Văn chương Việt Nam Những nhà thơ thế kỷ XX: Tú Xương trào phúng gặp trữ tình không hẹn trước
Truyện - Ngày đăng : 15:14, 12/07/2019
Tên hồi nhỏ là Trần Duy Uyên. Năm 15 tuổi, khi đi thi Hương lần đầu tiên, đã đổi là Trần Tế Xương. Trong suốt cuộc đời 37 năm, Trần Tế Xương tham dự tất cả các khóa thi Hương, nhưng chỉ có một lần đỗ tú tài, khóa 1894 mà thơ Nôm của ông thì ngày càng được truyền tụng rộng rãi.
Tên hồi nhỏ là Trần Duy Uyên. Năm 15 tuổi, khi đi thi Hương lần đầu tiên, đã đổi là Trần Tế Xương. Trong suốt cuộc đời 37 năm, Trần Tế Xương tham dự tất cả các khóa thi Hương, nhưng chỉ có một lần đỗ tú tài, khóa 1894 mà thơ Nôm của ông thì ngày càng được truyền tụng rộng rãi. Người đời quen gọi ông là Tú Xương và coi thơ ông là một đặc sản của thành Nam “đọc thơ Xương ăn chuối ngự". Ông sinh sau Nguyễn Khuyến 35 năm (1870) và mất trước Nguyễn Khuyến hai năm (1907). Ngày tang ông, nhà thơ đại khoa có đối viếng ông nhà thơ tú tài. Khâm phục, chân tình biết bao:
Kìa ai chín suối Xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn
Tâm hồn phóng khoáng và trí tuệ sắc sảo của Tú Xương quả không thể khuôn vừa cái vòng thi cử chật hẹp và lạc hậu thời Nho mạt. Khoa cử lận đận là nỗi hận lớn của Tú Xương nhưng lại góp phần quan trọng làm bộc lộ tài thơ Tú Xương, tạo nên giọng thơ trào phúng hào sảng, bắt hiện hình lên cả một xã hội nhố nhăng Tây Tầu, hung hăng dốt nát, hợm hĩnh tôi đòi, rất thảm hại. Mặt khác, tình thế kẻ tài năng lạc thời Vay nợ lắm khi tràn nước mắt/ Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi lại cho ông sức thông cảm sâu sắc và cái nhìn thấm thía vào thảm cảnh đất nước và cuộc sống lầm than của mỗi đời dân. “Nói dại" nếu Tú Xương thi cử lại thành đạt rồi nhận chức quan to quan bé nào đó thì chắc nền thơ nước ta chẳng thể có được một giọng trào phúng phóng khoáng, một tài năng ứng tác nhanh nhạy, nhọn sắc đến thế. Riêng cái mảng thơ thi cử thời ấy, ai mà thay Tú Xương được Tấp tểnh người đi tớ cũng đi/ Cũng lều cũng chõng cũng đi thi. Thi mãi, trượt mãi, hóa nhàm, ba năm một khóa, đến hẹn lại thi, thì thi. Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ. Trông bộ dạng ông đi thi đã buồn cười. Nên ông quan trường cũng thành thứ thét lạc ậm ọe. Nào có ra gì cả lũ. Thì từ gốc rồi Nào có ra gì cái chữ Nho/ Ông nghè ông cống cũng nằm co. Tú Xương tự than. Câu thơ nhẹ nhõm như tự đến. Có giai thoại kể vừa xướng danh xong đã nghe ai đọc Năm nay đỗ rặt phường hay chữ. Câu thơ như một lời bình luận tự phát của một người am hiểu nội tình, đủ xổ toẹt kết quả một phen kén hiền tài. Thằng hỏng đã nhục, thằng đỗ còn nhục hơn:
Một đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng
Tú Xương có mặt trong đám ấy đấy. May là trong đám thằng hỏng, ông tự xỉ vả mình nhưng khóa sau, nhà nước mở, ông lại thi. Thi như một bản năng sinh vật của cái loài gọi là sĩ tử. Mà Tú Xương thì giàu bản năng lắm cho nên ông mới lắm chuyện để viết. Xuân Diệu phát hiện Tú Xương có cái tài “làm những câu thơ vặt vãnh thành những câu thơ hay". Nói bao quát hơn là làm những thứ vặt vãnh thành những câu thơ hay. Mà tài năng là vậy. Trong cõi tâm hồn, chẳng có gì là vặt vãnh cả. Đi hát mất cái ô. Chuyện ấy, mấy ai làm thơ. Đến mất ví, trong ví có nhiều tiền, việc đáng làm là viết đơn trình công an. Làm thơ, dễ thành anh bủn xỉn. Trong các thứ mất, có lẽ mất người yêu, là có thể thơ được, nước mắt nước mũi còn có giá trị tình cảm. Chứ mất ô, lại mất ở cái chỗ cũng không đáng khoe. Ấy thế mà ông Tú làm thơ, cũng đủ các thứ chi tiết như cái đơn trình sở cẩm việc mất của trong sáu câu đầu (xem bài tuyển) nhưng đến hai câu cuối: Sợ khi rày gió mai mưa/ Lấy chi đi sớm về trưa với tình thì thoắt một cái, sự tích cái ô còn đấy nhưng tình cảm bài thơ đụng đến ta lại hoàn toàn trong cõi tinh thần. Ấy là lòng tin, không, rộng hơn, phải là lòng tin yêu giữa con người với nhau. Đấy, cái vặt vãnh Tú Xương nó ở cái dạng như vậy:
Trời không chớp bể với mưa nguồn
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn
Cái này thì không vặt vãnh. Nó là cái lơ mơ, cái man mác, không thành hình thành khối chiếm vào không gian tâm trí nhưng nó thường trực. Ông Tú Xương có nỗi buồn thường trực mà tôi dám chắc không phải nỗi buồn hỏng thi đau quá đòn thù, rát hơn lửa bỏng. Nỗi buồn này không rát, không đau mà bàng bạc, cao, xa, thăm thẳm. Nó làm nền cho tiếng gọi đò đêm trong bài Sông Lấp:
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
Nó tạo nên nỗi quạnh vắng trong bài Lạc đường:
Hỏi người chỉ thấy non xanh ngắt
Đợi nước càng thêm tóc bạc phơ
Hỏi người, đợi nước! Tóc bạc phơ, thôi đành chịu. Nhưng sao sợ quá cái màu núi thượng du xanh ngắt kia. Nó dày đặc, nó sâu hút, nó vô vọng. Chỗ để Tú Xương cất lên mạch trữ tình là những nỗi niềm ấy. Nó là nỗi đau của thời thế, của dân nước và cũng của riêng ông nữa:
Cha một nơi mà con một nơi
Bấm tay tháng nữa hết năm rồi
Riêng hệ lụy của cái sự hỏng thi, suốt đời ăn lương vợ, đã là bao nhiêu cung bậc trữ tình buồn.
Trong bài thơ Thương vợ:
Trong bài thơ Thương vợ:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Mượn giọng vui để nói lòng thương vợ. Cộng 5 con với 1 chồng thì nó ra cái đơn vị gì. Nó ra 6 cái tàu há mồm. Tú Xương muốn tếu táo giọng vui quen thuộc khi nói tới vợ con. Nhưng câu thơ cứ chạm vào nước mắt. Công việc thường ngày của bà Tú đã đủ vất vả hiểm nguy. Chất liệu làm nên câu thơ đủ nói lòng biết ơn chứ ông Tú, ở mảng này, ít khi để thơ nói ra lời:
Lặn lội thân cò, khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước, buổi đò đông.
Chỉ khi ông Tú thú tội mình thì ông mới nói ra lời, nhiều khi nặng lời như mắng nhưng sao vẫn trong giọng vui, tưởng như nghe xong là sạch tội. Nhưng có điều này, đôi lúc như ông vô tình chợt hé lòng mình, điều không định nói lại lộ ra nhỡn tiền thiên hạ. Buồn mình thi hỏng mãi, ông than:
Đeo tiếng văn chương cho thế mỉa
Cực lòng cha mẹ đẻ con ra
Than như câu trên, một ông thông tuệ xuất khẩu thành thơ, mà 8 khoa liền từ 1885 đến 1906, trước hỏng sau hỏng, chỉ một khoa năm 1894 trúng cái tú tài thì đời nó cũng dễ mỉa mai lắm chứ. Nhưng đến câu sau chạnh nghĩ đến nỗi lòng cha mẹ, vẫn cứ luôn mong ngóng sự thành đạt của mình trong chừng ấy năm trời, câu thơ bỗng nhiên thống thiết. Có lẽ, với Tú Xương, trong nỗi đau hỏng thi đây là nơi đau nhất. Ngay cả lúc Mai không tên tớ tớ đi ngay/ Giỗ tết từ đây nhớ lấy ngày Quyết liệt thế, cực đoan thế nhưng mà chia sẻ được. Kêu lên để được chia sẻ thôi. Chứ ở đây, nỗi cực của lòng cha mẹ... Đau, mà không san sẻ cho ai được. Chỉ tự mình, cứ từng trải dần mà cảm nhận được thôi. Mạch trữ tình Tú Xương thường xuất hiện theo dạng thức ấy. Như bật lên bất ngờ từ một ngóc ngách tâm tư, có khi ngay giữa lúc đang cười mà nhận ra thì ứa nước mắt:
Bức sốt mà mình vẫn áo bông
Tưởng rằng ốm nặng hóa ra không
Một tuồng rách rưới con như bố
Thì đáng cười hay đáng khóc. Cả hai đều đáng. Trào phúng hay trữ tình trong thơ Tú Xương như anh em sinh đôi.
Bài thơ Áo bông che đầu như một hồi âm mờ gửi cố nhân xa nhưng sao lại dội lên một hòa âm trong trẻo, phiêu dạt và bao la trùng điệp thế:
Người đi Tam Đảo Ngũ Hồ
Kẻ về khóc trúc than ngô một mình
Non non, nước nước, tình tình
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ
Điều này chắc chỉ ông Tú biết. Mà có khi ông cũng chả biết. Thơ tự vận động trong tiềm thức. Tự đến và tự đi. Khởi thủy nó là hiện thực là áo bông che đầu nhưng kết thúc nó khóc trúc thương ngô như tình sử phi thực ở bên... Tàu! Người viết lẫn người đọc đều ngơ ngẩn ngẩn ngơ nhìn theo bóng chữ rất vu vơ và cũng rất thơ. Thơ của tình thế ấy.
Thơ Tú Xương ôm chứa khá rộng hiện thực cuộc sống thường ngày. Ông có năng khiếu phát hiện chất thơ nhanh như một nhà báo tìm ra tin nóng trong nhiệt độ của thường ngày. Rồi từ cái thực ấy ông mang ta vào một cõi xa, có khi xa hút, quay lại không thấy thực đâu. Ta đang cười cợt vui đời bỗng thành người nghĩ ngợi. Và lại hiểu cuộc đời cao (hay sâu) thêm một cấp.
Tú Xương là nhà thơ Việt Nam cường tráng nhất đầu thế kỷ XX. Ông cũng là nhà thơ cổ điển đầu tiên tung hoành trong đề tài thành thị thoải mái nhẹ nhàng như cá bơi trong nước. Chất thơ của Tú Xương là chất thơ trực tiếp, không cần một thứ trang sức mỹ lệ hóa nào. Sự kiện, nhân vật ngoài đời vào thẳng trang thơ. Thơ mà như phóng sự điều tra. Đọc ông như đọc nhật trình thời ấy. Ngoài thu nhận thẩm mỹ thơ, còn biết lắm việc đời. Chỉ những tài năng có cảm xúc mạnh, có hồn thơ thường trực mới có bút lực ấy. Có bài tưởng như Tú Xương lỡ mịệng mà nói thành thơ. Ngôn ngữ thơ ông là ngôn ngữ thường ngày, không điển cố, không Hán tự nhưng được dùng chính xác và đầy sáng tạo. Sức phổ cập của thơ Tú Xương do vậy rất lớn. Cùng với Nguyễn Khuyến và bạo hơn Nguyễn Khuyến, Tú Xương đã xóa đi cái ranh giới giữa bình dân với bác học của ngôn ngữ lẫn văn chương.