Thanh toán không dùng tiền mặt: Ngành Điện làm gì để hoàn thành nhiệm vụ?
Tin tức - Ngày đăng : 11:02, 18/08/2019
Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ, đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt đối với các hóa đơn sinh hoạt như: điện, nước, viễn thông... Đặc biệt, Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hết năm 2019 phải thực hiện tăng gấp đôi số khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt (tương ứng với trên 43% khách hàng của EVN).
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực tích cực phối hợp với các ngân hàng, tổ chức trung gian (NH/TCTG) trong việc thu hộ tiền điện.
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Ví MoMo cho rằng, đây là một trong những mũi đột phá trong giao dịch thanh toán tiền điện, ứng dụng công nghệ thông tin để khách hàng trả tiền điện thuận tiện, nhanh chóng và an toàn nhất.
Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng theo EVN, đến hết tháng 5/2019, mới có gần 28% khách hàng thanh toán hóa đơn điện không dùng tiền mặt. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đang dẫn đầu về tỷ lệ khách hàng lựa chọn hình thức này, với lần lượt là 91,61% và 81,98%.
Thực tế cho thấy, việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng ban Kinh doanh EVN HANOI, thói quen tiêu dùng tiền mặt đã ăn sâu từ lâu, kết hợp với tâm lý lo sợ rủi ro khi giao dịch điện tử, khiến một bộ phận lớn khách hàng, nhất là các khách hàng cao tuổi e ngại sử dụng các hình thức thanh toán mới.
Đối với các tỉnh phía Bắc, nơi dân cư phân bố không đồng đều, trình độ dân cư khá chênh lệch, theo số liệu của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), hiện mới chỉ có 8,96% tổng số khách hàng lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo ông Lê Quang Thái, Tổng Giám đốc EVNNPC, các NH/TCTG chủ yếu tập trung tại khu vực đông dân cư, do đó, việc tiếp cận với nhóm khách hàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa, nông thôn rất khó khăn. Đặc biệt, một số NH/TCTG vẫn chủ yếu triển khai việc thu bằng tiền mặt.
Ngoài ra, công tác truyền thông, quảng bá về thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa thực sự thu hút, thuyết phục khách hàng. “Người tiêu dùng vẫn chưa tin vào thanh toán điện tử nên thận trọng trước khi sử dụng dịch vụ” - ông Nguyễn Bá Diệp bi quan.
Những giải pháp căn cơ
Hiện nay, ngành Điện đã, đang phối hợp với các tỉnh, thành phố vận động CBCNV hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt như: Trích nợ tự động, mobile banking, Internet banking, thanh toán trực tuyến trên website của điện lực…
EVN cũng giao chỉ tiêu thực hiện cụ thể cho từng công ty điện lực, xây dựng kế hoạch và giám sát triển khai cụ thể theo đặc thù địa bàn quản lý bán điện.
Cùng đó, nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ và tích cực tuyên truyền cho người sử dụng điện lựa chọn những giải pháp mới, thuận tiện như: QR code, ví điện tử, mobile payment, mPOS,... và nâng cấp các phần mềm quản lý, kiểm soát thanh toán tiền điện như kho dữ liệu dùng chung, chấm xóa nợ…; quảng bá, tuyên truyền về việc sử dụng các dịch vụ điện mức độ 4 để các khách hàng biết và sử dụng.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phải có cơ chế khuyến khích từ cơ quan quản lý nhà nước và cần có sự phối hợp chặt chẽ 3 bên: điện lực, khách hàng và đối tác thanh toán.
“Các NH/TCTG cần hợp tác chặt chẽ cùng ngành Điện trong việc thực hiện các chiến dịch truyền thông, xây dựng các chương trình khuyến mại, phát triển các tiện ích giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận các hình thức thanh toán hiện đại” - ông Nguyễn Bá Diệp bày tỏ.
Còn ông Lê Văn Mạnh - Giám đốc Viettel Pay Hà Nội cho rằng, Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp căn cơ để khuyến khích, hỗ trợ và định hướng nền kinh tế hướng tới việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, xây dựng một cơ sở hạ tầng tiện lợi, an toàn, nhanh chóng cho người dùng cũng là một giải pháp quan trọng.