Chuyện ít biết về Tết Trung thu
Tin tức - Ngày đăng : 16:49, 10/09/2022
Mâm cỗ trông trăng
Ở Hà Nội xưa, dịp Tết Trung thu, tùy theo gia cảnh song nhà nghèo cũng phải bày một bàn cỗ, nhà khá giả bày tới ba bàn. Ở bàn thứ nhất có ba ông trạng xếp hàng ngang, ngồi giữa là ông Tiến sĩ mặc áo, đội mũ, cân đai, cờ biển; hai bên là ông Thám hoa và Bảng nhãn. Trước mặt các vị Tam khôi có chiếc án thư thu nhỏ, bên trên đặt một bộ ấm chén cùng nậm rượu. Bên cạnh là giá gỗ cắm cờ biển, hèo roi theo nghi thức một đám rước quan nghè vinh quy bái tổ.
Bên phải các vị Tam khôi là con ngựa giấy thắng đủ yên cương, có chiếc võng ba đòn với bốn phu khiêng. Tại sao người Hà Nội lại đặt các vị Tam khôi ở hàng đầu? Vì họ mong muốn con cháu học hành đỗ đạt, làm quan sẽ đổi đời và mang lại danh tiếng cho gia đình, dòng họ. Với gia đình sùng bái thần Phật, người ta sắm bộ đình, chùa bằng nan phủ giấy hay gỗ tiện. Đồ gỗ thì sắm ở Hàng Tiện (tương ứng từ đầu Hàng Gai đến cuối phố Hàng Đào ngày nay), còn đồ bằng giấy thì mua ở Hàng Mã.
Chiếc bàn thứ hai bày ba đĩa sứ men nhạt lót lá trắc bách diệp giả làm rong rêu. Trên bàn đặt những con giống thủy sinh gồm tôm, cua, lươn, trạch, ếch, nhái, ba ba cho đến cá trắm, cá chép, cá trê, cá quả… làm bằng bột nếp ngào đường mua ở phố Hàng Đường. Những con giống này được tô màu trông sống động như thật, trẻ con chơi xong có thể ăn. Chiếc bàn thứ ba bày hoa lá cắt bằng lụa, giấy và các con giống tỉa bằng hoa quả, vỏ bưởi như chó, thỏ, chim… Xen kẽ là đĩa bánh khảo, bánh dẻo, bánh nướng có chữ “Trung thu nguyệt bính”. Tối ngày rằm, cả gia đình bày cỗ trước cửa nhà, trăng lên cùng nhau ăn bánh, uống trà, thưởng thức trăng thanh gió mát.
Sau khi phá cỗ, trẻ em bê các con giống cùng đèn đuốc bày ra hè đường, vừa ăn vừa xem rước rồng, múa sư tử. Nhà khá giả treo sẵn bánh pháo, thấy đoàn múa đi qua là đốt, tức thì họ dừng lại rồi vào múa. Để đoàn múa lâu hơn, chủ nhà treo bao đỏ bên trong có tiền lên cao, các thành viên đội múa sư tử sẽ công kênh nhau lấy tiền thưởng.
Những điều ít biết
Ngoài cỗ trông trăng, gia đình nào cũng sắm đồ chơi cho con trẻ, chủ yếu là các loại đèn ông sao, con cá, con thỏ, con cua, đèn cù, trống, mặt nạ…
Đồ chơi dân gian truyền thống gắn với tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa. Cái trống khẩu trẻ con thường gõ “tung tung” ngày Tết Trung thu có gốc gác từ trống đánh ngày hội làng và trong nghi thức rước nước, một lễ hội cổ xưa của nền văn minh lúa nước. Pháo đốt trong đêm Trung thu, đám tang, đám cưới, Tết Nguyên đán, tế lễ Thành hoàng làng, xa xưa dùng để khu tà, trục quỷ. Đèn con cá theo văn hóa Trung Quốc để xua đuổi con cá yêu tinh. Đèn ông sao phỏng theo thuyết Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ… Theo thời gian, nhận thức về tự nhiên, xã hội thay đổi nên nhiều yếu tố lạc hậu như ma thuật hay pháp thuật bị loại bỏ.
Từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, hầu hết khung đèn đều làm bằng tre, nứa, mây, bên ngoài dán giấy dó nhuộm màu. Từ cuối thế kỷ XIX cho đến ngày nay, các làng nghề thay giấy dó bằng giấy bóng kính nhập nên ánh sáng lung linh hơn. Nhiều người cho rằng, đèn Trung thu đốt bằng nến nhưng thực tế không phải, vì dùng nến ngọn lửa không đều, lúc to lúc nhỏ. Nếu đứa trẻ vô ý để nghiêng đèn, giấy sẽ cháy. Đèn được đốt bằng dầu ve - loại dầu ép từ quả thầu dầu tía, sau đó cho vào lọ sứ nhỏ có bấc dẫn. Để lọ dầu không đổ, người thợ buộc lọ sứ vào cán bằng dây thép. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, bên cạnh đồ chơi dân gian truyền thống còn có đồ chơi bằng sắt tây.
Những người thợ phố Hàng Thiếc (quận Hoàn Kiếm) và làng Khương Hạ (nay thuộc phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) dùng những miếng sắt bỏ đi làm thành con bướm có thể vỗ cánh, con thỏ tự đánh trống hay Hai Bà Trưng cưỡi voi trên xe có bánh, Thánh Gióng cưỡi ngựa, lại có cả xe tay, ô tô… Đặc biệt, món đồ chơi sắt tây được trẻ con yêu thích nhất là tàu thủy chạy bằng dầu hỏa hoặc đơn giản hơn là gắn miếng xà phòng vào đuôi, xà phòng tan sẽ đẩy con tàu về phía trước.
Xã hội thay đổi nên phong tục cũng thay đổi. Bây giờ, mâm cỗ Trung thu cho trẻ con trông trăng rất đơn giản. Đồ chơi dân gian truyền thống, đồ chơi sắt tây bị đồ chơi nhựa, đồ chơi công nghệ lấn át và có nguy cơ mai một.