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương), từ những vi phạm lớn, điển hình như việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam hay việc xà xẻo các mảnh đất vàng tại các đô thị lớn… có thể chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần chìm của nó vốn là những vụ việc có tính chất phức tạp hơn mà không ít trong số đó từng hiện diện trên mặt báo, nhưng chưa được nhắc trong báo cáo lần này còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Sớm đưa ra công cụ đánh giá quy hoạch, loại bỏ dự án treo
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương).
Đề cập những hạn chế của công tác quy hoạch, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) nhận định, một số trường hợp quản lý do thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm trong việc đưa ra dự báo về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thiếu tầm nhìn bao quát, dài hạn nên chất lượng công tác quy hoạch đô thị chưa cao; thiếu đồng bộ, thiếu tính khả thi dẫn đến nhiều quy hoạch sau khi được phê duyệt điều chỉnh tổng thể phải điều chỉnh nhiều lần. 

Có những khu vực đã quy hoạch nhưng do chi phối của các doanh nghiệp nên quy hoạch bị thay đổi, gây bức xúc cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Sớm đưa ra công cụ đánh giá quy hoạch, loại bỏ dự án treo
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình).

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) cho rằng, chất lượng quy hoạch đô thị thể hiện kiểu tư duy nhiệm kỳ, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch gây bức xúc dư luận. 

“Cử tri kỳ vọng trụ sở cũ của các cơ quan di dời sẽ trở thành vườn hoa, công viên, công trình tiện ích chứ không phải là những tòa nhà, chung cư chọc trời của các đại gia”, đại biểu Đinh Duy Vượt nêu ý kiến. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Sớm đưa ra công cụ đánh giá quy hoạch, loại bỏ dự án treo
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai).

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An) trích dẫn con số 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ một đến sáu lần để phản ánh về chất lượng công tác quy hoạch cũng như thực trạng việc lợi dụng chính sách để trục lợi.

Đề xuất các nhóm giải pháp khắc phục

Cùng với việc nêu ra những hạn chế, tồn tại, các đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát tổng thể tình hình sử dụng đất đai trong cả nước, kịp thời khắc phục vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quản lý đô thị, trên cơ sở làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, có biện pháp xử lý và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ mười. 

“Tôi cho rằng đây là hành động thể hiện rõ nhất và kịp thời nhất sau kết quả của cuộc giám sát lần này”, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An) nêu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Sớm đưa ra công cụ đánh giá quy hoạch, loại bỏ dự án treo
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình những vấn đề đại biểu quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) kiến nghị, Quốc hội phải có nghị quyết đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương rà soát các dự án giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch; thu hồi những dự án có khả năng thực hiện đấu thầu công khai bảo đảm sự cạnh tranh trong việc xác định giá sử dụng đất và quyền sử dụng đất trong phát triển đô thị. 

Các Ủy ban của Quốc hội cần phải kịp thời phát hiện các mâu thuẫn trong chồng chéo, thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật để kiến nghị Quốc hội sớm, kịp thời xem xét, bổ sung điều chỉnh hành lang pháp lý, an toàn thống nhất. 

Cũng tại phiên thảo luận, báo cáo thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm về nâng cao chất lượng và tính minh bạch của quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, để hạn chế tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, trước mắt, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua nội dung trong Luật sửa đổi 37 luật liên quan đến quy hoạch, trong đó có hai ý quan trọng là việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện theo trình tự, thủ tục đúng như việc lập quy hoạch và bãi bỏ giấy phép về quy hoạch.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, sớm đưa ra công cụ có thể tổ chức đánh giá việc thực hiện quy hoạch thường xuyên, hiệu quả hơn, loại bỏ ngay quy hoạch treo, dự án treo. Năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành việc xây dựng Cổng thông tin điện tử quy hoạch về quy hoạch đô thị. Đây được coi là công cụ giám sát việc thực hiện quy hoạch, hạn chế nhiều ý kiến phản ánh rằng lấy quy hoạch đô thị là công cụ tạo ra lợi ích nhóm.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Sớm đưa ra công cụ đánh giá quy hoạch, loại bỏ dự án treo
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đồng tình rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quy hoạch quản lý đất đai cũng như mối quan hệ giữa các quy hoạch như quy hoạch phát triển đô thị, các quy hoạch ở địa phương đã bộc lộ những bất cập trong việc xử lý khâu xây dựng, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch và mối quan hệ giữa các quy hoạch với quy hoạch gốc.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian tới quy hoạch đất đai cần tính toán để đưa quy hoạch vừa có tầm nhìn chiến lược, vừa phản ánh được trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là người đại diện chủ sở hữu. Trong đó, các quy hoạch phải giải quyết được bài toán kinh tế, hài hòa hiệu quả về kinh tế - xã hội, môi trường, giải quyết được bài toán giữa hôm nay và mai sau. Cùng với đó, cần công khai, minh bạch các quy hoạch để nhân dân giám sát, từ đó việc quản lý đất đai sẽ tốt hơn.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Sớm đưa ra công cụ đánh giá quy hoạch, loại bỏ dự án treo
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giải trình tiếp thu ý kiến của các đại biểu.

Làm rõ thêm tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hệ thống chính sách về quy hoạch, quản lý đất đai tại đô thị, trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tập trung vào một số giải pháp, trong đó chú trọng nâng chất lượng quy hoạch, thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh kịp thời quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật, công khai các thông tin về quy hoạch để người dân biết và giám sát. 

Cùng với đó là tăng cường kiểm soát sử dụng đất đai theo đúng quy hoạch, khắc phục tình trạng quy hoạch treo… Một giải pháp khác được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập là làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn các nhà đầu tư phát triển các dự án đô thị, nông nghiệp, dịch vụ theo đúng các quy định của pháp luật; xây dựng các cơ chế kiểm soát việc xác định giá đất đảm bảo tính công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai phát triển đô thị trên toàn quốc, trong đó tập trung vào thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư phát triển đô thị, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức bộ máy quản lý đất đai, quản lý phát triển đô thị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm, tiêu cực theo đúng quy định của pháp luật…

Kết thúc phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 32 đại biểu phát biểu ý kiến, một đại biểu tham gia tranh luận. Bộ trưởng các bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ giải trình tiếp thu những vấn đề giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, không khí thảo luận sôi nổi, sâu sắc, trách nhiệm, mang tính xây dựng. 

Đa số ý kiến đại biểu đánh giá tích cực sự cố gắng của đoàn giám sát, cơ bản nhất trí với báo cáo giám sát. Cũng có một số ý kiến bổ sung thêm một số vấn đề báo cáo giám sát đề cập chưa sâu hoặc chưa đề cập đến.

Ý kiến của đại biểu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cứu tiếp thu. Đoàn giám sát cùng các cơ quan liên quan của Chính phủ sẽ hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết về về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 trình Quốc hội thông qua.

Bảo Hân/HNM