Sân khấu Hà Nội: Đã sẵn sàng bước vào công nghiệp văn hóa?
Hoạt động hội - Ngày đăng : 14:48, 13/05/2022
Trong ngành nghệ thuật biểu diễn, sân khấu chiếm giữ một vị trí quan trọng. Thế nên, khi bước vào công nghiệp văn hóa, sân khấu cả nước nói riêng và sân khấu Hà Nội nói chung không thể đứng ngoài cuộc. Vậy khi hòa chung vào dòng chảy ấy, sân khấu Hà Nội liệu đã có thể sẵn sàng chuyển mình để bước vào công nghiệp văn hóa? Đó cũng là những băn khoăn, trăn trở được các nghệ sĩ, tác giả, nhà nghiên cứu lý luận phê bình đặt ra tại hội thảo “Sân khấu Thủ đô với công nghiệp văn hóa” vừa được Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức.
Nghệ thuật truyền thống có thể trở thành chủ lực trong công nghiệp văn hóa
Show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội - một cách bước vào công nghiệp văn hóa.
Nghệ thuật truyền thống có thể trở thành chủ lực trong công nghiệp văn hóa
Bắt đầu từ những khó khăn
Nhiều nghệ sĩ, tác giả, nhà nghiên cứu lý luận phê bình tham dự hội thảo đều cho rằng, sân khấu Hà Nội nói riêng và sân khấu cả nước nói chung cần tích cực bước vào công nghiệp văn hóa để khẳng định hơn nữa vai trò của mình trong việc thúc đẩy đời sống văn hóa xã hội phát triển. Để có thể thực hiện nhiệm vụ này cần một sự chuyển mình mạnh mẽ cả về nhận thức lẫn hành động từ hiện trạng đầy khó khăn của sân khấu hiện nay, nhất là sân khấu truyền thống. Cũng bởi lẽ, ai cũng biết trong suốt mấy chục năm qua, sân khấu Hà Nội nói riêng và sân khấu cả nước nói chung rơi vào tình trạng khủng hoảng khi không thể cạnh tranh với các lĩnh vực giải trí khác như phim điện ảnh, truyền hình, chương trình ca nhạc, tạp kỹ… Càng ngày khán giả càng thờ ơ với các tác phẩm sân khấu. Đã có những thời điểm rạp hát chẳng thể sáng đèn vì không thể tổ chức biểu diễn bán vé mà trở thành nơi cho thuê tổ chức hội nghị, đám cưới. Đa số vở diễn được đầu tư dàn dựng chỉ diễn dăm ba buổi để báo cáo ra mắt, phục vụ hội nghị rồi cất kho. Tuy nhiên, cũng cần phải ghi nhận khi thời gian gần đây, một số đơn vị nghệ thuật đã nỗ lực mạnh dạn đổi mới hình thức biểu diễn, không chỉ biểu diễn ở sân khấu lớn mà còn biểu diễn ở những không gian nhỏ hơn theo hợp đồng, sự kiện; mạnh dạn biên chế cán bộ chuyên trách tổ chức biểu diễn… Thế nhưng, dường như những gắng gỏi đó không thu được kết quả thực sự khả quan nên không ít đơn vị đành buông tay hoặc đành dậm chân mãi trong những nỗi buồn loay hoay tìm đường…
Theo NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, nếu nhìn vào mặt bằng chung của sân khấu Thủ đô, câu hỏi làm thế nào để thực hiện thành công công nghiệp văn hóa hẳn là rất khó trả lời. “Bởi còn đó rất nhiều đơn vị đang loay hoay với “thực đơn” biểu diễn đơn lẻ, sân khấu vắng khán giả, nghệ sĩ phải làm 2-3 việc một lúc để kiếm sống… Đặc biệt ở nghệ thuật truyền thống không chỉ là thưa vắng khán giả mà còn là sự đứt gãy phân khúc khán giả trẻ kéo dài nhiều năm qua”, NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.
Tác giả Hoàng Thanh Du thì cho rằng hiện nay nền công nghiệp với mọi ngành nghề khác đều đang phát triển đến chóng mặt vì nó rất quan trọng trong sự thu hút đầu tư và hội nhập. Nhưng có một thực trạng đáng buồn là ngành văn học nghệ thuật của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng “đã lỡ chuyến tàu đầu tiên” vì chậm thích nghi. “Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, lý do bảo thủ không chịu thay đổi cách nhìn nhận của chính chúng ta đã làm mất đi nhiều cơ hội về thu hút đầu tư dù cho về ý thức chúng ta rất muốn giao lưu mở rộng, không chỉ dừng lại ở trong nước”, tác giả Hoàng Thanh Du thẳng thắn chỉ rõ.
Show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội - một cách bước vào công nghiệp văn hóa.
Hiến kế từ niềm tin
Dù còn không ít bộn bề khó khăn, nhưng các nghệ sĩ, tác giả, nhà nghiên cứu vẫn gửi gắm niềm tin vào những điểm sáng của sân khấu Thủ đô. Đó là một Sân khấu Lệ Ngọc - ngay trong những ngày đại dịch hoành hành, sân khấu tư nhân này vẫn thường xuyên dựng đúp hai vở diễn và khi công diễn vở nào cũng kín chỗ rạp hát. Đó là show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội có sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với công nghệ biểu diễn hiện đại, được kênh truyền hình CNN nhận xét là “vở diễn nhất định phải xem khi đến Hà Nội”. Hay như, Nhà hát Múa rối Thăng Long - trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát - là nhà hát duy nhất ở châu Á biểu diễn liên tục trong 365 ngày trong năm và trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách quốc tế khi tới Thủ đô Hà Nội. “Kỷ lục của Nhà hát Múa rối Thăng Long cho thấy nghệ thuật truyền thống hoàn toàn có thể trở thành chủ lực trong công nghiệp văn hóa”, NSND Trần Quốc Chiêm tin tưởng nói.
Từ niềm tin đó, các nghệ sĩ, tác giả, nhà nghiên cứu đã sẵn sàng hiến kế để sân khấu có được những đóng góp xứng đáng cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Theo tác giả Nguyễn Hiếu, hiện tượng Sân khấu Lệ Ngọc - một đơn vị sân khấu tư nhân đang đặt ra cho các nhà hát công lập câu hỏi cần được giải đáp sớm: “Cái gì đã tạo ra động lực lôi kéo khán giả đến sàn diễn?”. Và ông đặc biệt nhấn mạnh: “Để sân khấu Hà Nội được coi và làm như một sản phẩm công nghiệp văn hóa thì điều cần đầu tiên và quan trọng nhất là tôn trọng chất văn hóa trong sân khấu. Ở đây cần những con người tâm huyết và am hiểu sân khấu để chỉ đạo, quản lý và làm sân khấu”.
Từ trăn trở: Với sân khấu Hà Nội cần gì để có thể thích nghi với công nghiệp văn hóa?, tác giả Hoàng Khánh Du quyết liệt đề xuất: “Với tôi, sân khấu Hà Nội chỉ cần cổ phần hoặc xã hội hóa, hãy chấm dứt ăn đong trông chờ vào dòng sữa ngân sách cấp phát, hãy thu hút đầu tư bằng các xã hội hóa (học tập cách làm công nghiệp văn hóa của TP. Hồ Chí Minh khi họ xã hội hóa sân khấu) thì bỗng nhiên các sân khấu (rạp) đỏ đèn liên tục và đương nhiên sẽ là điểm cộng cho phát triển nghệ thuật sân khấu và phục vụ được đông đảo người xem”.
Tuy nhiên, các nghệ sĩ, tác giả, nhà nghiên cứu còn cho rằng, nếu chỉ là sự nỗ lực của một đơn vị nghệ thuật thì cũng khó có thể đưa sân khấu bước vào công nghiệp văn hóa. Vậy nên rất cần sự quan tâm của Nhà nước với cơ chế chính sách tốt, đầy đủ; xây dựng cơ chế lựa chọn, thu hút nhân tài; tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các đơn vị nghệ thuật sáng tạo các mô hình kinh doanh nghệ thuật mới, gắn với nhu cầu thị trường; từng bước giúp ngành nghệ thuật biểu diễn nói chung và sân khấu nói riêng đi sâu vào khai thác giá trị kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào cơ chế bao cấp; tạo điều kiện cho tất cả mọi người được hưởng lợi từ sự tăng trưởng và phát triển của một chính sách cơ chế hợp lý, bình đẳng… Nhất là rất cần sự quan tâm và đầu tư xứng đáng của các cấp, các ngành về cơ sở vật chất, chế độ nhuận bút cho kịch bản, đảm bảo đời sống cho nghệ sĩ an tâm làm nghề.
“Sân khấu Thủ đô cũng như sân khấu cả nước rất cần những chính sách của Nhà nước mang tính đặc thù: “Lấy lãi tư tưởng là chính”, nguồn tự thu chỉ là để phát triển sự nghiệp và nâng cao đời sống của anh em làm nghề, không nên gán thu bù chi như hiện nay. Cùng với đó, lãnh đạo các cấp nên sớm ban hành những chính sách thu hút mạnh thường quân đầu tư vào sân khấu; có chính sách khuyến khích liên doanh, liên kết trong khâu quảng bá, tổ chức biểu diễn. Hằng năm rất cần những dự án “Đem vở diễn đến với người xem” được truyền tải trên sóng của đài phát thanh, truyền hình và các đợt lưu diễn của những đơn vị sân khấu Thủ đô phục vụ khán giả ở vùng sâu, vùng xa...”, NSƯT Trịnh Quang Khanh đề xuất.
Hội thảo “Sân khấu với công nghiệp văn hóa” được Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức ngay khi Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được ban hành. Vì vậy, hội thảo được các tác giả, nhà nghiên cứu ghi nhận đây không chỉ là hoạt động chuyên môn cần thiết mà còn là sự đón nhận kịp thời và khá nhanh nhạy của Hội Sân khấu Hà Nội trước bước đi của nền sân khấu đương đại.