Thời gian và trang viết
Truyện - Ngày đăng : 21:00, 08/11/2019
Đã bước vào tuổi tám mươi nhưng sức viết của nhà giáo, nhà thơ Đặng Hiển vẫn như thời thanh xuân. Trong chiều thu Hà Nội, tôi nhận được cuộc gọi của ông với nhã ý muốn gửi tặng tập sách mới viết - Tiểu luận văn học “Thời gian và trang viết”.
Cuốn sách dày 400 trang với 43 bài viết đề cập tới nhiều lĩnh vực: Văn xuôi, thơ, kịch, ký, điện ảnh, sân khấu, báo chí, nhà văn và dạy văn... Trong “Lời đầu sách” tác giả đã tâm sự: “Cuốn sách này tập hợp phần lớn những bài viết trong hai năm qua... hầu hết đều chưa in trong các sách đã ra trước đây”.
Có thể nói rằng, một trong những điểm sáng trong trang viết của ông là tấm lòng trân quý và trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc sống, con người và đồng nghiệp. Là sinh viên ngữ văn khóa đầu tiên của Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đến với nghề dạy học. Sinh ra từ một miền quê giàu truyền thống văn hóa - Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, nhưng phần lớn cuộc đời ông lại gắn bó với Hà Tây, Hà Nội. Phải chăng vì thế khi viết về xứ Đoài, trang viết của ông luôn đầy đặn phong phú tư liệu cùng sự thấu đáo sâu sắc và giàu cảm xúc về miền quê thứ hai đối với ông.
Đã từng là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây, phụ trách mảng sáng tác, ông luôn quan tâm đến bạn văn xứ Đoài, vui mừng và trân trọng trước thành công trong văn chương của họ. Sự quan tâm cùng tấm lòng cởi mở ấy luôn mang đến niềm tin cho đồng nghiệp. Khi tuổi đã cao, đón nhận những sáng tác mới của bạn văn “Xứ Đoài mây trắng”, ông hồ hởi đọc và viết. Qua “Vẻ đẹp buốt trời”, ông nhận ra “nỗi niềm nhân thế trong tập thơ mới của nhà thơ Nguyễn Thị Mai”. Qua tập thơ “Chi chi chành chành” ông cho rằng “Thơ Tô Thi Vân có bước phát triển mới trên con đường dân tộc - hiện đại và định hình phong cách”, “Tô Thi Vân và Đinh Nam Khương là hai trong những nhà thơ tiêu biểu của vùng Hà Tây cũ. Đó là hai cây sáo du dương của đồng quê Sơn Nam Thượng, giọng điệu và sắc điệu khác nhau nhưng đều là những đóng góp quý cho thơ ca Hà Nội mở rộng vốn đang cần làm phong phú hơn tiếng hát đồng quê thời kỳ sau 1975 với sự hài hòa giữa truyền thống và cách tân”. Đón nhận “Tiếng thời gian” tập thơ mới của nhà thơ Nguyễn Đắc Lập, ông trân trọng và đề cao cách lập tứ của phẩm chất thơ nhiều chiêm nghiệm... Nhìn lại 10 năm Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, dưới góc độ văn hóa, ông đã có bài viết khảo cứu “Sự giao thoa văn hóa xứ Đoài và văn hóa Thăng Long Hà Nội trong văn học” để nhấn mạnh “trong động lực phát triển Thủ đô có sự giao thoa sâu rộng của hai miền văn hóa bây giờ đã hợp một nhưng đã thăng hoa và đặc sắc trong cả nét chung và riêng”. Đó phải chăng còn là lời nhắn gửi cho các nhà quản lý, lãnh đạo thành phố cần giữ gìn sự đa dạng trong thống nhất ấy của văn hóa văn hiến Hà Nội hôm nay.
Không chỉ với xứ Đoài, ông rất quan tâm và dành nhiều tình cảm cho những trang viết về bằng hữu, học trò... “Tôi đã đọc tập ký “Về giữa lòng quê” của Trần Phương Trà không dưới hai lần và lần nào cũng liền một mạch. Cái gì hấp dẫn tôi? Nghệ thuật ư?... Đương nhiên nghệ thuật viết ký của “Về giữa lòng quê “không thể so sánh với các kiệt tác. Vậy cái gì đã làm tôi không rời mắt khi đã cầm lên cuốn sách? Chính là cuộc sống chiến đấu và tình người ở trong đấy, nó cứ rưng rưng như nước mắt, như máu chảy. Hay vì tôi quá yêu bạn tôi, người đã học sau tôi 2 năm ở Đại học Tổng hợp và đã từ biệt người vợ sắp đến tháng sinh để trở về quê miền Nam chiến đấu... “Trong bóng đêm, dưới ánh sáng của ngọn đèn hôm nay, tôi cũng đã đọc những mạch chữ ấy rưng rưng. Bởi vì “Giá trị của ký là giá trị của cuộc sống và chiến đấu của con người”.
Sự dấn thân cùng với trách nhiệm cầm bút của người trí thức, của người thầy đã khiến những trang viết của ông có mặt trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Từ “Những vấn đề gợi lên từ đất nóng” phóng sự của Nguyễn Phúc Lai đến “Nhà văn và việc dạy văn”, từ “Tôi đã được chiêm ngưỡng ngôi sao thần nông qua thơ Lê Chức” nói về vẻ đẹp con người của nhà nông học Vũ Tuyên Hoàng đến vẻ đẹp của bông “Hoa dại” trong thơ Trần Vũ Long... Dường như ông luôn mở lòng với mọi người, từ người thân quen đến người chỉ gặp qua tác phẩm của họ mà sinh ra cảm mến và trân trọng. Đó là sự trong sáng vô tư của một ngòi bút thật quý hiếm trong cuộc sống còn nhiều vụ lợi hôm nay.
Những năm gần đây, ông luôn có mặt cùng với tham luận của mình trong nhiều hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức. Tuy nhiều vai, nhưng có lẽ với ông mảng lý luận phê bình mạnh hơn và đạt nhiều thành tựu hơn. Hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận, ông có bài viết “Cảm hứng triết học của Huy Cận qua một số bài thơ trước và sau Cách mạng tháng Tám”. Đến với Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội, ông góp tiếng nói “Nâng cao chất lượng sáng tác văn học của Hội Nhà văn Hà Nội”. Bằng tấm lòng và tâm huyết với sự phát triển của hội, ông thẳng thắn góp ý với tinh thần xây dựng: “Tập hợp những nhà văn Hà Nội vào tổ chức Hội Nhà văn Hà Nội không phải để thêm vui và sáng tác văn học không phải là hội chứng đám đông mà là để nâng cao chất lượng sáng tác, trình độ tư duy văn học, giúp nhau một cách có tổ chức, có định hướng, có chương trình kế hoạch và tất nhiên có hiệu quả”. Và ông mong rằng “Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội lần này phải là Đại hội vun đắp tài năng văn học Hà Nội”. Ông là người luôn phát hiện, động viên những cây bút trẻ có tiềm năng văn học trong học đường và ngoài xã hội, nhưng cũng luôn đau đáu trước những vùng sáng tối trong văn chương và con người. Với tinh thần bình dân cùng sự quan tâm tới những người mới bước vào đường văn, ông không ngần ngại khi viết về họ, truyền cảm hứng và cả những kinh nghiệm qua “Thời gian và trang viết”...
Say mê và nặng lòng, tuy đã tạm biệt trang giáo án khá lâu nhưng ông luôn dõi theo việc dạy văn trong nhà trường. "Dạy văn theo hướng tích hợp” thực sự là bài viết bổ ích cho mỗi thầy cô giáo dạy văn hôm nay. Và cũng khiến nhiều bạn đọc ngạc nhiên về sự cập nhật và thấu đáo của ông với đổi mới trong giảng dạy. Không chỉ đồng thuận một chiều, với bài viết "Nhà văn và việc dạy văn”, ông đã phản biện và góp ý để "gắn kết Hội Nhà văn với ngành giáo dục, nhà văn với nhà giáo nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy và học văn trong nhà trường”.
Ông là hội viên của nhiều hội: Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội, Hội Điện ảnh Hà Nội. Vì thế dường như vừa có sự phân thân vừa có sự đa mang nên trang viết có phần nào dàn trải trên nhiều lĩnh vực của văn học nghệ thuật. Phong cách trong tiểu luận văn học giản dị, dễ hiểu nhưng cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều thói quen của bục giảng và không gian học đường.
Gấp lại trang cuối của “Thời gian và trang viết”, tôi nhớ mãi một ý trong bài viết “Kịch nói Thủ đô với đề tài hiện đại”, ông nhấn mạnh: “Sức hấp dẫn của kịch còn ở tính dự báo”. Xin phép tác giả được mở rộng thêm, đó không chỉ là sức hấp dẫn của kịch mà tính dự báo, dự cảm là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự sâu sắc, làm nên tầm vóc của mỗi trang viết trước thời gian.