Phồn sinh trường ca hơn mười ba vạn chữ

Truyện - Ngày đăng : 09:02, 19/09/2019

Tôi thực sự ngỡ ngàng và choáng khi cầm tập trường ca “Phồn sinh” viết trong 12 năm từ 1/2002 đến 1/2014 của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Tác phẩm dày 710 trang, khổ 16x24, với 135.745 chữ, 13.127 dòng thơ, và không hề có một dấu chấm dấu phẩy nào, trừ dấu chấm kết thúc trường ca. Đó hẳn là một kỷ lục nghĩa đen bất khả cưỡng, khuất phục người ta theo cách kỷ lục Guinesse.
Phồn sinh trường ca hơn mười ba vạn chữ
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu


Tôi gặp Nguyễn Linh Khiếu lần đầu ở báo Văn nghệ trẻ cách đây gần 20 năm. Ngày ấy chẳng hiểu sao những nhà văn, nhà thơ xung quanh bao giờ cũng xuýt xoa tán dương anh hết lời. Thỉnh thoảng Nguyễn Linh Khiếu cũng cao giọng phán truyền về văn thơ, giọng rất kẻ cả và khí phách.  Có lần Nguyễn Linh Khiếu hứng chí đọc trường ca “Ban mai Diêm Điền”, tôi liền hỏi: “Diêm Điền là gì?” Anh trả lời: “Diêm Điền là một cái thị trấn ven biển”. Tôi bảo: “Một cái thị trấn quê không đủ tầm vóc và tiêu chí cho một trường ca”. Nguyễn Linh Khiếu ấp úng... Tôi càng tin rằng anh chàng có lên gân hết cỡ cũng chỉ là cái gì “đuôi đuối”. Nhưng thật không ngờ, như người đời bảo nhìn quả biết cây. Tập trường ca “Phồn sinh” hơn 13 vạn chữ của anh, có vài người đã báo trước mà tôi không hề tin đã hiện diện trong tay và trước mắt tôi. 

“Phồn sinh”, tập trường ca của Nguyễn Linh Khiếu trải ra một chiều rộng mênh mông bề thế, nó bao gồm quê hương thổn thức, thẫn thờ, yêu dấu và cay đắng, mở ra vẻ đẹp của vũ trụ lộng lẫy, huy hoàng, thiên nhiên tươi thắm sinh sôi nảy nở và u hoài đắm đuối, nối sang những vấn đề bức thiết của con người, giá trị con người như tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng, yêu dấu, thiện ác, tốt xấu, tàn bạo, độc tài, quần chúng và vĩ nhân, chiến tranh và hòa bình, vinh quang và điếm nhục, hạnh phúc và cay đắng... Trong trường ca này, Nguyễn Linh Khiếu đã mở tay hết sở trường tiến sĩ triết học của mình, anh khai mở, diễn dịch, lật xới, luận bàn, minh định, phán quyết trôi chảy từng chi tiết những vấn đề triết lý.

Với chiều rộng, “Phồn sinh” rất mênh mông, nhưng chiều rộng đó không bị xem là cấu trúc lan man để thay thế chiều dọc. Tập trường ca đi xuyên suốt từ một tình yêu. Một tình yêu nửa thực nửa hư vào lúc Nguyễn Linh Khiếu mở màn nghiên cứu đạo Islam. Trên hành trình tình yêu đó, thi nhân, triết gia không bỏ lỡ cơ hội nào để nhìn ngắm vũ trụ cũng như đưa ra những câu thơ triết lý về vũ trụ, thiên nhiên, con người, tôn giáo và văn hóa... Nhà thơ mở màn trường ca như một xuất sắc của vấn đề triết học:

“vì sao ta sinh ra trong cõi đời này/ ta sinh ra mang thông điệp gì/ ta sinh ra với sứ mệnh gì” 
Nhà thơ tả quê hương xứ sở của mình:

“ta sinh ra nơi mở cửa sông Hồng/ nước rực đỏ cuồn cuộn dâng trào hùng tráng những bến bờ/ nước hơi phới ngập tràn cồn cao sinh lực/ nước dựng đứng kiên cường phấp phồng sức sống”

Phồn sinh trường ca hơn mười ba vạn chữ
Nhưng trong cái nhìn về khung cảnh tươi tắn lộng lẫy của châu thổ sông Hồng, nhà thơ luôn chất chứa một dư vị ngậm ngùi sâu thẳm về sự nghèo khổ của những dân quê chân chất.

Nhà thơ tả chiến tranh dài không dứt, không thể ra nổi quỹ đạo vòng tròn của cuộc chiến như một chiếc đèn cù. Và tác giả không lấp liếm che đậy nhãn quan của mình về chiến tranh. Với Nguyễn Linh Khiếu, dù ai vinh quang, ai bi tráng, ai chiến thắng, ai thất bại thì cuối cùng nhân loại đều thua tuyệt đối.

Nhà thơ cũng liên tưởng và nhìn sâu xa hơn vào nguồn gốc khởi động của cuộc chiến. Cái nhìn phản chiến của tác giả thật quyết liệt, rõ ràng, đó chính là nhãn quan bảo vệ cuộc sống, xua đuổi tẩy chay chiến tranh, để khao khát hòa bình cho cuộc sống. 

Đứng trước một cô gái xinh đẹp, nhà thơ không bao giờ đơn giản coi đó là nhan sắc, mà anh ngắm nàng như một tấm gương, một hình ảnh tha nhân, cũng như tưởng qua nhân loại mà mình đối diện để thấy cuộc sống mang nhiều ý nghĩa nhân văn hơn.

Cuộc đời càng đẹp, càng khao khát, càng đắm đuối yêu đương nồng nàn, càng hừng hực sức sống luyến ái của phồn sinh thì tác giả càng nhìn thấy những nguy cơ của chiến tranh và bạo lực bóp nát cuộc đời. Nhà thơ không chỉ đau đáu về số phận lay lắt, yểu mệnh, tang thương của nhân loại trong cuộc chiến, mà anh còn thao thức về giá trị con người được nâng từ hàng nô tài lên con người tự do làm chủ vận mệnh của mình. 

Một thời đại, một thế giới sẽ xấu xa, ô trọc nếu không có tình yêu. Không có tình yêu, tâm hồn con người sẽ không được hoán cải, sẽ trở nên thô kệch, quê mùa, không thể nào với tới cái đẹp, nhà thơ tự nhận ra: Có tình yêu, tình yêu với nàng sẽ tinh chế cả thể xác lẫn tâm hồn của thi nhân. Và từ nay thi nhân bắc một nhịp cầu tình yêu nối vào giữa tha nhân cùng nhân loại. Lúc đó tình yêu không đơn giản là tình yêu đôi lứa nữa mà nó biến thành quốc lộ tình yêu của cá nhân đi vào nhân loại.

Một trường ca vạm vỡ, với tầm vóc như vậy, chúng ta không thể không bàn đến bút pháp. Rõ ràng, trong trường hợp cụ thể này, tác giả phải chịu đựng cái nhìn ráo riết chặt chẽ của một cửa ải, khó như con lạc đà chui qua lỗ kim.

Thi ca theo truyền thống phương Tây không có cách nghĩ “quí hồ tinh bất quí hồ đa” như thơ phương Đông. Ở phương Tây, thơ ngắn nhất có lẽ là thể sonnet, là 14 câu. Trong khi đó, tứ tuyệt chỉ có 4 câu. Hoặc Haiku ở Nhật Bản chỉ có 2 câu. Có một trào lưu thi ca Âu - Mỹ quan niệm: thi ca là hãy viết, viết tuôn chảy ào ạt, viết xô dạt giấy mực, cho đến khi nào không viết được nữa thì thôi. Đây chính là cách mà thi nhân Nguyễn Linh Khiếu đã sử dụng trong trường ca “Phồn sinh” của mình. Anh viết không chỉ tuôn trào trôi chảy toàn bộ năng lượng cảm xúc, mà đôi khi tuôn trào hết từ tư tưởng đến tri thức, đến tất cả các cái nhìn, cách quan niệm, triết lý về cuộc đời, về vũ trụ, tình yêu, nhân sinh, chiến tranh, hòa bình, quyền lực, vinh quang, tự do, dân chủ, nữ quyền, tội ác và độc tài...

Đây vừa là thế mạnh, nhưng cũng chính là hạn chế của tác phẩm. Một mặt nó bày tỏ được rất nhiều cảm xúc, ngôn từ và ý tưởng vạm vỡ, lớn lao, đằng khác, nó bị lê thê, dài dòng, gây mất tập trung.

Đó là nhược điểm hình thức, nhưng nhìn kỹ nó chính là nhược điểm bắt nguồn từ khả năng hạn chế lôgic của tác giả, một hạn chế phổ biến của các nhà thơ Việt Nam. Đa số các nhà thơ Việt khi viết trường ca thường thiếu vắng cái thiết yếu của lôgic, đó là nhân vật và cốt truyện xuyên suốt. Khi đó làm cho tập trường ca giống như một tổ hợp rời rạc, lắp ghép vào nhau thành một thứ “collection”.

Nhưng tại sao tác giả lại chọn lối viết này? Đó là cách anh muốn bứt phá, chạy vượt đà, và nhảy vọt khỏi thói quen làm thơ vẫn đeo dính, bám chặt lấy hầu hết các nhà thơ của quê hương. Và, Nguyễn Linh Khiếu bằng một nỗ lực phi thường trong 12 năm liên tục đã chạy vượt thoát ra khỏi quán tính bút pháp cũ kỹ của quê hương.

Rút cục tập trường ca “Phồn sinh” là gì? Ít nhất về độ dài, nó đạt tới độ dài, độ đồ sộ của các chủ đề tư tưởng như cuộc sống, tình yêu, chiến tranh, hòa bình, cái ác, cái thiện, độc tài, tự do, dân chủ, bình đẳng, chính nghĩa, phi nghĩa... Ở mức xum xuê nhất, không chỉ nằm trong phạm vi biên giới quốc gia mà còn có tham vọng lan tỏa ra ngoài thế giới.

Thứ hai, nó đã vượt thoát thành công, cũng như chia tay với thói quen, tập quán bút pháp viết những đẽo gọt, bé nhỏ, xinh xinh, đăng đối. Với “Phồn sinh” Nguyễn Linh Khiếu đã đạt tới một ý tưởng vạm vỡ và tiên phong. Bằng nỗ lực khó tin với 710 trang in khổ lớn và hơn 13 vạn chữ, hơn 13 ngàn dòng thơ, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu chí ít đã văng ra rất xa, có thể khẳng định là, đã văng cực xa khỏi truyền thống viết ngàn đời “uống rượu làm thơ”, “rải chiếu làm thơ”, “thơ đối đáp, thù tạc”, “ngâm ngợi’’, “giải khuây”…

Đó là hai điểm chính tôi rút ra từ trường ca này. Nhưng để tìm hiểu thêm những cái hay (hoặc dở) của nó, mời bạn hãy tham gia khám phá công trình hơn 13 vạn chữ của nhà thơ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ triết học Nguyễn Linh Khiếu. Tôi xin nói thêm đây không đơn thuần là một tập trường ca như ta vẫn quan niệm mà “Phồn sinh” chính là một sự tích hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa thơ - văn xuôi - triết học. Tôi tin rằng, khi đọc tập trường ca này, bạn sẽ tự chiêm nghiệm và thấy được rất nhiều điều hơn những gì mà tôi khảo cứu và luận bàn ở trên.

Paul Nguyễn Hoàng Đức