Huy Cận

Thơ - Ngày đăng : 22:14, 05/10/2019

Huy Cận là tên thật. Ông họ Cù. Sinh ngày 31/5/1919, tại một làng chân núi, thuộc xã Ân Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đang học lớp tư, Huy Cận được ông cậu đưa vào Huế nuôi cho học thẳng đến Tú tài toàn phần (1939). Khi còn ngồi trên ghế trường trung học, 1938, Huy Cận đã có thơ đăng trên số Tết báo Ngày nay, bài Chiều xưa, và nhanh chóng lọt vào mắt xanh nhóm Tự lực văn đoàn, một tổ chức tập hợp những cây bút nổi tiếng thời bấy giờ. Tháng 11/1940, tập thơ đầu tay Lửa thiêng được Nhà xuất bản Đời nay củ
Huy Cận

Buồn đêm mưa
Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la…
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi…
Rơi rơi… dìu dịu rơi rơi…
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ…
Tương tư hướng lạc, phương mờ…
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe
Gió về, lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư…
Đi giữa đường thơm
Tặng Thạch Lam
Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm…
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm,
Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng.
Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng
Lần lượt buông màn nhẹ vướng chân lâu:
Lên bề cao hay đi xuống bề sâu?
Không biết nữa. - Có chút gì làm ngợp
Trong không khí… hương với màu 
hòa hợp…
Một buổi trưa không biết ở nơi nào,
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao,
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ,
Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự.
Buổi trưa này xưa kia ta đã đi,
Phải cùng chăng? lòng nhớ rõ làm chi!
Chân bên chân, hồn bên hồn yên lặng
Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng;
Trí vô tư cho da thở hương tình,
Người khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình.
Như sắp nói, nhưng mà không; - khóm trúc
Vừa động lá, ta nhận vào một lúc
Cả không gian hồn hậu rất thơm tho;
Gió hương đưa mùi, dìu dịu phất phơ…
Trong cảnh lặng, vẫn đưa mùi gió thoảng…
Trí bâng quơ nghĩ thoáng nhưng buồn nhiều:
“Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu”.
Chân đang bước bỗng e dè đứng lại
- Ở giữa đường làng, mùi rơm, hoa dại…
Tràng giang
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài
                       H.C
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Xuân hành
Lượng xuân trời đất vui chưa hết,
Sông Nhị dòng hăng nước chảy ào.
Máu đời lai láng hòn đất đỏ,
Mạch đời vời vợi lòng sông cao.
Nghe đời bước mạnh vần thế núi
Nghe đời thở mạnh lòa trăng sao.
Ta đi một mình trên đê nhỏ,
Ta góp chân nhanh cùng bốn gió,
Ta đi mau quá tầm chân người,
Ta gặp hồn ta trong vũ trụ. 
Máu xuân chốn chốn sôi mênh mông,
Hoa gọi trời xanh phất quạt hồng.
Ta đi về đâu ta chẳng biết,
Chỉ biết trời xanh là ta say,
Trời xanh hái cụm hoa tinh khiết,
Mỗi bước bừng khơi một suối ngày.
Bà quán bên đường nếp áo nâu,
Xôn xao xuân ý cũng về đâu?
Về đâu thiếu nữ còng vai mạnh
Quá khứ tương lai gánh trước sau?
Về đâu những bước thời gian đã
In dấu mong manh trên cánh đào?
Về đâu hạt bụi vàng thao thức
Theo bánh xe quay vòng khát khao?
Về đâu nhật nồng cùng nguyệt lạnh,
Hai bánh xe quay vòng số mệnh?
Ngồi xe nhật nguyệt cùng Thiên nhiên
Làm bạn đi đường về vô định,
Chỉ biết hôm nay lòng ta vui.
Mà tuổi đất trời còn độ thịnh.
Âm dương chưa hằng mệt,
Bên đường hoa nở tươi.
Mùa vàng đời chửa hết,
Biển vang triều chẳng liệt,
Sóng rủ nhau đi bát ngát cười...
1943
Đoàn thuyền đánh cá
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,
Biển cho ta cá như lòng mẹ,
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.
Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
Hồng Gai, 4/10/1958
Trò chuyện với Kim tự tháp
Chỉ có trời xanh thay cỏ cây
Mênh mông sa mạc. Cát làm ngày;
Cát làm đêm nữa. Trăng phơi cát
Sao sáng đằng xa hay cát bay?
Vua chúa không yên chịu cát vùi
Trăm kim tự tháp đá chen trời.
Năm nghìn năm đứng cười sa mạc,
Nắm chắc trong tay vĩnh viễn rồi!...
- Kim tự tháp! Ngươi thấy gì tự bấy?
- Thấy gió thổi bốn mùa, cát dậy;
Cát vung lên rát mặt thời gian,
- Kim tự tháp! Ngươi vẫn cười ngạo nghễ?
Chấp năm tháng, xoa những đầu thế kỉ?
- Buổi đầu tiên tôi tưởng vậy, say sưa
Không cho ngày tàn, cắm mặt trời trưa
Trên đỉnh nhọn như kim cương lấp loáng
Trên mũ mão đầu Thiên Vương chói rạng.
- Nhưng rồi sao, Kim tự tháp ngàn năm?
- Trong lòng tôi một xác ép vua nằm;
Dưới chân tôi vạn thần dân chết lụi.
Vua muốn thắng thời gian vòi vọi
Nằm yên trong giấc đá, kín bưng.
Suốt đời vua lo chỗ ngủ cuối cùng,
Ôm cái chết mong thắng dần cái chết.
Thời gian thổi, hồn vua không sợ rét;
Mặt trời quay, trục tháp chẳng mòn xoay.
Vua ngủ yên nhưng tôi thức đêm ngày;
Cát, cát, cát nổi từng cơn dữ dội,
Cát thổi đập vào mình tôi nhức nhối.
Tôi thức vua cho vua biết: giữa trăng sao
Hạn nằm trong vĩnh viễn chẳng còn bao
“Dậy vua ơi! Cái chết chẳng thể rào
Được cái chết”. Vua ngủ mê giấc đá
Lở chân trời nhiều bạn tôi tàn tạ,
Hất ra ngoài vĩnh viễn xác vua phơi...
Tôi thấy thời gian rúng lạnh bốn chân tôi...
- Ngươi còn thấy những gì, Kim tự tháp?
- Từng thế kỉ những đoàn người cúi rạp
Dưới chân tôi rồi biến mất mù tăm...
Nhưng cũng đôi khi có những trán đăm đăm
Soi vằng vặc vào mặt tôi mà hỏi:
“Chất cái chết lên cao, trên mấy tầng mây nổi
Đã tấc nào thành sự sống hay chưa,
Hỡi nghìn năm Kim tự tháp chơ vơ!”
Tôi chết điếng trong lòng tôi tự đó
Tôi chết sững, chết thêm lần nữa
Trong từng vân, từng thớ đá thân tôi...
- Ngươi thấy gì, Kim tự tháp, nữa thôi?
- May tôi còn thấy giữa muôn trùng gió lộng
Thấy cái chết muốn trở thành sự sống
Cát kêu lên nỗi hoài vọng lớn lao:
Là cái chết khô, cát muốn hóa tế bào
Của tươi mát, thịt da, hoa lá...
Thấy cái sống muốn mọc từ cát đá”.
Trong chiều xanh, rìa sa mạc mênh mông
Ngô đầu mùa phơi phới đâm bông.
Bóng Kim tự tháp trải lên bờ sông mát,
(Chuyện ghi lại bên bờ gió cát)
Ai Cập, 7/1962
Các vị La Hán chùa Tây Phương
Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương?
Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.
Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.
Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe tựa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn...
Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.
Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.
Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.
Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quại run lần chót
Các vị đau theo lòng chúng nhân?
Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?
Sống lại cho tôi hỏi một câu:
Bác tạc bấy nhiêu hình khổ hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?
Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.
Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tâm can vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đâu.
Đứt ruột cha ông trong cái thuở
Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.
Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng, cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.
Các vị La Hán chùa Tây Phương!
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.
Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hóa gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.
27/12/1960
..................................................................................
Thơ tuyển rút từ tập “Tuyển tập Huy Cận”
NXB Văn học 1986

Huy Cận