“Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu…”

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 20:19, 04/10/2019

Chiếc xe đạp xưa là hiện thân của cả một thời kỳ gian khổ, khó khăn. Giờ đây, khi cuộc sống đã đủ đầy hơn, chúng ta vẫn dành cho những ngày tháng vất vả ấy những ký ức ngọt ngào và thân thương nhất.
Hà nội từng có một thời là “Thủ đô xe đạp”.
“Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu…”

Sự xuất hiện của chiếc xe đạp đầu tiên ở Hà Nội là vào đầu thế kỷ 19. Khi người Pháp xâm chiếm Hà Nội và biến Hà Nội thành nhượng địa thì công chức Pháp là những người đầu tiên mang xe đạp đến Hà Nội để phục vụ cho việc đi lại. Đến những năm 1918-1919, ở Hà Nội đã có khá nhiều xe đạp.

Sau này, khi đất nước trải qua các thời kỳ như bao cấp, chiến tranh, kể cả khi bắt đầu đổi mới, xe đạp vẫn là phương tiện giao thông chính của thành phố đơn sơ, yên tĩnh và trong lành này. 

“Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu…”

Thời bao cấp, chiếc xe đạp là một tài sản rất có giá trị với mỗi gia đình. Xe đạp thời ấy cũng được đăng ký và cấp biển số. Hầu hết mỗi gia đình thường chỉ có một chiếc.

Dạo đó, người dân đa phần dùng xe Thống Nhất do Việt Nam sản xuất. Ai có các loại xe đạp ngoại như: Diamant, Mifa của Đức, Favorit của Tiệp, Phượng Hoàng hay Vĩnh Cửu của Trung Quốc… thì coi như có một “gia tài” rồi.

“Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu…”

Giá trị nhất hồi ấy là những chiếc Peugeot của Pháp thì chỉ nhà giàu mới có. Đã có lúc chiếc xe đạp chiếm vị trí quan trọng tới mức trở thành tiêu chuẩn để các cô gái kén chồng: 

“Một yêu anh có Seiko
Hai yêu anh có Peugoet cá vàng”…

Thời kỳ chiến tranh, ở tiền tuyến, xe đạp là một phương tiện thồ hàng anh hùng. Con “ngựa sắt” thần kỳ này theo ông cha ta chở súng đạn, lương thực len lỏi khắp chiến trường. Ở hậu phương, nó tần tảo, đảm đang như một người chị, người mẹ.

“Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu…”

Hình ảnh chồng đèo vợ bế con ngồi vắt một bên, bên còn lại là bao tải gạo, khung xe đèo thêm bọc quần áo, lỉnh kỉnh xoong nồi, đạp kẽo kẹt hàng chục cây số đường đất về nơi sơ tán những ngày bắn phá ác liệt ở Thủ đô vẫn đọng mãi trong ký ức nhiều gia đình.

“Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu…”

Là phương tiện đi lại chủ yếu nhưng phụ tùng xe đạp thay thế lại rất khan hiếm. Trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước, phụ tùng xe đạp thường chỉ được phấn phối, gắp thăm theo quý (ba tháng) hay cuối năm bình bầu lao động tiên tiến được thưởng. Còn bên ngoài gần như không có. Khan hiếm như vậy nên những chiếc săm, chiếc lốp được tận dụng tối đa. Những quán sửa chữa xe đạp rất phổ biến.

“Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu…”

Thế hệ 6X, 7X chúng tôi, chiếc xe đạp là người bạn thân cùng rong ruổi qua bao năm tháng tuổi học trò và cả thời sinh viên đầy hoài bão, khát vọng. 

“Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu…”

Theo thời gian, xe đạp dần ít đi, thay vào đó là sự phát triển của xe máy, ô tô. Trong nhiều gia đình đã không còn sự hiện diện của chiếc xe đạp như là phương tiện giao thông chính nữa. Thay vào đó, xe đạp chỉ để phục vụ mục đích thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe. 

“Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu…”

Khi Hà Nội "bùng nổ" xe máy và ô tô cá nhân kéo theo sự ùn tắc giao thông, xe đạp được xem là phương tiện lý tưởng để người dân di chuyển trong những cự ly gần, đi siêu thị, đón con...

Đi xe đạp không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, tăng cường sức khỏe, gìn giữ một nét văn hóa đã từng gắn bó với nhiều thế hệ người Việt Nam trong cả một thế kỷ qua, mà còn giúp giữ thành phố đẹp, yên tĩnh và sạch sẽ.

Nhipsonghanoi