Trần Huyền Trân: Vào tuổi trăm năm
Truyện - Ngày đăng : 08:20, 30/10/2019
Tên thật Trần Đình Kim, sinh ngày 13/9/1913, mất ngày 24/4/1989. Trần Huyền Trân đăng thơ từ 1939. Hơi thở cổ kính, mực thước, cũng có một khí vị phiêu bạt, bi phẫn, gần với Thâm Tâm và Nguyễn Bính (Nguyễn Bính giai đoạn thị thành đa đoan và vó ngựa chung tình bánh xe).
Tên thật Trần Đình Kim, sinh ngày 13/9/1913, mất ngày 24/4/1989. Trần Huyền Trân đăng thơ từ 1939. Hơi thở cổ kính, mực thước, cũng có một khí vị phiêu bạt, bi phẫn, gần với Thâm Tâm và Nguyễn Bính (Nguyễn Bính giai đoạn thị thành đa đoan và vó ngựa chung tình bánh xe). Ba người lập nên nhóm thơ được trong giới gọi là xóm áo bào gốc liễu do phong cách viết gợi hơi hướng các tráng sĩ không gặp thời trong truyện võ hiệp Trung Hoa. Trần Huyền Trân không bi phẫn bằng Thâm Tâm, cũng không phóng túng như Nguyễn Bính, ở ông, rõ hơn một khuynh hướng xã hội: tố cáo hiện thực bất công và khát khao một đổi thay. Không biết do khuynh hướng ấy mà ông đến với cách mạng khá sớm hay nhờ đến sớm với cách mạng mà thơ ông rõ khuynh hướng ấy. Trước cách mạng, từ năm 1943, ông đã là thành viên hội Văn hóa cứu quốc, hoạt động bí mật, góp phần chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Cách mạng thành công rồi kháng chiến chống Pháp, ông chuyển sang hoạt động sân khấu. Bài thơ Hải Phòng 19/11/1946 có thể coi là bài khép lại sự nghiệp thơ Trần Huyền Trân. Sau này ông có viết cũng chỉ là động bút nhớ nghề, giá trị nghệ thuật không bằng trước.
Năm 1986, khi làm biên tập viên ở Nhà xuất bản Văn học, tôi nhận được tập bản thảo thơ mang tên Cái thai hoang của Trần Huyền Trân. Cho đến lúc ấy Trần Huyền Trân chưa in một tập thơ nào. Nhà xuất bản Văn học đưa ngay vào kế hoạch xuất bản. Tôi là người biên tập ngần ngại với tên tập thơ. Đó là tên một bài thơ mang nhiều chuyện đời thực và có liên quan với bút danh Trần Huyền Trân. Cái bút danh trùng với tên công chúa nhà Trần gả sang Chiêm quốc. Nhưng không dính gì vào tích ấy. Đấy là câu chuyện buồn của cô Trần Nguyệt Hiền, con một bà mẹ nghèo ở trên căn gác nhỏ mà tầng dưới là tòa báo nghèo Bắc Hà, nơi Trần Đình Kim làm việc. Cô Hiền đi làm nàng hầu một nhà thầu khoán. Rồi cô bị đuổi về với cái thai trong bụng. Xót thương cảnh ngộ ấy, Trần Đình Kim giúp cô Hiền sinh nở và làm giấy khai sinh cho đứa bé: lấy họ Trần của hai người, tách dấu huyền ra mà thành Trân: Trần Huyền Trân. Đứa bé mất, Trần Đình Kim lấy luôn tên này làm bút danh cho mình. Ông làm bài thơ ghi lại câu chuyện thảm thương này, lấy tên là Cái thai hoang. Tên bài thì được. Tên cả tập, không ổn. Giọng thơ cổ kính và cái tên nhóm áo bào gốc liễu, gợi tôi tìm ra cái tên Rau Tần từ một bài thơ bốn câu của ông. Rau tần chính là rau muống được thả thành bè liên miên ao đầm sau lưng phố Khâm Thiên, nơi ở của nhà thơ hồi ấy. Nhờ tính ước lệ của bài thơ gợi khí vị xa xăm tự thời nảo thời nào mà tên thứ rau nhà nghèo thành thi vị:
Mưa bay trắng lá rau tần
Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa
Có người về khép song thưa
Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng
Tôi đề nghị ông đổi tên tập. Ông hài lòng và tôi xin xếp bài thơ này lên đầu tập, như trình với độc giả nguyên ủy của tên tập Rau Tần.
Cổ kính, gọn chắc, đôi chỗ gân guốc, nhưng bao giờ thơ cũng đắm đuối trong tình cảm, tạo nên chất men say đắm rất nghệ sĩ. Thể thơ dẫn Trần Huyền Trân đạt tới độ say ấy thường là thất ngôn và lục bát. Mỗi chữ cổ vào thơ đều mang sức gợi. Gợi một thời, một thuở, một dạng tâm trạng:
Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca
Mênh mang trời đất vẫn không nhà
Người ơi! mưa đấy hay xênh phách
Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa
(Sầu chung)
Gợi, vì hình ảnh ước lệ mang hơi phiêu bạt, giang hồ. Gợi, vì âm điệu tề chỉnh, cân đối, vang và vọng. Đây cũng là một thế thuận để Trần Huyền Trân chuyển sang viết ca từ cho chèo, nhất là chèo ôm tích xưa, truyện cổ. Và đấy cũng là lý do cho thấy giọng thơ Trần Huyền Trân, cả cảm và nghĩ, ít thích hợp với lối thơ hiện thực thời sự ưa chi tiết cụ thể đương đại. Tại sang sân khấu chèo là cách xử lý đúng của Trần Huyền Trân, nó hợp với tạng ông một thuở chinh phu/ một thời cán bộ/ ba lô thay yên ngựa sông hồ.
Lục bát Trần Huyền Trân rất nhiều tiểu đối. Với tương quan đối, ông càng tung hoành hơn trong việc dùng ước lệ, dùng từ cổ, lời xưa, gợi dĩ vãng xa xôi lãng mạn:
Bóng trơ chuông đổ vây dồn
Tưởng người xưa vọng gọi hồn
tịch liêu
Mắt ta ngó suốt chiều chiều
Bụi đời còn vẩn bao điều xót thương
Tiễn nhau bữa ấy đoạn trường
Nụ cười chưa nở bên đường đã rơi
(Chiều mưa xứ Bắc gửi người
xứ Nam)
Trần Huyền Trân nhạy cảm với những tâm trạng chua xót, căm hận, với những cõi lòng đầy lý tưởng đẹp đẽ nhưng lại bị thực tại phũ phàng nghiền nát. Khi ấy giọng thơ ông thâm trầm, xót xa, mỉa mai, bi hận, một giọng thơ đầy kịch tính bên trong của tâm hồn con người. Điển hình nhất cho loại này là bài Với Tản Đà.
Rót đi thôi, rót đi thôi
Rót cho tôi cả mấy mươi tuổi đầu
Nguồn đau cứ rót cho nhanh
(...) Rót đau lòng ấy
sang đau lòng này
Thế mạnh của Trần Huyền Trân chính là diễn đạt tâm trạng. Ông nắm được thần thái tâm hồn và có cách tạo ấn tượng, đọc một lần người ta nhớ mãi:
Biết yêu thì khổ có thừa
Hình dung một thoáng,
tương tư chín chiều
Xa nhau gió ít lạnh nhiều
Lửa khuya tàn chậm,
mưa chiều đổ nhanh
(Tương tư)
Trần Huyền Trân tự vẽ tư thế tâm hồn mình:
Thuyền hồn chở một khoang không
Bao lâu dạt dóng trên dòng cô đơn
Kinh thành mây đỏ như son
Cái lồng eo hẹp giam con chim trời.
Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, tổng kết thành tựu của phong trào Thơ Mới, Hoài Thanh Hoài Chân biểu dương Trần Huyền Trân như lời tái bút một trang thư: rằng thơ ông hiền lành và ít nói yêu đương. Ít nói yêu đương thì có. Nhưng hiền lành thì không đâu. Trần Huyền Trân có một đóng góp đột xuất cho phong trào Thơ Mới chính là ở chỗ thơ ông không hiền lành. Ông tỏa men bi phẫn, men chiến đấu vào hồn lãng mạn có phần ẻo lả của thơ công khai hồi ấy. Bài Độc hành ca, viết năm 1940, đã có những ý ngang tàng, mạnh mẽ đầy nhiệt huyết đổi thay xã hội:
Đã toan ném bút vùi thơ
Thõng buông tay áo sơ dơ dáng đời
(...) Vung tay như rạch ngang trời
Bảo rằng đâu nữa cái thời ngất ngư
Chính từ hơi cảm xúc này mà Trần Huyền Trân sau cách mạng nhập ngay vào dòng thơ sôi nổi của thơ chiến đấu. Bài Hải Phòng 19/11/1946, mở đầu: tiếng súng, tiếng reo, tiếng rầm rập chân đi trong một không gian mênh mang biển khơi đồng đất:
Nổ súng rồi!
Nổ súng rồi!
Hải Phòng cuộn dâng như biển
Nước mặn đồng chua
thêm máu người
Chất thơ ở đây là men của hiện thực chứ không phải hiện thực. Cốt lõi nó là lãng mạn, khuynh hướng nó là chiến đấu, là để hồn bay lên trong hào sảng của tự do. Thiếu đôi cánh say đắm, hào sảng của lãng mạn ấy, để chỉ chăm chăm kể lể hiện thực, thơ Trần Huyền Trân lập tức từ dáng bay thiên nga kỳ ảo rơi xuống thành gà vịt chạy bộ trên sân. Những năm sau này, Trần Huyền Trân bỏ thơ chuyển sang sân khấu phải chăng cũng có lý do từ những chiêm nghiệm này.
Hoạt động sân khấu, Trần Huyền Trân có mang theo chất thơ sang đó. Viết kịch bản hay đạo diễn, ông đều tạo những tính cách lãng mạn, bất ngờ trong hành động và thường giàu cảm xúc nội tâm.
Năm 1989, vào thăm ông trọng bệnh, ở nhà thương Hữu nghị Việt Xô, ông bị viêm tắc mạch máu, đã phải cắt ba chỉ. Nằm trên giường bệnh, cái thân người quắc thước ấy như con thuyền mắc cạn, con thuyền thơ, con thuyền đời, buồm không, chèo không:
Con đò mắc cạn
buồm không chèo không
hồn vênh nghe sóng gió sông Hồng
bừng bừng con mắt
màu đỏ phù sa đau nhớ nhung