Hướng mới của sân khấu cải lương là đề tài hiện đại
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:25, 17/06/2019
Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa cho ra mắt khán giả chùm kịch ngắn Tình yêu qua mạng - Bệnh quảng cáo - Sếp vợ, truyền tải nhiều thông điệp xã hội với cách thể hiện vui vẻ, hài hước, cho thấy sự chuyển hướng trong phong cách nghệ thuật của Nhà hát. Nhân dịp này, PV đã có cuộc trò chuyện với NSND Tuấn Hải, đạo diễn chương trình.
Đạo diễn, NSND Tuấn Hải. Ảnh: Quang Hiếu
- Thưa đạo diễn Tuấn Hải, được biết đây là lần đầu tiên anh kết hợp dựng vở với Nhà hát Cải lương Hà Nội. Đây cũng là một chương trình khác với phong cách chính kịch thường thấy của nhà hát. Anh có thể chia sẻ đôi chút về sự kết hợp này?
- Quả thật đây là lần đầu tiên tôi kết hợp với Nhà hát Cải lương Hà Nội. Được biết, năm nay Nhà hát nhận nhiệm vụ không diễn những vở cổ mà xây dựng chương trình mới phù hợp với đời sống hiện đại. Họ có một lời mời rất trân trọng và tôi đã đồng ý về dựng chùm kịch ngắn này cho Nhà hát. Tôi là con nhà nòi về cải lương. Cải lương là nghề nghiệp của ông bà, bố mẹ tôi và bản thân tôi khi học trong trường cũng học về sân khấu dân tộc nên khi dựng vở cho Nhà hát Cải lương Hà Nội, tôi như được trở về nguồn, không hề ngỡ ngàng, lạ lẫm mà như nước chảy, cá bơi.
Bên cạnh đó, hài kịch hiện đại là nghề của mình rồi, tôi đã làm những vở như Bệnh sĩ, Lão hà tiện... cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Khi làm chùm kịch ngắn này, vấn đề là phải gắn với cuộc sống hiện tại muôn màu muôn vẻ và làm sao chuyển tải được nội dung chương trình. Chẳng hạn Tình yêu qua mạng phê phán lối sống ảo, Bệnh quảng cáo nói lên mặt trái của hoạt động quảng cáo hiện nay, Sếp vợ chuyển tải thông điệp về việc cùng nhau san sẻ việc gia đình... Thế mạnh của hài kịch là lấy tiếng cười để đả phá, phê phán những cái xấu, những cái lệch chuẩn trong cuộc sống để xây đắp cuộc đời.
- Tuy nhiên hài không phải là một thế mạnh của cải lương, nhiều khi đưa hài vào sẽ át chất mùi mẫn, trữ tình của loại hình nghệ thuật này. Anh đã xử lý như thế nào để khán giả có được tiếng cười phù hợp?
- Không giống như sân khấu kịch nói, khi chuyển thể cải lương, có phần ca vào thì tiết tấu kịch bị chậm lại mà hài kịch lại đòi hỏi tiết tấu rất nhanh. Chính vì thế khi làm việc với người chuyển thể là NSƯT Thanh Vân, tôi yêu cầu dùng tất cả những bài ca hay, vui, tiết tấu nhanh để đưa vào cho hợp với không khí vở diễn. Riêng kịch ngắn Sếp vợ có nhiều nghệ sĩ ngôi sao của Nhà hát tham gia biểu diễn gồm NSND Thanh Hương, NSƯT Mỹ Vân, Trọng Nguyên... là những người rất có nghề nên chúng tôi tập trung vào để tôn vinh giọng ca. Thế mạnh của cải lương là ca hát, những người như NSND Thanh Hương, NSƯT Mỹ Vân ca rất chuẩn chỉnh, thuộc hàng đầu của cải lương phía Bắc rồi. câu chuyện rất tốt, diễn rất dung dị chứ không bị cường điệu kiểu sân khấu kịch hát và lối diễn khá mộc, phù hợp với vở kịch hiện đại.
- Tuy có sự xử lý khéo léo như vậy nhưng trong phần âm nhạc, khán giả vẫn cảm thấy những bài nhạc chế mới có phần át chất cải lương?
- Hiện nay, sân khấu kịch nói, các show truyền hình như Gặp nhau cuối năm đều dùng nhạc chế cho vui tai, kích thích sự tò mò, háo hức của khán giả vì những bản nhạc đó cất lên là khán giả háo hức rồi. Vậy với sân khấu cải lương tại sao không dùng để tinh thần câu chuyện thật vui, sống động, buồn cười, giúp tiết tấu nhanh, khắc phục được những cái mà cải lương đang chậm và khiến sân khấu này gần gũi hơn với khán giả hôm nay?
- Nhà hát Cải lương Hà Nội luôn tạo ấn tượng cho khán giả bằng những vở chính kịch dài, những tiểu phẩm ngắn thường đặt ở vị trí thứ yếu. Anh đã làm cho nhiều sân khấu, anh đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh của các tiểu phẩm ở sân khấu truyền thống trong bối cảnh sân khấu ảm đạm hiện nay?
- Sân khấu bây giờ đang rất khó khăn, không riêng sân khấu kịch hát và để làm được những vở như này là rất kỳ công. Nhà hát Cải lương Hà Nội đang có quyết tâm rất lớn để tiến công vào những đề tài hiện đại. Đây cũng là hướng mới của sân khấu cải lương rất đáng khuyến khích. Tuy không lợi thế bằng kịch nói nhưng dạng kịch ngắn cải lương cũng có phần hấp dẫn, có một vẻ đẹp riêng, phục vụ được đối tượng khán giả mê sân khấu dân tộc.
- Nhà hát Cải lương Hà Nội hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, rạp Chuông Vàng đang sửa chữa, trụ sở tạm thì chật hẹp. Điều đó có làm khó đạo diễn khi dựng chương trình này?
- Phải nói là quá khó khăn! Tại rạp chính của Nhà hát là rạp Chuông Vàng, người ta đã đổ đầy cát, xi măng để cải tạo và chúng tôi đành tập trên đống cát ấy vì không có chỗ. Không có sân khấu, chúng tôi ngồi tập cạnh nhau, không có tầm nhìn, không có tầm nghe, ầm ĩ nhặng xị lên, nóng như thế, máy lạnh thì không vì cắt điện rồi, còn 2-3 cái quạt thôi. 2 tháng trời chúng tôi quần nhau tại một cái rạp đang đập dở thì bạn biết vất vả đến như nào. Chúng tôi chỉ dám thuê rạp Đại Nam trong 3 ngày tổng duyệt. Cũng may, tập thể diễn viên của Nhà hát là những người rất yêu nghề. Cuộc sống còn khó khăn nhưng họ vẫn sống chết vì nghề. Họ vào cuộc và làm quen rất nhanh. Tuy chưa phải cái gì quá tuyệt mỹ nhưng tôi rất yên tâm, rất vui về cách diễn của họ, rất khâm phục và trân quý họ.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!