Điều chỉnh các quy hoạch phân khu đô thị: Đáp ứng yêu cầu phát triển
Kiến trúc - Ngày đăng : 13:41, 04/05/2022
Bất cập, thiếu khả thi
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng cho hay, quận nằm trong ranh giới 5 phân khu đô thị, gồm có quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa mới phê duyệt vào tháng 3/2022 vừa qua và 4 phân khu còn lại gồm GS, S5, H2-3, H2-4 đã được UBND TP phê duyệt từ thời điểm năm 2012 – 2015.
Trong đó, quy hoạch phân khu H2-3, H2-4 khi triển khai trên địa bàn quận Hoàng Mai có một số bất cập, thiếu khả thi trong công tác GPMB, nhiều chỉ tiêu quy hoạch chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Cụ thể, khu vực Đầm Bông, Đầm Sòi (phường Định Công) theo quy hoạch quận Hoàng Mai năm 2005 có chức năng sử dụng là đất cây xanh khu vực, đồng thời Quy hoạch phân khu H2-3 được duyệt cũng xác định khu vực này có chức năng cây xanh khu vực, có bổ sung chức năng công trình công cộng hỗn hợp.
Tuy nhiên, ô đất hiện trạng đang là đất trống (đất nông nghiệp) và đất ở hiện có, trong đó khu vực dân cũ dọc hai bên ngõ 192 phố Lê Trọng Tấn là dân cư cũ lâu đời của xã Định Công, nguồn gốc đất là đất ở làng xóm. Do đó, việc xác định ô đất trên trong quy hoạch là đất cây xanh khu vực đã gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng…
Bên cạnh đó, một số ô đất khi lập quy hoạch chưa khảo sát kỹ dân đến khó khả thi khi thực hiện theo quy hoạch như ô đất C1/TH3 trong Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp có hiện trạng là đất nghĩa trang, ô đất F4/TH2 Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm liên quan đến công trình di tích Đình Bằng A nên việc thực hiện công tác GPMB đầu tư xây dựng theo quy hoạch khó khả thi.
Tương tự, quận Bắc Từ Liêm thuộc các phân khu đô thị gồm S1, S2, GS, H2-1 và quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Phó Chủ tịch UBND quận Ngô Ngọc Vân nêu, trên địa bàn có những khu dân cư đã ổn định lâu đời như Tổ dân phố Nhật Tảo 4, Tân Xuân 3, Tân Xuân 4, Tân Xuân 5, cụm công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm nhưng theo quy hoạch xác định là khu công viên cây xanh, hành lang cây xanh cách ly. Ngoài ra, theo các quy hoạch phân khu, một số khu vực được quy hoạch với chức năng là đất an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, theo rà soát của quận các khu vực này lại là các khu tập thể Viện Đo lường, tập thể quân đội 695… đã phân cho cho cán bộ chiến sĩ và được cấp “sổ đỏ”. Điều này dẫn đến tính khả thi trong quá trình thực hiện cũng như công tác quản lý xây dựng trên địa bàn quận gặp nhiều khó khăn.
Trước những bất cập, các quận đều có chung đề xuất TP xem xét điều chỉnh các phân khu đô thị nhằm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, làm cơ sở triển khai lập quy hoạch chi tiết tại các ô quy hoạch cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện có. Đồng thời đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các dự án vườn hoa, cây xanh để cải tạo môi trường, phát triển dịch vụ công cộng phục vụ Nhân dân.
Đối với huyện Thanh Trì đang thực hiện đề án phát triển lên quận, với nhiều tiêu chí đòi hỏi rất cao, trong khi nhiều chỉ tiêu trong các quy hoạch chung của huyện và quy hoạch phân khu đô thị chưa cập nhật đầy đủ, cần phải rà soát, điều chỉnh phù hợp. Do đó, huyện cũng đã có đề xuất UBND TP sớm tổ chức rà soát, điều chỉnh bổ sung những bất cập trong các quy hoạch phân khu như S4, S5, H2-3, H2-4... theo hướng tăng diện tích đất đô thị, tăng chiều cao và mật độ xây dựng với mục tiêu phát triển thương mại, dịch vụ và đầu mối giao thông đáp ứng yêu cầu mới.
Chậm rà soát do quá nhiều đồ án
Theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị đều yêu cầu rà soát định kỳ để đánh giá quy hoạch đô thị, nhằm điều chỉnh phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội. Ngân sách địa phương cũng có khoản chi cho hạng mục này. Định kỳ rà soát đối với quy hoạch phân khu là 5 năm kể từ ngày quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều đồ án quy hoạch phân khu đô thị được lập gần 10 năm nhưng đến nay chưa được rà soát, điều chỉnh định kỳ theo quy định mà chủ yếu điều chỉnh cục bộ các quy hoạch này.
Lý giải về nguyên nhân của việc chậm trễ này, đại diện Sở QH – KT Hà Nội cho biết, từ sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt đến nay, trên địa bàn TP đã phê duyệt 38/38 đồ án (gồm 3 đồ án do Bộ Xây dựng tổ chức lập, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 35 đồ án do TP lập, phê duyệt), 33 quy hoạch chung huyện, thị trấn, đô thị vệ tinh, 165 quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Trong đó chưa kể đến các đồ án quy hoạch do UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt và đồ án quy hoạch đã được phê duyệt trong giai đoạn trước vẫn còn hiệu lực pháp lý. Như vậy, nếu thực hiện rà soát quy hoạch theo định kỳ thì hàng năm sẽ phải rà soát một khối lượng lớn các quy hoạch đã được phê duyệt.
Cũng theo đại diện Sở QH – KT, việc rà soát thực hiện theo quy hoạch được duyệt phải tổng hợp ý kiến của nhiều sở, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị chủ đầu tư, đơn vị đang quản lý sử dụng đất… khiến mất nhiều thời gian, công sức và ngân sách. Cùng đó, do còn hạn chế về đội ngũ cán bộ công chức thuộc cơ quan chuyên môn về quy hoạch kiến trúc của TP cũng như Phòng Quản lý đô thị thuộc các quận, huyện, thị xã nên công tác rà soát còn chưa được thực hiện đầy đủ với toàn bộ các quy hoạch được duyệt.
“Trong thời gian tới, Sở QH – KT sẽ nghiên cứu, báo cáo UBND TP xem xét việc tổ chức thực hiện rà soát định kỳ các quy hoạch theo quy định” – đại diện Sở QH – KT Hà Nội cho hay.
Qua báo cáo và làm việc với các quận, huyện, Sở KH & ĐT, Sở QH – KT tại đợt giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành trên địa bàn TP Hà Nội vào cuối năm 2021, Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND TP đánh giá công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật trên địa bàn TP còn hạn chế, chưa được TP và các quận, huyện quan tâm đúng mức. Nhiều đồ án quy hoạch phân khu đô thị, các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật được phê duyệt nhưng chưa được rà soát, điều chỉnh định kỳ theo quy định.