Nhớ bát cơm nguội chan nước phở
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 08:00, 11/09/2022
Theo “lệnh” của mẹ, tôi treo chiếc cặp lồng vào ghi đông xe đạp rồi hối hả phóng ra cuối phố Hàng Than, chỗ trông sang bốt Hàng Đậu. Ở góc phố đó, cứ tầm trưa là bà Tâm gánh gánh phở đến ngồi ở đó. Gánh phở bà Tâm hay lắm, một bên là chiếc chạn nhỏ bằng gỗ, nhỏ nhưng có những ba tầng.
Tầng trên cùng đựng bánh phở đã thái sẵn, một con gà đã luộc chín béo vàng ngậy, mới chỉ nhìn thấy thôi mà nước miếng trong mồm tôi đã ứa ra. Tiếp đó là các thứ gia giảm như hành lá rửa sạch bó thành túm, mắm muối... Tầng thứ hai là chỗ bà Tâm để những chiếc bát úp khô cùng thìa đũa cắm trong ống tre. Còn tầng cuối là dao là thớt cùng những đồ lặt vặt khác. Đầu bên kia quang gánh là nồi nước phở đặt trong chiếc thúng được lót bằng bao tải gai để giữ nhiệt. Phở gánh bà Tâm giá hai hào một bát.
Bà Tâm nhoẻn cười khi thấy tôi phanh khựng xe đạp, làm chiếc cặp lồng va vào cổ phốt lạch cạch. Bà đon đả hỏi: “Mua cho người ốm hả?”. Tôi ngỡ ngàng hỏi lại: “Sao bác biết cháu đi mua phở cho chị cháu bị sốt?”. Bà Tâm vẫn đều tay thái thịt gà: “Bác bán phở có kinh nghiệm rồi. Người đói thì ngồi ăn tại chỗ. Mua về thì chắc là ở nhà có người ốm”. Miệng nói, tay bà với lấy túm hành đang treo toòng teng trên đầu quang gánh rồi tay kia đưa dao cắt xoẹt một cái, tức thì mấy cây hành lá đã nằm gọn gàng trên chiếc thớt gỗ nhỏ. Tiếng thái hành nghe gời gợi, mùi hành hăng hăng xộc lên làm tôi hắt hơi mấy cái liền.
Bà Tâm với tay lấy chiếc bát con gà (gọi như vậy là vì thân bát vẽ hình con gà trống men màu xanh, cũng có người gọi là bát chiết yêu vì miệng bát rộng, thân bát vuốt nhỏ về đáy). Tôi thấy vậy vội nhắc: “Cháu mua về cho chị cháu bị sốt cơ mà”.
Bà Tâm ngẩng lên, chậc chậc lưỡi kiểu như biết mình vừa làm nhỡ điều gì rồi mắng át: “Tại mày không chịu đưa cho bác chiếc cặp lồng”. Tôi bấy giờ mới ớ ra, vội vã đưa cặp lồng cho bà, không quên nói thêm: “Mẹ cháu dặn cháu nói với bác nhớ cho thêm tí nước ạ”.
Bà Tâm cười tủm tỉm rồi nhấc he hé vung nồi nước phở ra. Hơi nước bốc lên lan tỏa mùi thơm quyến rũ. Bà thoăn thoắt thao tác, loáng cái đã đưa chiếc cặp lồng phở cho tôi: “Đậy cái nắp cặp lồng lại rồi đạp ù mang về nhà cho nóng. Người ốm ăn nóng mới ra mồ hôi. Ra được mồ hôi là nhanh khỏe…”.
Tôi đứng bên cạnh giường len lén nhìn mẹ san phở từ cặp lồng vào bát ô tô. Mẹ đưa cho chị: “Con chịu khó ăn nóng nhé. Ăn nóng mới ra được mồ hôi”. Rồi mẹ ngẩng lên nhìn tôi lúc ấy đang đứng ngẩn mặt thòm thèm, bảo: “Nhà còn cơm nguội đấy. Con xới một bát mang ra đây cho mẹ”. Chưa hiểu ý mẹ muốn gì nhưng tôi cũng vội vàng đi xới bát cơm nguội. Mẹ tôi nói: “Đưa bát cơm cho mẹ nào”. Tôi vội vàng làm theo. Mẹ hơi nghiêng chiếc cặp lồng, cẩn thận rót nước phở còn lại vào bát cơm. Mẹ bảo: “Con không ốm thì ăn cơm chan nhé”. Chị tôi thấy vậy giơ đũa lên vời vời tôi lại gần, gắp cho tôi mấy miếng thịt gà rồi cười khích lệ: “Ăn đi em”.
Tôi bưng bát cơm chan nước phở nóng lên. Mới đưa gần tới miệng đã thấy thơm ngon vô cùng. Thế là tôi xúc từng thìa đầy cơm cho vào miệng. Chao ôi, cơm nguội mọi khi tôi chẳng chịu ăn vì chê cứng, không ngon, vậy mà bây giờ ngon không thể tả. Nước phở nóng khiến tôi phải vừa ngậm thìa cơm vừa phùng má thổi hơi cho nguội. Lúc ấy tôi mới hiểu vì sao mẹ tôi dặn xin thêm nước phở. Loáng một cái bát cơm nguội đã hết vèo. Tôi lí nhí hỏi: “Mẹ ơi! Nước phở còn không?”. Mẹ cười, mắng yêu: “Ngon lắm phải không?”…
Rất nhiều năm đã trôi qua. Phở bây giờ không còn là món ăn “chỉ dành cho người ốm”. Mẹ tôi mất cũng đã lâu nhưng những lần con cháu tụ tập, bày trò ăn uống thì thể nào chị tôi cũng làm món phở gà. Khi mọi công đoạn chuẩn bị hoàn tất, chị đặt lên ban thờ cúng cha mẹ và không quên nhắc tôi: “Nhà cậu có còn cơm nguội không đấy?”. Có lẽ chị cũng như tôi, chẳng bao giờ quên được hương vị bát cơm nguội chan nước phở nóng, ngon đến không gì ngon hơn!