Tại sao Hồ Xuân Hương không khóc Tham hiệp Trần Yên Quảng mà khóc ông phủ Vĩnh Tường?

Tản văn - Ngày đăng : 21:54, 28/04/2022

Chắc không ít bạn đọc cũng sẽ băn khoăn như chúng tôi. Chính vì nhan đề bài thơ là Khóc ông phủ Vĩnh Tường, và nội dung bài thơ có nhắc hai lần đến ông phủ Vĩnh Tường: “Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi!” mà nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn đã thận trọng xếp bài này vào mục tồn nghi! ( Đào Thái Tôn, Hồ Xuân Hương tiểu sử văn bản tiến trình huyền thoại dân gian hóa”, NXB Hội Nhà văn 1999, trang 350-351).
Theo sách của Hoa Bằng, ông phủ Vĩnh Tường là một thủ khoa không rõ tên. Ông được Xuân Hương ra đề làm bài thơ Thạch liên thiên (Đá liền trời). Ông bí quá chỉ viết được mấy chữ “Thiên thạch nguyên lai”. Nghe con hầu của Xuân Hương nói mát, ông phát uất, ngã bổ nhào xuống đất. Người em vội đỡ dậy, an ủi, rồi nối hộ thành 2 câu:

Thiên thạch nguyên lai bản thậm huyền

Nhất triêu vân vũ, thạch liên thiên”

Nghĩa là những đá do trời sinh ra nguyên lai vốn huyền bí lắm, một sớm kia trải qua “mây mưa” thì sắc đá lẫn với da trời trông như liền nhau.

Khi tỉnh dậy, ông thủ khoa gắng làm nốt bài thơ, được Xuân Hương khen là hay và rồi Xuân Hương đẹp duyên cùng ông ấy (Tác giả chú: Đoạn nói về chuyện ông thủ khoa làm thơ “hạch liên thiên này là dựa theo tài liệu trong Nam thi hợp tuyển, quyển nhất, của Nguyễn Văn Ngọc). Người ta truyền rằng ông thủ khoa đó tức là ông phủ Vĩnh Tường sau này (Hoa Bằng – Hồ Xuân Hương nhà thơ cách mạng, nxb Bốn Phương, 1950, tr 18 -20).

TS Đào Thái Tôn cho bài này vào mục nghi vấn, bởi lẽ: “Về bài thơ này, nếu đây là bài thơ khóc viên quan đương chức, làm quan tri phủ Vĩnh Tường thì rõ ràng là không phải của Hồ Xuan Hương. Vì mãi đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) huyện Tam Đái mới đổi tên thành phủ Vĩnh Tường. Điều này không phù hợp với Hồ Xuân Hương đã làm vợ góa ông Tham Hiệp xứ Yên Quảng – đã mất  năm 1819. Bởi lúc ấy, Xuân Hương đã luống tuổi, không thể nào khoác chồng như thế” (Đào Thái Tôn, sách đã dẫn, tr.351). 

Nhà nghiên cứu viết tiếp: “Tất cả các văn bản khảo sát đều chép bài này: Landes 1893; các bạn khắc ván 1909, 1914, 1921, 1922, Xuân Lan 1914; Đông Châu, Văn đàn bảo giám, 1926. Sách đăng khoa lục sưu giảng (A 224) chép bài này như sau:

              “Nghìn năm ông phủ Vĩnh Tường ơi!

Võng giá nghênh ngang xếp cả rồi

Chôn chặt văn chương ba thước đất

Tung hê hồ thỉ bốn phương trời

Vướng chân trong ngục ôm lòng khóc

Chảy máu trên tay mỉm miệng cười

Phú quý công danh thôi phó trả

Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi!”.

Phải nói là  TS. Đào Thái Tôn chặt chẽ và chính xác khó lòng bắt bẻ! Thế nhưng, TS Đào Thái Tôn quên mất một điều rằng Hồ Xuân Hương còn sống đến khi Tam Đái đổi thành phủ Vĩnh Tường năm 1822. Và một điều rất rất quan trọng khác, là Hồ Xuân Hương không thể không khóc ông Trần Phúc Hiển, vì đấy là một người có chữ nghĩa, một bạn tình với tên Mai Sơn Phủ, một bạn đời đem đến cho bà những ngày đẹp đẽ, thong dong. GS Hoàng Xuân Hãn bình rằng khi Xuân Hương làm vợ bé Trần Phúc Hiển “Giai đoạn chừng ba bốn năm, đến năm 1818, thật là khoảng thời gian thỏa mãn nhất của Nàng”.

Và TS Đào Thái Tôn cũng không chú ý đầy đủ đến việc Trần Phúc Hiển là một tội phạm của Triều đình bị xử chết.

Tôi rất quan tâm đến nhận xét sắc sảo và giàu tính thuyết phục của GS. Hoàng Xuân Hãn, khi ông cho rằng: “Chắc vì tiếng chê lẳng lơ ấy và cuối cùng chồng bị tội xử tử, cho nên những văn nhân đương thời và sau không ai giữ lại những chuyện về Nàng trong kí tải của mình, khiến tiểu sử và thi văn của Nàng bị mai một về bút chứng, và chỉ còn lại qua sự xóa nhòa hoặc bóp nắn của kí ức thời gian” (Trích theo Lê Trí Viễn, sách đã dẫn, tr.211).

Và tôi cũng quan tâm đến ngôi “Mộ Giày Thầy Lánh” mà nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng đã cho rằng đó là mộ ông Trần Phúc Hiển ở Tam Kì, Quảng Nam (Nghiêm Thị Hằng, Giải mã bí ẫn nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Nxb Hồng Đức, 2021, tr. 258).

Như vậy, có thể đoán định mà không sai rằng Hồ Xuân Hương khóc chồng là Trần Phúc Hiển, là Tham hiệp trấn Yên Quảng.  Nhưng ông Hiển là tội phạm của Triều đình, nên một cách khéo léo để tránh những dị nghị của người đời, nhà thơ đã  đặt nhan đề “Khóc ông phủ Vĩnh Tường” vừa hợp lí, hợp tình và tránh những đàm tiếu không hay.

         Tuy nhiên, như chúng ta thấy trong một dị bản mà TS Đào Thái Tôn cũng cấp; người ta đã thêm vào những câu mà người vợ yêu quý chồng không ai nỡ nhắc:

Võng giá nghênh ngang xếp cả rồi

Vướng chân trong ngục ôm lòng khóc”

Nhà  nghiên cứu Hoa Bằng cung cấp hai câu dị bản khác:

       “Hạt sương dưới chiếu chau mày khóc”

      “Giọt máu trên tay mỉm miệng cười”

(Hoa Bằng, sách đã dẫn, tr. 19-20).

Nói tóm lại, trong quan niệm khắt khe của dư luận thời bấy giờ, việc liên quan đến tội phạm của Triều đình người ta thường có thái độ lảng tránh. Nhiều người không muốn để lại dấu vết trong kí tải của mình như GS. Hoàng Xuân Hãn viết. Ngay cả người trong cuộc như Hồ Xuân Hương, khóc người bạn tình, người bạn đời mà mình yêu quý cũng có ý né dư luận. Bởi thể mà khóc chồng, khóc ông Tham Hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển,  bà lại viết Khóc ông phủ Vĩnh Tường, mà cũng không phải là Khóc ông phủ Tam Đới, hoặc viết trực tiếp Khóc Mai Sơn Phủ.

          Thì ngay mộ của ông Trần Phúc Hiển cũng có  ghi tên đàng hoàng đâu. Để cho hậu thế nghĩ rằng “Mộ Giày Thầy Lánh” chính là mộ của ông như nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hẳng phỏng đoán!

Có lẽ vấn đề là như vậy chăng?


Arttime