Xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Vinashin
Tin tức - Ngày đăng : 08:18, 12/10/2019
Trước đó, vào giữa tháng 6-2019, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và xử phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Sự (sinh năm 1957, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin) 13 năm tù; Trần Đức Chính (sinh năm 1976, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Vinashin) 17 năm tù; Trương Văn Tuyến (sinh năm 1950, nguyên Tổng Giám đốc Vinashin) 7 năm tù; Phạm Thanh Sơn (sinh năm 1972, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinashin) 6 năm tù. Các bị cáo cùng bị tuyên phạt về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Về trách nhiệm dân sự, Tòa tuyên các bị cáo phải hoàn trả số tiền đã chiếm hưởng cá nhân. Ngoài ra, các bị cáo phải cùng chịu trách nhiệm về các khoản chi chung của Vinashin không thể thu hồi.
Tuy nhiên, sau bản án sơ thẩm, các bị cáo đã có kháng cáo. Bị cáo Nguyễn Ngọc Sự và Trương Văn Tuyến kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Phạm Thanh Sơn cho rằng mức án quá nặng, Tòa sơ thẩm chưa xem xét hết tình tiết giảm nhẹ và buộc bị cáo bồi thường 4,5 tỷ đồng là không chính xác. Bị cáo Sơn đề nghị gỡ bỏ phần kê biên tài sản. Bị cáo Trần Đức Chính kháng cáo toàn bộ bản án.
Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội có kháng nghị đối với bản án sơ thẩm theo hướng tăng mức hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Sự. Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát đề nghị tịch thu số tiền 14,8 tỷ đồng của các bị cáo. Bị cáo Trần Đức Chính phải nộp thêm 8 tỷ đồng. Đồng thời, Viện Kiểm sát kiến nghị buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường 8,2 tỷ đồng để sung công quỹ nhà nước.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Sự sau phiên sơ thẩm có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Sự lại có đơn xin rút toàn bộ kháng cáo. Ngày 26-7, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã có thông báo về việc rút kháng cáo của bị cáo Sự. Tuy nhiên, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin vẫn phải hầu tòa vì bị Viện Kiểm sát kháng nghị theo hướng tăng nặng hình phạt.
Trước đó, bản án sơ thẩm nhận định, năm 2010, Vinashin được nhận 2.200 tỷ đồng từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để tái cơ cấu và sau đó tiếp nhận 4.190 tỷ đồng của Chính phủ cấp tạm ứng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho Vinashin.
Với mong muốn có nguồn tiền phục vụ cho hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) và cán bộ lãnh đạo tại OceanBank đã ban hành chủ trương chi tiền ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng cho Vinashin để lãnh đạo Vinashin quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank.
Mặc dù không được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhưng Nguyễn Ngọc Sự (Chủ tịch Hội đồng thành viên), Trương Văn Tuyến (Tổng Giám đốc), Phạm Thanh Sơn (Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính) và Trần Đức Chính (Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý số tiền nhận từ PVN và tiền Chính phủ cấp, bàn bạc thống nhất chủ trương quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank sau đó chiếm đoạt số tiền chi ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng.
Từ tháng 3-2011 đến tháng 8-2014, Trần Đức Chính đã nhận hơn 105 tỷ đồng lãi ngoài do các cán bộ của OceanBank chi. Số tiền hơn 105 tỷ đồng này do Trần Đức Chính trực tiếp quản lý, không hạch toán vào nguồn thu của Vinashin, để ngoài sổ sách, dùng để các bị cáo chiếm hưởng cá nhân trái pháp luật, chi phí không đúng quy định của Nhà nước.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Sự chiếm hưởng cá nhân 8 tỷ đồng. Bị cáo Trần Đức Chính chiếm hưởng cá nhân 10 tỷ đồng. Bị cáo Trương Văn Tuyến chiếm hưởng cá nhân số tiền 3,5 tỷ đồng. Bị cáo Phạm Thanh Sơn chiếm hưởng cá nhân 1,2 tỷ đồng.
Dự kiến, phiên tòa xét xử phúc thẩm lần này sẽ được diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 10 đến hết ngày 11 và sẽ tuyên án ngày 14-10-2019).